xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người thắp sáng “chân trời mới”

Bài và ảnh: Hoàng Thu Minh

Không chỉ thành công trong việc đầu tư các dự án, anh Huỳnh Kim Lập còn được nhiều người biết đến khi dành hơn 28 tỉ đồng cho các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa

15 năm chưa phải là dài nhưng anh Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư xây dựng Thiên Tân (Quảng Ngãi), đã gặt hái nhiều thành công trên các công trình xây dựng, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo…

Đi lên từ ruộng đồng

Sinh ở phố cổ Thu Xà, anh Lập là con thứ tư trong gia đình nông dân đông anh em. Cha là nông dân giỏi nhất vùng, hoạt động cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ. Từ nhỏ, anh đã phải một buổi đến trường, buổi còn lại làm nhiều việc phụ giúp mẹ cha. Dù vậy, anh vẫn ấp ủ hoài bão làm thế nào để thoát nghèo trên mảnh đất quê mình.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tặng bằng khen cho anh Huỳnh Kim Lập (thứ hai từ phải sang) vì thành tích hoàn thành xuất sắc tuyến tránh Quốc lộ 1A đi qua huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tặng bằng khen cho anh Huỳnh Kim Lập (thứ hai từ phải sang) vì thành tích hoàn thành xuất sắc tuyến tránh Quốc lộ 1A đi qua huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi

 

Anh Huỳnh Kim Lập tặng quà cho lực lượng Cảnh sát biển
Anh Huỳnh Kim Lập tặng quà cho lực lượng Cảnh sát biển

Sau nhiều năm nỗ lực học tập, anh tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP HCM rồi bươn chải mưu sinh, không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trên khắp các công trình xây dựng. Tích góp được ít vốn liếng, năm 1997, anh về quê góp vốn cùng một công ty tư nhân đầu tư dự án Thành Cổ - Núi Bút, trong đó có tuyến đường mang tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, quy mô lớn nhất thị xã Quảng Ngãi lúc bấy giờ.

Năm 2000, trước bối cảnh kinh tế khó khăn, dự án mới hoàn thành khoảng 60% thì đơn vị cổ phần với anh gặp khó khăn, xin rút lui ngừng dự án. Giữa lúc khốn khó, anh kiến nghị và được tỉnh chấp thuận tiếp tục dự án. Vui mừng khôn xiết, anh quyết định thành lập công ty mang tên Thiên Tân (nghĩa là chân trời mới).

“Sau nhiều tháng ròng rã, tôi loay hoay huy động vốn, thuê phương tiện, nhân công, cuối cùng công trình cũng về đích đúng tiến độ trong niềm vui lớn của tập thể người lao động trên công trường” - anh Lập kể.

Kết thúc dự án Thành Cổ - Núi Bút, năm 2001, anh lặn lội về khảo sát xã ven biển Đức Minh, huyện Mộ Đức để đầu tư 20 tỉ đồng nuôi tôm trên cát. Thoạt đầu, ai cũng bảo “anh này điên thật rồi” nhưng vài tháng sau, nhiều người bất ngờ vì vùng cát trắng hoang vu ngày nào bỗng chốc trở thành vùng chuyên canh thủy sản quy mô lớn. Ngày ấy, khi mùa lạnh về, người dân Quảng Ngãi nuôi tôm bị dịch chết trắng hồ nhưng 30 ha hồ tôm của anh vẫn bình yên, lứa nào cũng thắng lớn. Không chỉ thu hồi lại vốn, 6 năm nuôi tôm trên cát, anh thu lãi hàng tỉ đồng.

Thử sức cùng Dung Quất

Đang “ăn nên làm ra” ở trang trại nuôi tôm trên cát, anh về Dung Quất tiếp tục tìm “chân trời mới”. Lúc ấy, cả vùng này đìu hiu, đô thị Vạn Tường là rừng dương phủ kín bạt ngàn. Anh kể: “Trong lúc từ trung tâm TP Quảng Ngãi về Dung Quất khảo sát, ô tô chết máy, tìm mua gạo nấu cơm trưa khắp nơi ở Vạn Tường không có đành mua bánh tráng ăn cho đỡ đói. Phải mất 4 tháng luồn len vào những rừng dương liễu chằng chịt, khảo sát khắp Dung Quất, tôi mới có thể chọn được vị trí để đầu tư dự án”.

Thời điểm đó, dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lình xình khâu giải tỏa, đền bù vướng mắc đủ thứ, nhiều nhà đầu tư xung quanh rút hết. Nhiều người bảo anh “khùng”, “to gan”, còn người thân thì khuyên can đủ điều. Kế toán trưởng công ty bỏ đi vì không đủ can đảm, không tin vào tương lai khi đầu tư vào vùng hoang vắng này.

“Nếu không đầu tư vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thì KCN Dung Quất còn nhiều dự án khác cần cơ sở hạ tầng để xây dựng nhà ở cho người lao động. Gặp nhiều khó khăn là vậy nhưng lúc nào tôi cũng tin vào định hướng của mình, quyết tâm thực hiện cho bằng được” - anh Lập nhớ lại.

Cuối năm 2005, dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tái khởi động. Tổ hợp nhà thầu Technip đã chọn ngay vị trí của công ty anh đang làm để xây dựng làng chuyên gia. Tháng 7-2006, công ty của anh hoàn thành bàn giao 72 biệt thự (tiêu chuẩn 3 sao), 200 phòng ở và 2 khu dịch vụ nhà hàng, vui chơi giải trí cho chuyên gia, kỹ sư. Những lúc thi công cao điểm, làng chuyên gia đáp ứng chỗ ở cho khoảng 870 chuyên gia, kỹ sư; tiết kiệm thời gian đi lại, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Không dừng lại ở đó, anh còn đầu tư hơn 340 tỉ đồng xây dựng Nhà máy Thủy điện Hà Nang ở Trà Thủy, huyện vùng cao Trà Bồng, công suất 12 MW, hiện đã hòa vào lưới điện quốc gia. Hiện anh còn triển khai 2 dự án lớn là công trình thủy điện Đăkre tại huyện Konplông, tỉnh Kon Tum và huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư trên 2.200 tỉ đồng. Dự kiến, 2 dự án này hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia vào cuối năm 2016.

Công ty của anh còn được Bộ Giao thông Vận tải giao thi công tuyến đường tránh Quốc lộ 1 qua thị trấn Đức Phổ, dài gần 10 km. Đây là dự án BOT đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, có tổng kinh phí đầu tư 580 tỉ đồng.

Một dự án quan trọng nữa mang tầm quốc gia cũng được công ty của anh thực hiện là dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1, theo hình thức BOT, với chiều dài 30 km, từ thị trấn La Hà đến thị trấn Đức Phổ với tổng mức đầu tư tới 2.140 tỉ đồng. Dự kiến khoảng tháng 8-2015, công trình đưa vào sử dụng.

Thấy còn “nặng nợ”

Nhiều năm qua, anh Lập được biết đến với các hoạt động xã hội từ thiện. Anh đã dành hơn 28 tỉ đồng cho các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ người nghèo, người già neo đơn; vì biển đảo thân yêu, mái ấm Công đoàn. Mới đây, anh sáng lập quỹ học bổng “Chân trời mơ ước” với số tiền 7,2 tỉ đồng nhằm nhận nuôi dưỡng, trợ cấp hằng tháng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho học sinh nghèo, mồ côi đến năm 18 tuổi.

Anh tâm niệm làm việc gì cũng để cho quê hương ngày càng giàu đẹp. Thuở nhỏ, cha mẹ từng dạy có bát ăn, bát để đừng bao giờ quên người nghèo, phải thương người như thể thương thân. Làm từ thiện là tùy vào hoàn cảnh của từng người để có những hành động cụ thể, giúp đỡ họ vượt cơn khốn khó. Năm 2014, anh tiếp tục nhận phụng dưỡng 10 mẹ Việt Nam anh hùng.

Suốt ngày bộn bề trong núi công việc, chịu trách nhiệm quản lý cả một tập đoàn gồm 5 công ty thành viên với hơn 300 cán bộ, nhân viên và hàng ngàn lao động nhưng lúc nào anh cũng trăn trở cảm thấy còn “nặng nợ” với trẻ em và nông dân nghèo Quảng Ngãi.

“Tôi hy vọng quỹ học bổng rồi đây sẽ tăng hơn nữa, giúp được nhiều trẻ em nghèo. Thời gian tới, tôi dành nguồn quỹ mời các chuyên gia nông nghiệp giỏi, đồng thời xây trung tâm nghiên cứu thực nghiệm giống cây trồng, vật nuôi chuyển giao miễn phí cho bà con nông dân” - anh Lập chia sẻ.

Đáng trân trọng

Ghi nhận những đóng góp của doanh nhân Huỳnh Kim Lập, quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - ông Nguyễn Minh - cho biết anh Lập đã có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, đi đầu trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng. Lúc nào cũng năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tạo ra những sản phẩm công trình có quy mô lớn, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi. Mô hình doanh nghiệp của anh Lập là kiểu mẫu cho sự phát triển kinh tế bền vững hài hòa với công tác hỗ trợ dân sinh vì người nghèo thật đáng trân trọng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo