Núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) nằm sát Quốc lộ 1. Từ bên dưới nhìn lên, ngọn núi này giờ chỉ còn các tảng đá trơ trọi và vài cụm cây gai dại lưa thưa, rải rác...
“Đại công trường” hoang phế
Người dân địa phương cho biết khoảng 20 năm trước, núi Tàu được phủ xanh bởi thảm thực vật, trong đó có nhiều loài cây lớn như mai rừng, bằng lăng, đào… Dần dần, nhiều người đã đến đây chặt phá, nhất là mai rừng - chặt cành, thậm chí bứng cả gốc, bán cho người chơi cây cảnh. Vài năm nay, khi trở thành “đại công trường” tìm kiếm “kho báu”, núi Tàu lại càng ngổn ngang.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã gia hạn cho cụ Trần Văn Tiệp (98 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) được tiếp tục thăm dò núi Tàu 1 năm, từ ngày 1-1 đến 31-12. Trong lần gia hạn này, ngoài hình thức khoan thăm dò với số lượng 108 mũi trên diện tích gần
2.600 m2, UBND tỉnh còn cho phép cụ Tiệp nổ mìn hạn chế, rộng 1-2 m2 và sâu 1-2 m/điểm, nhằm tách các tảng đá cứng theo dạng khai mỏ, không làm ảnh hưởng đến diện tích xung quanh.
Hơn 6 tháng qua, do hết hạn tìm kiếm nên cụ Tiệp cùng nhóm cộng sự đã rút hết. Núi Tàu vắng ngắt không một bóng người. Toàn bộ lán trại của nhóm tìm kiếm bị bỏ hoang lâu ngày đã tốc hết tôn, bạt bao quanh cũng rách nát tả tơi vì mưa gió. Đồ dùng sinh hoạt ở lán trại đã được chuyển đi hết. Xung quanh đó, bạt, ăng-ten tivi, xoong nồi cũ... vứt tứ tung, bám đầy đất cát.
Khu vực khoan đào tìm kiếm kho vàng không còn bất kỳ máy móc, thiết bị nào. Toàn bộ sườn Đông núi Tàu nay chỉ còn một bãi đá vụn lởm chởm.
Nhiều khu vực được đào ủi tan hoang trước đây giờ cỏ dại đã mọc lên tới tận đầu gối, từng đàn gia súc đang nhởn nhơ gặm cỏ. Cửa hang vào “kho báu” cũng bị san lấp gần hết. Ngoài ra, khu vực này còn có tới 3 hố sâu chứa đầy nước đục ngầu, rất nguy hiểm nếu ai lỡ chân rơi xuống.
Phía trên khu vực tìm kiếm, đá vụn lổn nhổn từng đống nằm cheo leo bên mép núi. Chỉ cần một tác động lực vừa phải, mớ đá này rất dễ sạt lở xuống ruộng muối bát ngát của diêm dân phía dưới.
Chưa thể đánh giá tác động môi trường
Trao đổi với chúng tôi về việc núi Tàu sẽ ra sao khi được nổ mìn tìm kiếm “kho báu”, ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Núi này khá nhỏ, thảm thực vật hiện cũng chẳng có gì. Hơn nữa, cụ Tiệp nổ mìn theo quy mô nhỏ, dạng tách mỏ nên khả năng ảnh hưởng đến môi trường không lớn. Nếu ảnh hưởng thì có thể là các vấn đề như khói bụi, tai nạn và thất thoát thuốc nổ ra bên ngoài”.
Theo ông Quý, địa chất khu vực núi Tàu đa số là đá chứ không phải đất. Dù ruộng muối ở ngay dưới chân núi nhưng thường có đê ngăn mặn. Vì vậy, việc nổ mìn gây sạt lở dẫn đến vùi lấp ruộng muối cũng khó có khả năng xảy ra.
“Việc khoan đào, nổ mìn phá đá ở núi Tàu có quy mô không lớn. Dư luận xã hội bức xúc, quan tâm là do UBND tỉnh Bình Thuận gia hạn tìm kiếm quá nhiều lần, cùng với sức hấp dẫn của “kho vàng 4.000 tấn”. Ở ta, khâu ban đầu là lập hồ sơ dự án thì quản lý chặt nhưng đến khi thực hiện thì quản lý yếu kém, lơi lỏng nên rất nguy hại. Nhất là đối với việc sử dụng thuốc nổ, nếu lơ là thì dễ thất thoát ra ngoài” - ông Quý lo ngại.
Phụ trách tổ giám sát tìm kiếm tài sản nghi bị chôn giấu ở núi Tàu, ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, cũng cho rằng do cụ Tiệp chỉ được phép nổ mìn quy mô nhỏ để tách các phiến đá, không nổ quy mô lớn như khai thác đá dạng công nghiệp nên sẽ không tác động lớn đến môi trường, địa chất.
“Đến nay, vẫn chưa thấy cụ Tiệp hợp đồng với đơn vị công binh nào và chưa trình bày kế hoạch cụ thể nên chúng tôi chưa thể đánh giá tác động môi trường. Tổ giám sát của chúng tôi cùng với Cảnh sát Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận sẽ bảo đảm giám sát chặt việc nổ mìn và quá trình khoan tìm kiếm kho vàng núi Tàu” - ông Hạnh khẳng định. n
Bình luận (0)