Bà Nguyễn Thị Quá (ngụ thôn Tân Mỹ, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) về quê gần 1 năm nay để lo tang cho chồng, giờ chuẩn bị vào lại TP HCM bán vé số. Bà chấp nhận để lại quê 2 đứa con, đứa lớp 12, đứa lớp 9 tự chăm nhau.
Cho thuê ruộng không công
“Không đi thì lấy gì ăn? Vào trong ấy lê chân cả ngày còn kiếm được 50.000-100.000 đồng gửi về cho con, chứ ở đây lấy gì cho chúng học?” - bà Quá phân trần.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng thôn Tân Mỹ, phân tích theo định biên, mỗi người từ 20 tuổi trở lên được chia 540 m2 ruộng để làm lúa 2 vụ, dưới 20 tuổi thì chẳng còn đất chia. “Năm nào trúng mùa, giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, tiền đâu lo cho con học hành? Ở quê lại chẳng có gì để làm thêm. Bởi thế, hầu hết bà con trong thôn đã cho những người ở quê thuê lại ruộng rồi đi làm ăn xa” - ông cho biết.
Lao động ở quê giờ chủ yếu là người già nên từ chỗ ít ruộng, nhiều người nay làm không xuể. Chính vì vậy mà trước đây, diện tích ruộng dự phòng (5%) của xã cho thuê với giá 90 kg lúa/năm/sào hạng nhất thì nhiều người giành giật, giờ còn 15 kg nhưng chẳng ai muốn thuê.
Ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, thừa nhận người dân bỏ quê đi làm thuê rất nhiều, nhất là ở 2 thôn Tân Mỹ và Lương Phước. “Ở quê, với hơn 1 sào ruộng làm chỉ tạm đủ ăn, để lo cho con học hành thì phải làm thêm” - ông Nam khẳng định.
Ở Thanh Hóa, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa là điểm nóng về tình trạng người dân bỏ quê đi vào miền Nam kiếm sống. Ông Lê Duy Thắng, Chủ tịch UBND xã, cho hay toàn xã có khoảng 7.800 người nhưng nay chỉ còn 2.400 người ở lại địa phương gồm 900 người già, hơn 400 học sinh và các thành phần lao động khác.
Do hầu hết lao động chính không ở nhà nên năm 2014, xã Thiệu Giao có 20 ha đất nông nghiệp bỏ hoang, năm 2015 giảm còn 10 ha. Rất nhiều người ở các huyện khác đã đến đây thuê đất gieo cấy, thậm chí nhiều hộ sẵn sàng cho không người khác canh tác trên đất của mình.
Thôn 2, xã Thiệu Giao hiện có 3 gia đình ở các huyện Quan Hóa, Đông Sơn đến ở nhờ để làm ruộng. “Hầu hết họ làm từ 2-10 ha trở lên. Nhà tôi cũng làm gần 10 mẫu nhưng tiền công gặt hái, cày bừa, phân tro, thuế má... quá cao nên làm vài vụ thấy lỗ, tôi trả lại ruộng. Giờ tôi chỉ cấy hơn 1 mẫu” - anh Thương, ngụ thôn 2, kể.
Học trò bỏ học tăng chóng mặt
Ông Phan Văn Đông - Trưởng thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa - lo ngại rằng người dân sẽ còn bỏ xóm làng để đi làm thuê nhiều hơn. Đơn giản vì nhìn vào gia cảnh của những người bán vé số, làm thợ hồ ở TP HCM giờ lại khấm khá hơn nhiều so với người bám rễ ở quê nhà. Nhưng ngược lại, con cái của họ không tránh khỏi học hành sa sút. Các em bỏ học nhiều, cứ đến lớp 9 là nghỉ, đi làm thuê. Cả thôn chỉ có hơn 40 học sinh cấp 3. Còn xóm Than với hơn 100 nóc nhà nhưng chỉ có 3 em học cấp 3.
Người dân bỏ xứ đi làm ăn xa, bỏ lại căn nhà hoang ở Thanh Hóa Ảnh: TUẤN MINH
Trở lại Tân Mỹ, trưởng thôn Nguyễn Văn Thiện không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh ông già, bà cả ngày đêm vò võ nuôi cháu. Đã có nhiều chuyện đau lòng xảy ra ở thôn này. Vợ chồng ông Trần Chín và bà Trịnh Thị Thọ đều đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng phải chăm sóc 2 đứa cháu cho cha mẹ chúng vào TP HCM bán vé số. Giờ đây, con trai đã mất, ông bà tiếp tục nuôi cháu. Đứa cháu lớn Trần Thanh Tân (lớp 9) vừa phải nhập viện vì tắc đường ruột. Bà Thọ vào viện chăm Tân, còn ông Chín ở nhà lo cho cháu nhỏ Trần Thanh Nhã (lớp 7). Căn nhà rộng nhưng thiếu người chăm lo, trông bừa bộn.
“Tân bệnh nặng, điện con dâu về mà nó cũng không về được, chỉ gửi tiền lo thuốc thang” - ông Chín chua chát. Nhã sau khi loay hoay lo bữa cơm chiều cho 2 ông cháu rồi cùng ông ra thềm nhà ngồi trông ngóng. “Con mong mẹ về lắm! Có ăn đói một chút cũng được nhưng chỉ mong mẹ về” - giọng cậu bé nghẹn lại.
Theo bà Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiệu Giao (xã Thiệu Giao), giai đoạn 1998-2000, trường có 40 lớp với 1.000 học sinh nhưng nay chỉ còn 8 lớp/204 học sinh. “Ba năm qua, số học sinh chỉ dao động trên dưới 200 em. Do người dân đi làm ăn mang cả con cái theo hết nên số lượng các em vào lớp 1 rất ít. Năm học 2014-2015, nhà trường chỉ tuyển được 33 em vào lớp 1” - bà Hồng lo lắng.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, trong số 204 học sinh thì đến 63 em có người nhà đi làm ăn xa. Có trường hợp chị học lớp 3 dắt em xin vào học lớp 1. Thậm chí, có em bố mẹ vắng nhà phải nhờ hàng xóm dẫn đi tuyển sinh hộ...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-4
Kỳ tới: Đắng cay nơi xứ người
Vào Nam quyên tiền làm đường
Người dân bỏ xứ đi làm ăn xa khiến công tác quản lý nhân khẩu, tuyển quân và phát triển kinh tế ở địa phương gặp nhiều khó khăn. “Xã đang vận động toàn dân đóng góp xây dựng chương trình nông thôn mới. Người dân đi làm ăn xa hết nên việc vận động đóng góp rất gian nan. Trong năm 2014, 6 thôn phải cử người vào tận miền Nam cả tháng để quyên tiền đóng góp” - ông Lê Duy Thắng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Giao, cho biết.
Nhiều ngôi làng ở Phú Yên cũng thiếu lao động trầm trọng. Ông Phan Văn Đông bày tỏ: “Mỗi khi có chuyện cần đến sức lao động thì khổ lắm! Lao động ở đây lão hóa hết rồi. Có việc gì cũng phải nhờ đến Hội Người cao tuổi, chứ thanh niên thì chẳng còn mấy”.
Xóm Than của thôn Mỹ Thạnh Nam có hơn 100 hộ dân nhưng gần như hộ nào cũng có người đi làm thuê xa. Gần đây, khi làm đường bê-tông nông thôn cho xóm này, kinh phí nhà nước cấp, người dân lo nhân công nhưng không tìm đâu ra người để làm.
Bình luận (0)