Lo ngại sự xuống cấp về y đức, giải quyết tai biến y khoa, mong muốn kéo giảm giá thuốc, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh… là những bức xúc mà người dân cả nước gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên chất vấn chiều 1-4.
Còn chữa bệnh, còn tai biến!
Trước mối quan tâm đặc biệt của các đại biểu (ĐB) Quốc hội về y đức, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận đây là vấn đề nóng khiến người dân bức xúc. Trình bày hàng loạt giải pháp như xây dựng hệ thống quy định pháp luật, lập đường dây nóng 24/24 giờ…, bộ trưởng cho biết đã cấp 1.200 điện thoại di động cho giám đốc các bệnh viện để “hạ hỏa” ngay bức xúc của người bệnh.
Suốt 5 tháng qua, ngành y tế đã nhận được 6.700 cuộc gọi phản ánh. Trong đó, khoảng 2.000 cuộc gọi về vấn đề y đức; 40% phản ánh thái độ của nhân viên y tế; 20% phàn nàn về viện phí… “Một số cán bộ y tế đã bị kỷ luật sau khi xác minh phản ánh của bà con là đúng” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Đáp lại câu hỏi về y đức của ĐB Trương Minh Hoàng (tỉnh Cà Mau), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết có 2 loại vụ việc. Một là tai biến, hai là tiêu cực. “Tai biến không thể tránh khỏi. Có khám chữa bệnh là có thể xảy ra biến chứng, thậm chí tử vong, mấy trăm năm nữa vẫn chưa thể hết. Còn làm thì còn sai sót. Thứ hai, ở đây cũng có sai sót do vô ý hoặc vô trách nhiệm… ĐB hỏi khi nào chấm dứt, chúng tôi không dám trả lời, chỉ có cách hạn chế thôi” - bà Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ở Mỹ, mỗi năm có hơn 4.000 ca tử vong do tai nạn giao thông nhưng đến 120.000 người chết vì các tai biến y khoa. Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận trong khám chữa bệnh, không ít cán bộ y tế còn vô trách nhiệm, nhũng nhiễu, đòi hỏi nên để xảy ra tai biến hoặc gây bức xúc cho người bệnh. “Chúng tôi kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ không đủ y đức” - bộ trưởng quả quyết.
Giá thuốc “không cao”
ĐB Nguyễn Văn Bình (tỉnh Hải Phòng) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra giải pháp mạnh mẽ để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay giải pháp cơ bản là giá dịch vụ y tế phải tiến tới tính đúng, tính đủ nhằm tạo ra sự cạnh tranh công bằng, hợp lý nhưng muốn làm được điều này cần có lộ trình.
Trả lời chất vấn của ĐB Hà Thị Lan (tỉnh Bắc Giang) về giải pháp kéo giá thuốc xuống, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Giá thuốc ở Việt Nam không quá cao. Giá đã ổn định trong thời gian dài. Theo đánh giá mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới và Viện Chiến lược Chính sách - Bộ Y tế, biệt dược ở Việt Nam có độ tăng giá trung bình, còn thuốc generic (thuốc gốc) có mức tăng thấp.
Bộ Y tế cũng đã thành lập đoàn khảo sát trên 30 mặt hàng thuốc phổ biến ở Trung Quốc và Thái Lan. Kết quả cho thấy cùng một mặt hàng, thuốc Trung Quốc cao hơn 1,6-2 lần, thuốc Thái Lan cao hơn 2-3 lần.
Ba trẻ chết do tiêm nhầm thuốc co giãn cơ
Ngày 1-4, ông Nguyễn Văn Lợi, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Quảng Trị, xác nhận 3 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Hướng Hóa ngày 20-7-2013 là do tiêm nhầm thuốc. Theo nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động, thay vì vắc-xin viêm gan B, y tá Nguyễn Thị Thuận đã tiêm nhầm cho 3 trẻ loại thuốc có chức năng giãn cơ dành cho sản phụ khi sinh con.
Trước đó, ngày 26-3, Công an tỉnh Quảng Trị đã bắt tạm giam 4 tháng đối với y tá Nguyễn Thị Thuận vì có hành vi vi phạm các quy tắc nghề nghiệp về sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị. Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết việc khởi tố, bắt tạm giam bà Thuận là đúng người, đúng tội. Theo đó, bà Thuận bị khởi tố về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm các quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.
Q.Nhật
Bình luận (0)