xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguyễn Văn Kỉnh - Tấm gương ngời sáng

VÕ VĂN KIỆT (Cố Thủ tướng Chính phủ)

Báo Người Lao Động lược đăng một số bài hồi ức dẫn từ quyển “Nguyễn Văn Kỉnh sáng ngời nhân cách cộng sản”, do NXB Trẻ ấn hành năm 2003, nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông, 28-2 (tòa soạn xin phép đổi và thêm các tựa)

Qua 9 năm chống Pháp trường kỳ gian khổ, trên mảnh đất “Thành đồng Tổ quốc” thiêng liêng của chúng ta đã hình thành một đội ngũ cán bộ ưu tú trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh. Trong số đó có đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (tên thật là Nguyễn Thượng Vũ) - người mà anh em, đồng chí, bạn bè đã dành cho những tên gọi thân thiết: “Anh Tư”, “Anh Tư Kỉnh”.

Học cao, khiêm nhường, tốt bụng

Cùng với các anh Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, anh Tư Kỉnh vinh dự được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ở chiến khu Việt Bắc vào đầu mùa xuân năm 1951. Đây là 6 cán bộ lãnh đạo đầu não hình thành cơ quan Trung ương Cục Miền Nam - một bộ phận trong bộ tham mưu chiến đấu tối cao của Đảng ta hoạt động ở chiến trường xa Trung ương, xa Bác Hồ, đảm đương trọng trách nặng nề là lãnh đạo nhân dân Nam Bộ ra sức góp phần đánh bại quân đội viễn chinh xâm lược Pháp.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh
Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh

 

Là bậc đàn anh, anh Tư lớn hơn tôi nửa con giáp. Anh tham gia hoạt động chính trị giữa lòng Sài Gòn từ thuở thiếu thời và là một trong những chiến sĩ đứng trong đội ngũ tiên phong của Đảng. Vào dịp hè năm 1949, lần đầu tiên tôi được gặp anh Tư tại Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng gần vùng đất Gò Tháp - một địa danh nổi tiếng ở Đồng Tháp Mười, nơi các cụ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều đã đặt bản doanh để tiến hành kháng chiến chống Pháp trong những năm giữa thế kỷ XIX.

Ngay trong buổi đầu gặp nhau, tôi cảm nhận rằng những người được tiếp xúc với anh Tư đều có ấn tượng tốt đẹp về anh - một cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong cơ quan lãnh đạo đầu não của Xứ ủy và Trung ương Cục Miền Nam, có ngoại hình hấp dẫn, luôn luôn dành cho người đối thoại những nụ cười cởi mở trên khuôn mặt thông minh, đôn hậu.

Nhiều đồng chí có dịp được gần gũi và tiếp xúc nhiều với anh Tư Kỉnh đều cho tôi biết anh Tư là người sống bằng nội tâm, ham học hỏi và giàu ý chí tiến thủ. Anh thích nghe, viết và suy tư nhiều hơn nói nhưng hễ nói là chắc như đinh đóng cột. Vốn là người học cao, hiểu rộng song anh Tư cư xử với mọi người rất khiêm nhường, không bao giờ phô trương kiến thức, tỏ vẻ dạy đời sính nói văn chương, chữ nghĩa như các cụ đồ gàn hay một số người có tật “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”.

Điều đáng quý là anh Tư rất thương cán bộ, luôn luôn quan tâm tới điều kiện công tác, hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng và tâm tư cấp dưới. Không nghe thấy anh vuốt ve mơn trớn và có thái độ nể nang trước những thiếu sót của cán bộ song anh cũng không bao giờ dùng “đao to búa lớn” để quở trách nặng lời những đồng chí phạm lỗi. Anh thường lựa lời giãi bày và phân tích một cách thấu lý đạt tình điều hay lẽ phải khiến cho người nghe dần dần được cảm hóa.

Sống như anh Tư!

Rồi trải qua 20 năm chống Mỹ, tôi chỉ được gặp lại anh có một vài lần. Đó là thời gian sau khi ký kết Hiệp định Paris không lâu lắm, lúc được Trung ương gọi ra thủ đô Hà Nội để báo cáo tình hình chiến trường miền Nam, tôi tranh thủ thời gian ghé qua nhà số 4 Bà Huyện Thanh Quan, quận Ba Đình để thăm anh chị.

Sau hơn 20 năm xa cách với biết bao nhiêu sự biến thiên của thời cuộc và thế thái nhân tình, thế mà người ngồi đối diện với tôi vẫn là anh Tư Kỉnh thân thương và bình dị của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ năm nào. Tuy là một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, liên tục ở trong Ban Chấp hành Trung ương hơn 20 năm và 10 năm được Đảng, nhà nước tín nhiệm cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại một cường quốc - Liên bang Xô viết - nhưng nhìn diện tích khiêm tốn nơi anh và gia đình đang ở cùng với trang trí nội thất đơn sơ, tôi thoáng nghĩ: Cơ ngơi của một nhà ngoại giao tầm cỡ đã từng 10 năm làm công tác đối ngoại ở châu Âu chỉ có vậy thôi sao?

Mấy năm sau đó, lúc anh Tư về nước, Trung ương có ý định cấp nhà khác cho anh ở nhưng anh không nhận. Và sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, có người trong họ tộc nêu ý kiến với anh: Nên đề nghị nhà nước giao lại 6 căn nhà trên đường Nguyễn Trãi và hơn 2 ha đất tại huyện Bình Chánh (TP HCM) do cha mẹ anh để lại có đủ giấy tờ hợp lệ song anh không đồng tình.

Quả là lạ lùng biết bao, một người vốn xuất thân trong gia đình Tây (theo quốc tịch Pháp) sống giữa lòng thành phố “hòn ngọc Viễn Đông” này, lại sớm rời ghế nhà trường và cuộc sống ấm no ngay trong lứa tuổi thiếu thời, không màng danh lợi riêng tư, hiên ngang đứng lên đối mặt với kẻ thù hung hãn. Tính ra trong 6 năm, từ năm 19 đến 25 tuổi - anh Tư Kỉnh đã bị giặc bắt tới 4 lần, chịu đủ mọi ngón đòn tra tấn dã man rồi bị kết án tử hình (sau giảm xuống chung thân khổ sai). Mỗi lần thoát khỏi Khám lớn Sài Gòn, anh lại tiếp tục lao vào bão táp đấu tranh...

 

Nửa thế kỷ làm cách mạng

Ông Nguyễn Văn Kỉnh, sinh ngày 28-2-1916, tại Sài Gòn, nay là TP HCM. Năm 1932, hoạt động trong Hội Học sinh bí mật của Đảng ở Trường Huỳnh Công Phát (Sài Gòn). Từ năm 1935 đến 1937, tham gia và hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cộng sản, bị thực dân Pháp bắt giam 6 tháng, kết án 18 tháng tù treo.

Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động trong phong trào thanh niên ở Sài Gòn, Rạch Giá và Thủ Dầu Một. Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ năm 1938-1944, ông Nguyễn Văn Kỉnh hoạt động bí mật ở vùng Chợ Lớn và Gia Định, tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 9-1931 và bị đế quốc bắt kết án tử hình, sau giảm xuống tù chung thân.

Tháng 4-1945, sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động, tham gia cướp chính quyền tháng 8-1945, làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Xứ ủy viên Nam Kỳ, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Sài Gòn và Nam Bộ.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, phụ trách Văn phòng Trung ương Cục Miền Nam.

Từ năm 1955-1974, ông được cử làm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, đại sứ nước ta tại Liên Xô... Tại Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Do bị bệnh nặng, ông mất vào ngày 26-10-1981, thọ 65 tuổi.

 

Kỳ tới: Người làm báo cừ khôi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo