Trong khi ở những quốc gia tiên tiến, tỉ trọng này rất nhỏ, dưới 10%, thậm chí ở Mỹ chỉ dưới 2%. Không chỉ hoạt động thua lỗ và kém hiệu quả, DNNN ở nước ta chiếm khoảng 60% tổng dư nợ của đất nước và chiếm phần lớn tỉ lệ nợ xấu của nền kinh tế. Trước thực trạng này, trong những năm qua, chúng ta đã đưa ra nhiều phương án để xử lý các vấn đề của DNNN, trong đó có cổ phần hóa (CPH) DNNN nhưng tiến trình diễn ra rất chậm chạp.
Vì sao CPH ì ạch? Nguyên nhân trước tiên là về tư duy. Chủ trương chung đã có nhưng cách nghĩ, cách làm còn thiếu nhất quán, nhất là về vai trò của nhà nước và kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường; việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sở hữu và quyền sở hữu đất đai, giá một số mặt hàng và dịch vụ công thiết yếu… lại chưa tạo được đột phá để huy động mạnh mọi nguồn lực cho phát triển; phương thức quản lý chưa đáp ứng kịp yêu cầu trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, không ít giám đốc DNNN còn lo ngại mình sẽ bị mất hoặc giảm quyền khi doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần.
Nguyên nhân tiếp theo: Ở cả DNNN lẫn cơ quan quản lý đều thừa nhận các điểm nghẽn lớn là thiếu cơ chế xử lý vướng mắc trong giải quyết công nợ; bất cập của cơ chế xác định giá trị đất đai, nhất là định giá lợi thế vị trí địa lý; phương án xử lý các đơn vị sự nghiệp có thu khi xác định giá trị doanh nghiệp là công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty. Việc DNNN thoái vốn khỏi những ngành nghề không phải là ngành nghề chính còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi, có một số cổ phiếu niêm yết thấp hơn mệnh giá hoặc giá hiện tại thấp hơn thời điểm doanh nghiệp mua cổ phần nên ảnh hưởng đến việc thoái vốn do các doanh nghiệp phải bảo đảm quy định về bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư.
Nguyên nhân cuối cùng là lạm phát năm cao năm thấp, làm cho giá cả không phản ánh thực chất tài sản của DNNN. Lạm phát cao sẽ làm phát sinh hiện tượng lãi giả, lỗ thật; lạm phát thấp hơn sẽ làm phát sinh hiện tượng về sổ sách hạch toán thì lỗ nhưng thực chất là lãi.
Từ thực trạng đó, Chính phủ quyết tâm giai đoạn 2014-2015 sẽ thực hiện CPH khoảng 500 DNNN, trong đó CPH 1/8 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty 91 và hầu hết tổng công ty 90; sẽ bán tiếp cổ phần 4/5 ngân hàng thương mại nhà nước đã CPH, tạo đà cho việc hoàn thành CPH vào năm 2020. Trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương vào cuối tháng 12-2013, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gắn nhiệm vụ CPH DNNN với trách nhiệm của người đứng đầu: “Năm 2014, dứt khoát phải tái cơ cấu DNNN sau khi các đề án đã được phê duyệt xong. Nếu cán bộ lãnh đạo ở DNNN không chịu CPH thì phải thay thế”. Tiếp theo, tại thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắc lại trọng tâm tái cơ cấu DNNN là CPH.
Như vậy, thông điệp từ Chính phủ là khá mạnh mẽ cùng với sức ép từ hội nhập không thể cưỡng lại được đang buộc DNNN phải thực hiện CPH nhanh hơn. Đây vừa là mệnh lệnh vừa là nhiệm vụ sống còn, không thể chậm trễ thêm nữa.
Bình luận (0)