xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người dạy cách kể chuyện

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Gần một năm qua, nhiều phụ huynh tìm đến với lớp học Thuyết trình - Kể chuyện tại tổ hợp học tập sáng tạo Toa Tàu (632 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM) chỉ để học lại cách kể chuyện cho con nghe sao cho hay

Đã có nhiều đứa trẻ được cha mẹ mang đến Toa Tàu để được biết cách tỏ bày quan điểm qua các câu chuyện cá nhân. Một điều hơi lạ và có chút viển vông trong thời đại truyền thông - thời mà ai cũng nghĩ rằng mình đang sống trong trùng vây của những chuyện kể.

TS Nguyễn Thu Thủy, người đứng lớp Thuyết trình - Kể chuyện nói trên cũng là người đồng sáng lập Toa Tàu (cùng với họa sĩ Bút Chì - Đỗ Hữu Chí và nhà báo, dịch giả Phương Huyên) ra đời từ tháng 8-2014.

Nhu cầu từ một thế giới thiếu kết nối

Vóc người nhỏ nhắn, phong cách trẻ trung, hoạt bát và lối nói chuyện dễ gần, ít ai biết rằng TS Thủy đã có kinh nghiệm sư phạm từ rất sớm. Chị bắt đầu đứng lớp giảng dạy đại học từ khi là sinh viên năm thứ hai tại Úc. Trong quá trình làm luận án tiến sĩ tại Mỹ, Nguyễn Thu Thủy nghiên cứu về đề tài thiết kế tài liệu giảng dạy sử dụng công nghệ và đã cùng cộng sự thiết kế một phần mềm dạy học trên máy tính bảng đạt giải vàng của chương trình Giải thưởng Công nghệ Giảng dạy sáng tạo của Trường ĐH Texas Austin năm 2008.

 

TS Nguyễn Thu Thủy bên các học viên nhí ở Toa TàuẢnh: trầm khoan nhựt quang
TS Nguyễn Thu Thủy bên các học viên nhí ở Toa TàuẢnh: trầm khoan nhựt quang

 

Kể từ khi trở về Việt Nam, chị đã áp dụng các phương pháp đào tạo sáng tạo và nhờ đó có được sự hài lòng và tín nhiệm của nhiều khách hàng lớn, trong đó phải kể đến Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam, Chương trình Học bổng Úc dành cho Việt Nam (Australia Awards) và Phòng Thương mại Mỹ (AmCham). Khán giả của Nguyễn Thu Thủy gồm nhiều thành phần, từ sinh viên tới lãnh đạo doanh nghiệp.

Và câu chuyện của người dạy… kể chuyện thật sự bắt đầu ngay từ ý tưởng tạo ra lớp học Toa Tàu - một lớp học như cách hồi đáp lại nhu cầu thực tế trong một thế giới mà chị gọi là “disconnection” (mất kết nối).

“Thực ra tất cả chúng ta ai cũng là người kế chuyện cả nên danh xưng “người dạy kể chuyện” có lẽ hơi lớn quá đối với tôi. Công việc của tôi đơn giản chỉ là tạo cảm hứng để mọi người kể chuyện một cách có chủ đích hơn, đưa nhiều suy nghĩ và cảm xúc cá nhân vào câu chuyện hơn để kết nối và chạm vào cảm xúc của người nghe” - Thủy nói.

Thủy bắt đầu đào tạo thuyết trình xuất phát từ quan sát và nhu cầu thực tế khi đi làm việc. Các hình thức giao tiếp trong môi trường doanh nghiệp, đặc biệt là thuyết trình, rất kém hiệu quả. Trước đây, Thủy có thời gian đi làm ở Mỹ và nhận thấy rằng đó là vấn đề chung, không riêng gì ở Việt Nam. Có một sự ngăn cách rất lớn giữa người nói với khán giả, đó là sự thiếu kết nối về cảm xúc, mọi người thường tập trung quá nhiều về thông tin và dữ liệu mà không truyền đạt cho người nghe hiểu được ý nghĩa đằng sau đó là gì, tại sao họ lại phải quan tâm đến những vấn đề này. Và Thủy nhận thấy kể chuyện là cách tuyệt vời để xóa đi sự ngăn cách đó, vì câu chuyện tác động vào cảm xúc, giúp khán giả tiếp nhận logic tốt hơn. “Tôi nhận thấy giao tiếp giữa chúng ta đang phản ánh đời sống chung của chúng ta. Chúng ta đang thiếu sự kết nối giữa những cá nhân với nhau trong gia đình, trường học, môi trường kinh doanh, đời sống xã hội… Sự thiếu kết nối đó có ở mọi nơi trong đời sống hôm nay” - TS Nguyễn Thu Thủy đánh giá.

Và những người đi tìm kiếm lại khả năng kết nối đó, là ai? Câu trả lời là: nhiều thành phần, có người làm marketing, giảng viên, phụ huynh học để có thể nói chuyện, chơi với con tốt hơn. Mục đích của họ hướng đến là mong muốn sẽ kết nối và giao tiếp tốt hơn với người khác. Họ hiểu rằng trước hết là phải mình cần thực sự kết nối với chính mình.

Đừng đánh mất câu chuyện của mình

Trước khi tham gia Toa Tàu, TS Nguyễn Thu Thủy phụ trách chương trình đào tạo khu vực Đông Dương của Target Sourcing Services (Mỹ).

