xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều đại biểu chưa đồng tình

Thế Dũng - Thế Kha

Trong phiên thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề xuất lấy phiếu tín nhiệm vào năm thứ ba của nhiệm kỳ và 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp

Ngày 6-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã có tờ trình QH việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35). Cùng ngày, QH đã thảo luận tại tổ về dự thảo này.

Sửa đổi để tránh vi hiến

Bày tỏ sự không đồng tình dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35 có 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cho rằng: “Tôi đã cố gắng để hiểu 3 mức tín nhiệm nhưng vẫn không giải thích được với cử tri khi họ hỏi về vấn đề này. Tôi không đồng tình với dự thảo”. Cùng quan điểm, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) đề nghị Ủy ban TVQH công bố có bao nhiêu đoàn đồng ý 2 mức, bao nhiêu đoàn đồng ý 3 mức.

Kiến nghị chỉ có 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề xuất cán bộ có số phiếu quá 50% “không tín nhiệm” thì nên vận động từ chức ngay. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết người dân phân vân tại sao lại kéo đến năm thứ ba của nhiệm kỳ mới lấy phiếu tín nhiệm. “Nguồn cán bộ ta dồi dào lắm, để như thế thì việc sửa chữa sai lầm là rất lâu. Chúng ta đại diện cho nhân dân thì phải nói tiếng nói của nhân dân để làm sao nghị quyết sửa đổi phù hợp hơn” - bà Khánh bày tỏ.

ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) cho rằng nếu lấy phiếu tín nhiệm 1 lần thì làm gì có lần thứ hai để bỏ phiếu tín nhiệm.Ảnh: thế dũng
ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) cho rằng nếu lấy phiếu tín nhiệm 1 lần thì làm gì có lần thứ hai để bỏ phiếu tín nhiệm.Ảnh: thế dũng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, bà Lê Thị Nga (Thái Nguyên), đề nghị: “Về lâu dài, phải tiến tới cách làm thực chất hơn, tức là bỏ phiếu bất tín nhiệm như nhiều nước đang làm. Tất nhiên, khi đó quy trình thực hiện phải khác”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận), cho biết trong quá trình thẩm tra dự thảo tại Ủy ban Pháp luật có nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên có 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. “Báo cáo của Ủy ban TVQH cho thấy những người có tín nhiệm thấp rất ít, chủ yếu rơi vào tín nhiệm cao và tín nhiệm. Như vậy, chế định bỏ phiếu tín nhiệm chắc chắn sẽ không thực hiện được” - ĐB Nguyễn Sĩ Cương phân tích. Theo ĐB Cương, Hiến pháp năm 2013 đã không còn chế định “lấy phiếu tín nhiệm” mà chỉ còn “bỏ phiếu tín nhiệm”, ông Cương đề nghị việc sửa đổi Nghị quyết 35 phải hợp lý, tránh để xảy ra tình trạng vi hiến.

Nên lắng nghe ý kiến của đại biểu

Mổ xẻ mâu thuẫn của dự thảo, ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) băn khoăn: “Quy định cả nhiệm kỳ chỉ có 1 lần lấy phiếu tín nhiệm thì làm gì có lần thứ hai để bỏ phiếu tín nhiệm”. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) kiến nghị dự thảo sửa theo hướng mỗi năm lấy phiếu tín nhiệm 1 lần bởi thực tế cho thấy nhiều bộ trưởng sau lần lấy phiếu tín nhiệm đã có thay đổi theo hướng tích cực. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm kiến nghị lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ, vào cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ. “Còn nếu lấy phiếu 1 lần thì không ổn, mâu thuẫn ngay với mục đích của việc lấy phiếu. Đề nghị Ủy ban TVQH lắng nghe ý kiến của ĐBQH, đó cũng là mong muốn của cử tri” - bà Quyết Tâm đề nghị.

ĐB Lê Thị Nga góp ý để công tác đánh giá cán bộ được chính xác nên có quy định hằng năm, các chức danh được QH bầu và phê chuẩn phải có báo cáo công tác cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ của mình trước QH. ĐB Nguyễn Sĩ Cương cho biết ĐB luôn muốn việc đánh giá cán bộ đi vào thực chất. Tuy nhiên, việc tìm hiểu về năng lực, trách nhiệm quản lý, điều hành của những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm đang rất hạn chế. Hiện ĐBQH chỉ biết thông tin về cán bộ qua báo cáo của họ hoặc báo chí. Qua lấy phiếu tín nhiệm lần đầu (năm 2013 - PV) cho thấy có cán bộ báo cáo rất dài, hơn 30 trang và đọc như một bản tổng kết ngành nhưng cũng có người chỉ báo cáo 2-3 trang. “Như thế, việc đánh giá của ĐBQH sẽ rất chung chung, chủ yếu vẫn dựa vào báo cáo. Mà thông tin từ báo cáo cũng như qua báo chí cũng phiến diện” - ông Cương nói.

ĐB Võ Thị Dung kiến nghị QH nên biểu quyết từng nội dung về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35.

Bỏ phiếu bất tín nhiệm là bước đường cùng

Tham gia thảo luận tại tổ của đoàn ĐB Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết lấy phiếu tín nhiệm xuất phát từ Nghị quyết Trung ương 4, có tác động cảnh tỉnh, răn đe, ngăn ngừa để cho mỗi cán bộ khi làm chức trách của mình tự soi, tự sửa mình là chính. “Đến lúc phải bỏ phiếu bất tín nhiệm là bước đường cùng. Anh không còn chỉnh sửa được nữa thì thôi cho anh nghỉ” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích lấy phiếu tín nhiệm nên có 3 mức, nếu lấy 2 mức là bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm ở 3 mức là tương đối co giãn để cán bộ biết mức độ phản ánh sự tín nhiệm của tập thể. Nghị quyết 35 hiện hành quy định một năm lấy phiếu tín nhiệm một lần, nay lấy vào giữa nhiệm kỳ là do hằng năm đều có đánh giá, trước khi bầu cử cũng có đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm. “Đến khi vào QH, đồng chí nào được bầu chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH, QH đều có bỏ phiếu. Đây cũng là dịp để đánh giá. Rồi cuối nhiệm kỳ lại đánh giá, rất nhiều lần đánh giá… Quanh năm chỉ bận việc lấy phiếu thì còn làm ăn gì nữa. Vì thế lấy phiếu ở năm thứ ba nhiệm kỳ là hợp lý” - Tổng Bí thư phân tích.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo