Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tăng Hà Vinh, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), cho biết đến thời điểm này danh sách các công ty, cá nhân nhận quyền sử dụng đất tại vệt biệt thự sân bay Nước Mặn là 246 lô. Theo tìm hiểu hầu hết các lô đất này đều do người Trung Quốc đứng đằng sau thu gom, nhờ người Việt Nam đứng tên để lách luật. Trong đó, các Công ty đang quản lý 77 lô, gồm: Công ty TNHH TM Du lịch & DV V.N.Holiday : 24 lô; Công ty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi : 17; Công ty TNHH TM & DV Hoàng Gia Trung : 12 lô ; Công ty TNHH TM Du lịch & DV Nguyên Thịnh Vượng : 10 lô; Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp: 7 lô; Công ty TNHH Thương mại Du lịch và DV Silverk Park: 04 lô và Công ty TNHH Du lịch TM và DV Golden Wyn: 3 lô. Có 74 lô đất do các cá nhân mua từ 2 lô trở lên. Trong đó, mua nhiều nhất là ông Lý Phước Cang (ngụ tại Đà Nẵng) đứng tên mua 12 lô đất, ông Lê Thanh Hà (TP HCM) mua 6 lô. Còn lại 95 lô/95 người mua. Thông qua nguồn tin mà chúng tôi tìm hiểu, hầu hết các công ty đang quản lý 77 lô đất kể trên, đứng đằng sau đều là do người Trung Quốc sở hữu.
Người Trung Quốc núp bóng gom đất nằm sát tường rào sân bay Nước Mặn
Nói về việc người Trung Quốc núp bóng nhờ người Việt Nam đứng tên mua đất ven biển Đà Nẵng, nằm nơi nhạy cảm về quân sự gần sân bay Nước Mặn, ông Tăng Hà Vinh cho biết theo quy định của pháp luật thì người nước ngoài chưa được phép mua đất tại Việt Nam. Do đó, họ lách luật bằng cách đưa tiền nhờ các cá nhân người Việt đứng tên để mua đất.Trong hồ sơ, những trường hợp này đều mua đất hợp pháp, đúng quy trình, quy hoạch. Họ thực hiện đầy đủ các giấy tờ và nghĩa vụ về thuế thì mình phải chấp nhận để họ mua.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng, lo lắng cho rằng, nếu quả thực đứng sau các cá nhân người Việt lại là người Trung Quốc cần phải hết sức thận trọng. Chẳng hạn người Trung Quốc đưa cho người Việt Nam 3 tỉ đồng nhờ mua một lô đất. Sau đó, họ phối hợp thành lập một công ty cổ phần có tổng số vốn khoảng 30 tỉ. Người Việt góp cổ phần bằng chính lô đất trên quy ra 10%, còn người Trung Quốc góp 27 tỉ (90%) để công ty xây khách sạn, nhà hàng. Như vậy, đương nhiên người Trung Quốc giữ chức chủ tịch HĐQT, có quyền quyết định mọi việc ở công ty. Như vậy, việc sử dụng lô đất trên đương nhiên sẽ thuộc về người có cổ phần nhiều hơn. Ông Điểu cũng cho biết thêm, qua rà soát đã phát hiện có nhiều trường hợp các doanh nghiệp có người Việt Nam đứng tên chung với người Trung Quốc nhưng cổ phần của người Trung Quốc nhiều hơn.
Một khách sạn 5 sao cạnh sân bay Nước Mặn do người Trung Quốc làm chủ đang xây dựng.
Ông Điểu cũng nhấn mạnh, để hạn chế, ngăn chặn tình trạng người Trung Quốc giấu mặt mua đất ở khu vực ven biển Đà Nẵng, Lãnh đạo thành phố cần phải tính toán để khống chế chiều cao của các tòa nhà ở khu vực này, đừng cho họ xây cao quá. Về quy mô, chỉ cho họ làm nhỏ thôi. Đặc biệt, đất ở gần các khu vực "nhạy cảm" không được cho tách thửa.
Bình luận (0)