Lớp học Toa Tàu như một mô hình giáo dục sáng tạo mang tính “trị liệu” hơn đào tạo, nhất là trong bối cảnh giáo dục đang đè nặng lên người học quá nhiều áp lực và đôi khi truất hữu tính cá nhân, niềm vui sáng tạo nơi người học. Ở Toa Tàu, người ta được học kể câu chuyện của mình thông qua vẽ, xếp giấy origami, chụp ảnh hay thuyết trình một cách cởi mở, tự do.

Có chia sẻ: “Một điều rất thú vị trong các lớp học kể chuyện của chúng tôi là mặc dù các chủ đề được đưa ra là rất khác nhau, có khi là vùng an toàn, là hạnh phúc, dinh dưỡng, tự do… hay gì gì đi nữa thì cuối cùng, mỗi người đều quay về kể câu chuyện về bản thân, nhiều khi rất riêng tư, có thể cả những câu chuyện không kể với người thân. Có những câu chuyện mà người ta đã ấp ủ, giấu kín, trăn trở rất lâu trong cuộc đời mình và họ chỉ đợi dịp được kể ra. Tôi thấy ở đó một không gian mà những người xa lạ với nhau sẵn sàng tin tưởng trao gửi những câu chuyện một cách tự nhiên, thành thật nhất. Có lẽ quanh đi quẩn lại nhân loại xưa nay cũng chỉ có vài câu chuyện thôi: tình yêu, hạnh phúc, đau khổ, cái chết, sự phản bội hay trung thành… nên thật ra điểm chung của chúng ta rất nhiều. Điều đó tuyệt đẹp. Nhu cầu chia sẻ, yêu thương của chúng ta rất lớn. Chỉ nếu có một người lắng nghe, thì sẽ có người kể”.

Kể chuyện trong thế giới mở

Ngày nay, có nhiều cách để một cá nhân truyền đi câu chuyện của mình với thế giới. Sự “tiến hóa” trong phương thức kể chuyện là không thể phủ nhận nếu con người bước qua những rào cản về kỹ năng lẫn tâm lý.

Quan niệm của Toa Tàu là khi chúng ta bắt đầu có tiếng nói thì nhóm đống lửa ngồi kể chuyện truyền miệng thôi. Sau đó thì có chữ viết, có sách. Rồi chúng ta có những cách kể chuyện cực kỳ tốn kém, đến hàng trăm triệu đô như những bộ phim Hollywood với sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo, chuyên gia. Công nghệ thay đổi nhưng phản ứng hóa học xảy ra trong bộ não chúng ta khi nghe các câu chuyện thì về cơ bản nó vẫn như thế. Khi có công nghệ thì chúng ta giúp khán giả trải nghiệm câu chuyện tốt hơn bằng cách tác động tối đa vào các giác quan mà thôi. Nhưng không vì thế mà các câu chuyện đơn giản được kể với công cụ thô sơ mất đi sức hấp dẫn của nó. Trong những lớp học, TS Thủy cũng nhấn mạnh điều này: Tất cả các công nghệ trên là phương tiện chứ không phải là người kể chuyện. Chính bạn mới là người kể chuyện. Và vì thế phải sử dụng chúng để kể câu chuyện thú vị hơn chứ không nên lệ thuộc. Cần tập trung vào việc kể chuyện, và dùng PowerPoint khi cần thuần túy như là một công cụ hỗ trợ về mặt hình ảnh.

Còn Facebook hay blog? Đó là những phương tiện mang lại lợi thế mà trước đây chưa hề có: đưa câu chuyện của mình đến với nhiều người. Một cách đơn giản thôi, khi kể chuyện chúng ta luôn muốn có người nghe, có người đọc, có người quan tâm và trao đổi. Rõ ràng đó là một nguồn cảm hứng để người ta kể câu chuyện của mình nhiều hơn. Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội tiếp cận với bộ não và biết được suy nghĩ của nhiều người đến vậy”.

Và từ trải nghiệm cá nhân, TS Thủy lạc quan nhấn mạnh: “Facebook hay blog chỉ là công cụ sử dụng. Cách chúng ta dùng lại là câu chuyện khác, là lựa chọn của mỗi người. Facebook hay blog không phải là thủ phạm của sự mất kết nối con người trong thế giới thực như một số người vẫn nghĩ”.

 

Học trong niềm vui

 

img

 

“Những phụ huynh đã và đang cho con học ở Toa Tàu không trông chờ Toa Tàu đem lại cho con họ những kỹ năng như khi tới các trung tâm khác như vẽ đẹp hơn (theo một tiêu chuẩn nào đó) hay nói tiếng Anh tốt hơn. Điều quan trọng với họ là muốn con em của mình có niềm vui, học trong niềm vui, trong khi chơi. Nhưng tất nhiên, niềm vui không phải là cứu cánh duy nhất. Qua việc học mà chơi, chúng tôi kích thích sự tò mò của trẻ, chúng tôi dạy bằng các câu hỏi và sự gợi mở. Nhiều phụ huynh nói rằng họ cảm thấy hài lòng khi bọn trẻ được vui, học thêm một số cái mới mà không nhất thiết những cái mới đó là điều xã hội hay nhà trường bên ngoài đang cần ngay lúc này. Khi trẻ vui thì đó đã là hình thức trị liệu tốt rồi” - TS Nguyễn Thu Thủy (ảnh) thổ lộ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo