xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Ngôi sao” Tả Phìn

Bài và ảnh: MẠNH DUY

Gần đây, du khách Việt mới tìm đến Tả Phìn ở Lào Cai nhờ sản phẩm thêu thổ cẩm nức tiếng và bài tắm thuốc trứ danh của người Dao đỏ nhưng du khách châu Âu đã có mặt từ lâu. Họ thích đến đây để cảm nhận cuộc sống người dân vùng cao Tây Bắc

Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 năm nay, 2 phụ nữ ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai được mời sang Pháp quảng bá và trình diễn văn hóa dân tộc Dao đỏ, trong đó có chị Chảo Mán Mẩy. Từ lâu, chị đã ấp ủ giấc mơ giúp sản phẩm văn hóa của người Dao đỏ tỏa sáng ở kinh đô ánh sáng Paris, Pháp. Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, người phụ nữ Dao đỏ này được hâm mộ như một “ngôi sao” ở nhiều nơi.

Cơ duyên với nước Pháp

Phải đi qua những con đường đèo dốc, lầy lội nhất ở Tả Phìn, chúng tôi mới đến được nhà Chảo Mán Mẩy. Hằng ngày bán thổ cẩm ở nhà bảo tàng tại thị trấn Sapa nên chị được khá nhiều du khách biết đến.

Chúng tôi gặp Mẩy 2 tuần trước khi chị đi Pháp theo một chương trình trao đổi giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Pháp. “Mình tới bảo tàng phụ nữ ở thủ đô Paris và nhiều thành phố khác để giới thiệu sản phẩm thổ cẩm thêu tay và những bài thuốc bí truyền. Sau những lần đến Hà Nội, lần tới Pháp này hứa hẹn sẽ đưa văn hóa người Dao đỏ bay cao, bay xa hơn” - chị hào hứng.

 

Chị Chảo Mán Mẩy (bìa phải) cùng các phụ nữ Dao đỏ với nghề thêu thổ cẩm truyền thống
Chị Chảo Mán Mẩy (bìa phải) cùng các phụ nữ Dao đỏ với nghề thêu thổ cẩm truyền thống

Chảo Mán Mẩy sinh năm 1973, nhà ở xã Chung Chải - cách thị trấn Sa Pa chừng 20 km nhưng lấy chồng rồi về thôn Sả Séng ở Tả Phìn làm dâu 22 năm nay. Mẩy nổi tiếng ở Tả Phìn là một phụ nữ chăm chỉ, tần tảo, không ngại khó, ngại khổ. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc lên 5 tuổi, Mẩy tự học nghề thêu của những phụ nữ trong bản. Ở Tả Phìn, hầu như ai cũng biết chị là người giỏi thêu thùa, từng đoạt nhiều giải thưởng và luôn đứng đầu những chương trình thêu đồ thổ cẩm xuất khẩu theo đặt hàng của các tổ chức phi chính phủ cũng như doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Alan, chuyên gia dân tộc học của Bảo tàng Phụ nữ Pháp, đã phát hiện Mẩy khi chị cặm cụi vừa thêu vừa bán những mặt hàng thổ cẩm ở thị trấn Sa Pa. Mẩy từng mấy lần được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mời xuống Hà Nội để giới thiệu sản phẩm thêu tay bằng sợi tơ tằm đặc sắc của người Dao. Ông Alan quyết đưa chị sang Paris bởi nhiều người Pháp rất thích thú với nét văn hóa còn giữ được vẻ nguyên sơ của dân tộc Dao đỏ.

Theo ông Alan, ở Pháp cũng có một bộ phận người Dao sinh sống. Đó là những người đã sang Pháp từ giai đoạn đầu cho đến giữa thế kỷ XX khi thực dân Pháp áp đặt ách cai trị ở Đông Dương. Không biết có phải vì sự gần gũi và giao thoa văn hóa này không mà dân Pháp rất “kết” người Dao đỏ cùng các sản phẩm văn hóa của họ. “Ngay trong thôn Sả Séng cũng có phụ nữ người Dao lấy chồng Pháp. Đàn ông Pháp yêu mảnh đất này đến nỗi nhiều người đã xin ở rể tại Tả Phìn, hằng ngày xuống thị trấn Sa Pa buôn bán với vợ” - Mẩy thích thú.

