* Phóng viên: Rất nhiều kỷ lục “lớn nhất” Việt Nam đã được xác nhận, như ly cà phê, bánh chưng, bánh giầy, tô hủ tiếu, tượng đài lớn nhất nước ở Quảng Nam… và sắp tới có thể là tháp truyền hình cao nhất thế giới. Ông nghĩ sao về xu hướng “thích to nhất” của người Việt?
- TS Nguyễn Văn Vịnh: Về tâm lý, nước ta là một nước nông nghiệp, người dân sống tương đối khép kín, tâm trạng tự ti mà không tự tin, có thể dẫn chứng như người Việt không giỏi ngoại ngữ, ngại gặp người nước ngoài vì quanh quẩn trong làng. Ở Việt Nam, làng là “quốc gia thu nhỏ”, tất cả quy về làng hết. Thế nên, khi ra ngoài, thấy thiên hạ rộng lớn quá thì đâm ra mặc cảm. Chúng ta lại có bệnh sĩ diện hão, vì ở trong làng nên cái danh phận là rất quan trọng, ví như người không có con trai đi họp trong làng phải ngồi chiếu. Bên cạnh đó là nặng tâm lý tiểu nông và hình thức nên khi có tí tiền phải tạo ra thể diện, danh hão cho mình sướng.
Về văn hóa, có thể thấy rõ đây là biểu hiện của sự tự ti, mặc cảm, muốn hơn người và sĩ diện hão. Đến lúc công luận phản ứng thì người ta mới thấy đó là sự phí phạm vì chẳng giải quyết được việc gì. Thay vì hiệu ứng như mong muốn, những hành vi như thế có thể coi là lệch chuẩn.
Tất nhiên, dưới góc độ các doanh nghiệp thì có thể hiểu họ phải dùng nhiều cách để đẩy mạnh thương hiệu của mình. Một phương pháp mà tôi thấy nhiều doanh nghiệp đang áp dụng là “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ càng đồn xa hơn”. Họ nghĩ ra nhiều cách để đánh bóng tên tuổi, “lấy số lấy má” chỗ nọ chỗ kia. Tuy nhiên, những chuyện đó đi quá đà sẽ thành nhảm nhí và bị dư luận phản ứng. Tôi thấy rất lãng phí khi người ta đã bỏ ra biết bao tiền của, công sức để làm cái bánh, tô hủ tiếu… “khủng” rồi vứt đi. Cứ tưởng tượng dội 100 lít nước xúp nóng vào cái bể chứa ấy rồi trưng bày mấy giờ ngoài trời thì thức ăn không hỏng hết mới là lạ! Đó là chưa kể người ta đôi khi làm kỷ lục chỉ để bày biện, như vụ bánh giầy được làm bằng xốp dâng các Vua Hùng vài năm trước.
* Ông có nghĩ nghiện “kỷ lục”, thích những thứ “to nhất” là một căn bệnh của người Việt?
- Như tôi đã nói, đó là sự bù đắp về mặt tâm lý, muốn được thể hiện cho oai. Tuy nhiên, cũng không hẳn là bệnh vì nhiều khi người ta cố tính tạo ra xì-căng-đan. Trong nền kinh tế thị trường, có thể dùng nhiều cách để đánh bóng thương hiệu của mình. Trong tiếp thị, người ta tìm mọi cách để nhắc đến tên của doanh nghiệp, xấu tốt đều được.
* Có quan điểm cho rằng những kỷ lục to nhất, chứ không phải tốt nhất, là những kỷ lục vô nghĩa và nhạt nhẽo vì chỉ để khoe khoang trong phút chốc?
- Trong một xã hội mà mọi người đều được khuyến cáo phải tiết kiệm thì những hành vi khoe khoang này trở nên phản cảm, xa xỉ. Cách làm này là không khôn ngoan. Trong một số trường hợp, dù là chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp, tôi vẫn cho là không giấu được tâm trạng của một người kém văn hóa, thiếu bản lĩnh và đôi khi còn có màu sắc của sự nhảm nhí.
Trong khi người Hàn Quốc, Nhật Bản đã và đang hướng tới những sản phẩm mang thương hiệu toàn cầu thì người Việt vẫn cứ loanh quanh với những kỷ lục to nhất để tự sướng với nhau...
- Tôi nghĩ vì tự ti, mặc cảm nên nhiều người không dám thi thố với người khác mà chỉ tự sướng với mình.
* Và những kỷ lục đó sẽ mãi chỉ quẩn quanh trong nước?
- Tôi không nghĩ thế, rồi chúng ta sẽ có những kỷ lục được quốc tế ghi nhận. Cái gì cũng cần phải có thời gian. Một xã hội nông thôn đóng kín đã khiến con người bị định dạng theo chiều hướng khác. Đến khi hội nhập, làm quen với những hệ giá trị bình thường thì phải như mọi người và dần dần sẽ bớt đi những chuyện ta đang nói. Chính hiệu ứng của truyền thông sẽ làm thay đổi xã hội, sẽ làm những hành vi lệch chuẩn trở lại bình thường. Không sai thì không thể có cái đúng, phải có những hành vi như vậy để dư luận lên tiếng thì người ta mới tự điều chỉnh. Quá trình phát triển sẽ có cả xô bồ, nhảm nhí nhưng sau đó sẽ giảm dần. Tôi tin chắc là sẽ không có bánh chưng, bánh giầy như vừa rồi mà sẽ có những kỷ lục có ý nghĩa hơn thế.
Bình luận (0)