“Xã hội hóa (XHH) bến xe là việc làm hết sức cần thiết nhằm xây dựng tiêu chuẩn bến xe văn minh, hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác điều hành, quản lý, góp phần phục vụ người dân được tốt hơn. Vì vậy, cần nhân rộng mô hình bến xe kiểu mẫu”. Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị Công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý đối với bến xe ô tô khách, do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức sáng 27-6 tại Đà Nẵng.
Hiệu quả hoạt động còn thấp
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết hiện nay, tại 63 tỉnh - thành, tỉ lệ các bến xe XHH đạt rất thấp. Theo đó, mới chỉ có 213/457 bến xe đã được XHH hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (DN) 2005. Các bến xe XHH có ưu điểm là điều kiện cơ sở vật chất tốt, nhiều DN đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong việc điều hành và tổ chức quản lý hoạt động. Trong đó, Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng, thuộc Công ty CP Vận tải và Quản lý bến Đà Nẵng, được các đại biểu đánh giá là dẫn đầu trong việc đưa chất lượng dịch vụ như của ngành hàng không vào áp dụng phục vụ hành khách. Ngoài ra, bến xe này còn thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng quản lý, điều hành nên đáp ứng được yêu cầu trong bảo đảm trật tự, an toàn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, nhiều bến xe XHH chưa sử dụng hết năng lực sẵn có của mình, số lượng xe xuất bến còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế không cao. Cụ thể, Bến xe Đức Long Đà Nẵng (phía Nam TP Đà Nẵng) với cơ sở vật chất mà nhiều bến xe khác mơ ước nhưng đến nay cũng chỉ có 2 chuyến xe/ngày; Bến xe Nước ngầm Hà Nội với diện tích 18.000 m2 nhưng mới phục vụ 200 lượt xe xuất bến/ngày, đạt 30% công suất thực tế.
Ông Phan Xuân Viên, Giám đốc Bến xe Đức Long Đà Nẵng, cho biết trước sự kêu gọi đầu tư, Công ty CP Đức Long đã vay ngân hàng để xây dựng bến xe phía Nam TP Đà Nẵng với tổng vốn trên 130 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi bến xe đưa vào sử dụng, UBND TP Đà Nẵng không cho cơ chế phân luồng tuyến nên dự án gần như bị phá sản. Theo ông Nguyễn Hữu Luân, Giám đốc Công ty Vận tải Phương Trang Đà Lạt, việc lãnh đạo một số địa phương thiên vị đơn vị này, đơn vị nọ trong việc XHH bến xe cũng gây phiền toái, ảnh hưởng đến hoạt động của các DN. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng hiện nay, việc quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng bến xe còn nhiều bất cập. Quy hoạch bến xe chưa căn cứ vào quy hoạch khu dân cư và nhu cầu phát triển tại địa phương, gây lãng phí sản phẩm xã hội và khó khăn cho DN đầu tư. Thậm chí như tỉnh Cao Bằng, đến nay chỉ có 1 bến xe tại TP Cao Bằng, các huyện đều không có bến xe, gây khó khăn cho hoạt động của DN. Hơn nữa, công tác tổ chức giao thông trong bến cho các phương tiện xe máy, taxi, xe buýt vào đón trả khách ở nhiều bến xe trung tâm còn lộn xộn; tình trạng tranh giành, co kéo hành khách vẫn diễn ra.
Sẵn sàng tháo gỡ vướng mắc
Theo các đại biểu tham dự hội nghị, tình hình hoạt động của các bến xe cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc. Nhiều địa phương, nhất là TP HCM và Hà Nội, vẫn còn tình trạng xe dù hoạt động theo hình thức xe hợp đồng, xe du lịch đón trả khách ngoài bến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông và hiệu quả kinh doanh tại các bến xe. Cơ quan nhà nước một số địa phương chưa quan tâm đến sắp xếp xe ra vào bến cho một số bến xe, nhất là các bến xe XHH, dẫn đến không có xe, gây lãng phí. Các loại dịch vụ chưa thống nhất, phức tạp, hiện tượng cửa quyền áp đặt của bến xe lên đơn vị vận tải còn phổ biến gây bức xúc cho hành khách và đơn vị vận tải. Vì vậy, các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các thành phố quy hoạch bến xe khách phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng, tránh lãng phí và gây rối an ninh trật tự. Khi kêu gọi XHH đầu tư xây dựng bến xe, địa phương nên cho nhà đầu tư nhận mặt bằng sạch; có chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất... Bộ GTVT cần thống nhất mô hình quản lý kinh doanh, khai thác bến xe trong cả nước. “Không để dân khổ vì bến xe. Vì vậy, Bộ GTVT sẽ có chính sách thỏa đáng để đầu tư, quản lý các bến xe, phục vụ người dân đi lại văn minh, an toàn” - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT, hoan nghênh và đánh giá cao các DN mạnh dạn trong việc đầu tư bến xe; đồng thời sẽ tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các đại biểu về những vấn đề XHH bến xe. “XHH bến xe là cần thiết nhằm quản lý vận tải được tốt hơn. Bộ GTVT sẵn sàng đối thoại với các DN để tháo gỡ những vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân được tốt hơn” - ông Thăng nói. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết Bộ GTVT sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ có những quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp liên quan đến tiền thuê đất, lãi suất vay vốn, vấn đề giải phóng mặt bằng và các điều kiện thuận lợi khác để các nhà đầu tư an tâm tham gia khai thác bến xe.
Làm sớm để dân nhờ!
Trả lời kiến nghị của các đại biểu về yêu cầu cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định của Thông tư 49/2013TT-BGTVT cho phù hợp với thực tế tại các địa phương, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Vụ trưởng Vụ Vận tải - cho rằng cần phải nghiên cứu và dự kiến sẽ sửa đổi trong tháng 9. Lập tức, Bộ trưởng Đinh La Thăng thắc mắc: “Sao mà lâu thế, phải làm sớm để dân nhờ!”. “Nếu bộ trưởng chỉ đạo, cho phép thì sẽ làm sớm” - ông Hùng trả lời. Bộ trưởng Thăng liền nhấn mạnh: “Không phải bộ trưởng chỉ đạo, cho phép mới làm, mà đây là nhân dân chỉ đạo, nhân dân cho phép nên phải làm sớm”.
Bình luận (0)