Nhắc lại những lần được mời xuống Hà Nội, Mẩy cho biết chị đều được ở trong khách sạn 5 sao Metropole. “Có lần ở Hà Nội hơn một tuần mà khách sạn chỉ toàn đồ ăn Tây, mình thèm cơm và nhớ nhà quá, chỉ muốn về. Người Pháp rồi người Việt ở khách sạn này ai thấy mình trong trang phục phụ nữ Dao đỏ cũng muốn chụp ảnh chung. Mình còn được đi thăm Lăng Bác và dạo chơi hồ Hoàn Kiếm” - chị khoe.

Vinh dự của cả thôn, xã

Con đường từ Sa Pa vào xã Tả Phìn đi qua nhiều thửa ruộng bậc thang, xa xa phía Tây là dãy Hoàng Liên Sơn khuất lấp trong mây trắng. Người Dao đỏ và người H’Mông đã chọn địa bàn này làm nơi cư trú từ hàng ngàn năm trước. Khi xây dựng thị trấn nghỉ dưỡng trên núi tại Sa Pa, người Pháp không bỏ qua Tả Phìn. Đường vào trung tâm xã vẫn còn dấu tích một nhà thờ Pháp cổ.

Khí hậu ở Tả Phìn quanh năm mát mẻ, con người cũng dễ chịu, ôn hòa. Gần đây, du khách Việt mới tìm đến Tả Phìn nhờ mặt hàng thêu thổ cẩm nức tiếng và bài tắm thuốc trứ danh của người Dao đỏ. Song, du khách châu Âu đã tới Tả Phìn từ lâu. Họ thích đến đây để cảm nhận cuộc sống của người dân vùng cao Tây Bắc.

Tổ chức SIDA của Thụy Điển cũng từng xây dựng nhà cộng đồng ở Tả Phìn từ năm 1999 để giúp người dân bảo tồn, phát triển các sản phẩm thổ cẩm thêu tay xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Thậm chí, một số người ở Tả Phìn còn bỏ tiền sang tận Mỹ dự những hội chợ về hàng thủ công để quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Họ bỏ ra một số tiền lớn để đem nét văn hóa đặc trưng của người Dao đỏ ra với thế giới. Những chuyến đi ấy không những có tiền lãi mang về để tiếp tục phát triển nghề này mà còn thu được “lãi ròng” không thể đo đếm: Sự thích thú của người dân Âu - Mỹ đối với thổ cẩm người Dao đỏ.

“Ở Tả Phìn, bé gái nào lên 7-8 tuổi cũng đã được mẹ dạy thêu, thậm chí từ 5-6 tuổi. Đến 10 tuổi, các bé đã thêu được quần áo cho mình. Vì thế, người thêu giỏi ở Tả Phìn rất nhiều. Mình được chọn đi Pháp vì có chút vốn ngoại ngữ và được chồng ủng hộ” - Chảo Mán Mẩy cho biết.

Nhiều năm buôn bán ở Sa Pa, tiếp xúc với du khách nước ngoài nhiều nên chị có thể nói tiếng Anh lưu loát và vài câu giao tiếp bằng tiếng Pháp. Người Dao đỏ quan niệm phụ nữ phải ở nhà chăm lo việc gia đình và người chồng thường không thích vợ mình đi đâu, nước ngoài lại càng không. Thế nhưng, anh Tẩn Vần Phấu, chồng chị Mẩy, thổ lộ: “Vợ mình đi Hà Nội mấy lần rồi nhưng mình rất yên tâm. Bây giờ vợ mình đi tận Pháp, xa quá thì cũng hơi lo lắng nhưng đây là vinh dự của gia đình và cả thôn, xã nên mình rất ủng hộ”.

Anh Phấu và chị Mẩy có 3 con gái, 1 con trai. Các cô con gái của họ đều giỏi thêu thùa, chăm ngoan nhưng chỉ được học hết lớp 9. Chị Mẩy giải thích: “Con gái người Dao ở đây đều vậy. Có thể không đi học nhưng con gái người Dao không thể không biết thêu. Nếu ai không giỏi thêu thì thậm chí còn không lấy được chồng. Sau khi đính hôn, con gái người Dao phải ở nhà 1 năm thêu cho xong 1 bộ quần áo ngắn, 1 bộ quần áo dài tặng chồng thì mới được làm đám cưới”.

Nét đặc sắc trong cách thêu của người Dao là tất cả chi tiết hoa văn, dù nhỏ nhất, đều được thực hiện bằng tay. Nếu thổ cẩm của người H’Mông dệt trên khung cửi bằng sợi lanh thì thổ cẩm của người Dao được thêu tay qua từng đường kim mũi chỉ bằng sợi tơ tằm nên tinh xảo hơn, có giá trị kinh tế hơn. Trước đây, tổ chức Oxfam Quebec từng phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Chương trình Phát triển nông thôn miền núi lập dự án Craft Link tập huấn để phụ nữ Dao đỏ đa đạng hóa sản phẩm thổ cẩm qua thêu và nhuộm chàm truyền thống. Các họa tiết thêu tay được sáng tạo, lấy cảm hứng từ thiên nhiên, là một phần của thế giới tín ngưỡng của người Dao.

Thầy thuốc của núi rừng

Hai tuần sang Pháp lần này, Chảo Mán Mẩy không chỉ giới thiệu sản phẩm thêu của người Dao đỏ mà còn quảng bá những bài thuốc có nguồn gốc thiên nhiên, được tích lũy, đúc kết qua kinh nghiệm trăm năm chữa bệnh.

“Nhiều người ở Hà Nội và các tỉnh dưới xuôi đã đến nhờ tôi tìm giúp các loại thuốc chữa bệnh xương khớp, dạ dày, vô sinh... Có người bị đau lưng tới liệt giường không đi nổi nhưng sau khi uống thuốc của người Dao đã khỏe mạnh bình thường” - chị khẳng định.

Trong danh sách thảo dược của người Dao đỏ, gần 100 loại cây có thể bào chế 34 biệt dược. TS Trần Văn Ơn, Trưởng Bộ môn Thực vật học Trường ĐH Dược Hà Nội, cho rằng trong quá trình sống hòa mình với thiên nhiên, người Dao đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm chữa bệnh. Kinh nghiệm ấy được đúc kết và làm giàu thêm qua từng thế hệ.

Chảo Mán Mẩy từng giúp vài cặp vợ chồng hiếm muộn tìm thấy niềm vui của cuộc đời sau hành trình dài tìm thầy, tìm thuốc vô vọng. “Việc tìm thuốc trên những cánh rừng của tôi được bà nội của chồng truyền dạy. Rất nhiều người Dao biết cách tìm lá thuốc để chữa bệnh. Tôi muốn người nước ngoài biết đến những bài thuốc hay của người Dao nhiều hơn” - chị tâm sự.

Theo chị Mẩy, những khu rừng Hoàng Liên Sơn vốn có rất nhiều rắn độc và thú dữ. Người Dao thường xuyên phải trang bị các bài thuốc để có thể tự chữa lành vết thương cho mình trong những chuyến đi rừng thu hoạch thảo quả hoặc khai thác gỗ. Vì thế, nhiều người có khả năng chữa bệnh rất hay.

 

Độc đáo tắm lá thuốc

Bài thuốc đơn giản nhưng độc đáo nhất của người Dao mà ai cũng có thể trải nghiệm là tắm lá thuốc. Ở thị trấn Sa Pa và cả Hà Nội gần đây đã xuất hiện rất nhiều cơ sở tắm lá thuốc của người Dao nhưng các loại lá đều được sấy khô. Tại Tả Phìn, người Dao thường lên bìa rừng hái lá thuốc về tắm sau những ngày đi làm nương, thu hái thảo quả mệt nhọc. Lá thuốc ở đây đều là loại còn tươi và được đun trong nước sôi.

 

Chị Mẩy chuẩn bị lá thuốc tắm cho du khách đến nhà thăm chơi
Chị Mẩy chuẩn bị lá thuốc tắm cho du khách đến nhà thăm chơi

Nhiều người từng đến Tả Phìn tắm lá thuốc cho biết họ cảm nhận được sự phục hồi và sảng khoái khi ngâm mình trong chậu gỗ theo cách truyền thống của người Dao đỏ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo