xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người tài dứt áo ra đi: Thông điệp của Thủ tướng

Yến Anh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ mới đây đã đưa ra thông điệp: Việc tuyển chọn, bổ nhiệm là để tìm người tài chứ không phải tìm “người nhà”

Tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng ngày 3-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định sẽ tiến tới chấm dứt tình trạng “tuyển người nhà”. Thông điệp này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi chính sách thu hút nhân tài trong thời gian tới.

Bắt đầu từ dùng người tài

GS Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho biết với tư cách một nhà khoa học, ông rất ủng hộ quan điểm của Thủ tướng. “Người đứng đầu Chính phủ nói ra điều ấy khiến nhiều người hy vọng, vì đó là quan điểm đúng, xã hội rất quan tâm”.

GS Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn cho rằng khi tuyển công chức, cán bộ, người ta hay nói đến“nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” và bây giờ hậu duệ, quan hệ cũng thua tiền tệ. “Nhiều người thản nhiên nhắc đến câu “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua bằng rất nhiều tiền”. Vậy chúng ta phải hỏi ai bán? Tìm rất khó vì có ai bán mà cấp biên lai đâu? Ai cũng biết chuyện mua quan, bán chức, mua vào biên chế… nhưng không chỉ ra được ai bán” - GS Dũng nói. Ông cho biết chính ông đã đi tìm hiểu và nhận được câu trả lời: “Chú ơi, cháu phải vất vả lắm mới tìm được đường dây để đưa tiền đấy. Chú có bới ra thì cháu bị đuổi đầu tiên, còn người nhận tiền vẫn an toàn tuyệt đối!”.

Thông điệp tìm người tài chứ không phải tìm “người nhà” trong tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khi tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng ngày 3-8 Ảnh: Trọng Đức
Thông điệp tìm người tài chứ không phải tìm “người nhà” trong tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khi tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng ngày 3-8 Ảnh: Trọng Đức

Chính vì thế, theo vị GS này, muốn thực hiện được thông điệp “chọn người tài, không chọn người nhà” của Thủ tướng, trước hết phải nhanh chóng thực hiện giải pháp thi tuyển công khai thay cho xét tuyển thiếu minh bạch trong tuyển chọn cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm việc nhận hối lộ khi tuyển chọn cán bộ. Nhà nước phải đầu tư đủ tầm cho các đại học trọng điểm, các viện nghiên cứu trọng điểm để thu hút nhân tài được đào tạo từ nước ngoài về công tác. Không cần có chế độ lương đặc biệt (vì bất công với những thầy giáo từng dạy họ cách đây không lâu vẫn đang hưởng mức lương rất thấp) mà là giúp các cơ sở này có thêm những phân xưởng pilot để đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất trực tiếp, từ đó vừa có thêm thu nhập vừa có thể bán công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.

Bày tỏ sự vui mừng trước quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng theo GS Vũ Minh Giang, để thông điệp đó đi vào cuộc sống thì phải sớm có những giải pháp quyết liệt và thực tế. “Giải pháp quyết liệt ở đây không phải là đi tìm người tài để đào tạo, bồi dưỡng như chúng ta thường nói nhưng khâu sử dụng lại không đi đến đâu. Mà hãy bắt đầu từ việc dùng người tài. Ở đâu có người tài, trong nước hay ngoài nước, hãy dùng người đó. Đó chính là tín hiệu, cũng là lời “bảo lãnh” của Thủ tướng. Khi thông điệp của Thủ tướng được thực hiện, người dân sẽ thấy lời nói đi đôi với việc làm. Lúc ấy người tài sẽ “xuất hiện như cây lá mùa xuân, nô nức ra giúp nước” như đã từng được ghi nhận trong lịch sử. Nước Nam ta hào kiệt không bao giờ thiếu, hãy dùng đi!” - nhà khoa học nổi tiếng về lịch sử nói.

Công khai cơ chế tuyển chọn

GS Vũ Minh Giang phân tích thêm: Đất nước ta trải qua nhiều chiến tranh, nhiều tai họa, nên cần sự đoàn kết. Bên cạnh mặt hay, mặt thuận của tinh thần ấy thì cũng có mặt trái, đó là sinh ra tâm lý cào bằng, bình quân chủ nghĩa, ở đó người tài hay bị đố kỵ, ghen ghét. Nếu Thủ tướng đã tính đến việc sử dụng người tài thì phải nghĩ đến những giải pháp bảo vệ người tài, để họ tránh những ghen ghét, đố kỵ. Người tài cứ bị “ném đá”, đố kỵ thì không còn nhiệt huyết làm việc, vì họ thường là những người kém thủ đoạn, kém tự vệ.

TS Đỗ Quang Yên, giảng viên Trường ĐH Virginia (Mỹ), nhấn mạnh đến việc cần có chế độ đãi ngộ thật tốt với những người có năng lực đang công tác trong các bộ ngành. Ông cho rằng cần có chế độ khen thưởng và thăng tiến dựa theo kết quả công việc thay vì thâm niên.

TS Lê Trọng Phi - người sáng chế ra chiếc lò xo để bịt lỗ thông ở vách liên thất ở tim, phát minh y học này đã chữa được cho hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh, hiện đang là Trưởng Khoa Bệnh tim bẩm sinh và Cấu trúc tại Bệnh viện Links der Weser Bremen (Bremen - Đức) - đặt vấn đề: Muốn thu hút nhân tài thì phải tạo niềm tin, phải cho người ta thấy những gì họ cống hiến phục vụ cho số đông người dân một cách bền vững chứ không phải chỉ có lợi cho một nhóm người.

“Cần có một cơ chế tuyển dụng minh bạch, không gò bó bởi những quy định như chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ tin học văn phòng hay thi cử bằng việc thực hiện các bài thi kỹ năng soạn thảo văn bản… bởi nó không còn phù hợp với cơ chế tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao. Ngoài ra, phải nhanh chóng cải thiện môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ để các nhân tài cảm thấy mình đang được trọng dụng thay vì chỉ hô hào trải thảm đỏ mà không biết cái thảm đỏ ấy ra sao” - nghiên cứu sinh của Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Úc), anh Ngô Mai Khoa, đề xuất.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-8

Tìm người tài

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết kể từ năm 2016, tỉnh Quảng Nam bắt đầu tuyển công chức, viên chức bằng hình thức thi tuyển chứ không xét tuyển hay tuyển người theo dạng hợp đồng như trước. Để bảo đảm tính minh bạch, công bằng, tỉnh giao Sở Nội vụ hợp đồng với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển. “Việc thi tuyển là công khai, khách quan, ai có tài, đúng chuyên môn, đủ điều kiện thì đăng ký thi” - ông Thu nói.

Còn ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết hiện tại số người được đào tạo theo diện thu hút nhân tài thuộc Đề án 922 của TP đến nay vẫn chưa sử dụng hết. “Giờ tuyển vào biên chế không được, dư nhiều quá, phải tuyển hết những “nhân tài” này rồi tính sau. Đối với những chuyên gia, người giỏi mà TP thấy phù hợp sẽ có chính sách riêng” - ông Thơ nói và khẳng định TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức thi tuyển công chức, viên chức ở tất cả các cấp nên không có chuyện “tìm người nhà” mà không “tìm người tài”.

T.Thường

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo