Bãi đất trống ở khu vực khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM mấy ngày nay vui nhộn lạ thường. Chiều nào cũng có hàng trăm người đưa con em đến đây thả diều, hóng mát.
101 kiểu trốn nóng
Chị Trần Thị Ngọc Như, nhà gần bãi đất trống, cho biết từ trưa trở đi, trong nhà chị nóng không chịu nổi. Hai cái quạt máy hoạt động hết công suất cũng không xua được cái không gian như lò lửa. Chẳng những vậy, nắng nóng khiến con chị, đang học lớp 1 bán trú, những ngày qua luôn mất ngủ. Tranh thủ rước con về sớm, chị dẫn bé ra thả diều để hưởng chút gió trời. “Sẩm tối, cả nhà khiêng võng, kéo quạt ra sân nằm đến 23 giờ mới vô nhà. Nóng quá, chồng tôi mấy hôm nay toàn ra hiên ngủ” - chị Như cười.
Cạnh đó, dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, mới thông xe không lâu, hàng trăm quán xá lề đường mọc lên đã trở thành nơi “ngồi thiền” của những người trốn nắng nóng. Trên cầu Bình Lợi, hàng trăm nam thanh nữ tú phóng xe ra đây hóng gió từ sông hắt lên. Trên cầu Bình Triệu 1, hàng chục thanh niên khác tìm niềm vui riêng bằng những chiếc cần câu cho đến tận khuya, khi không khí dịu mát mới về.
Trời nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua đã khiến sinh hoạt của người dân TP HCM đảo lộn, kéo theo đó là hàng loạt thay đổi để thích nghi. Anh Tuấn, nhà ở quận Gò Vấp, cho biết trước đây, mỗi ngày anh tắm 2 lần thì bây giờ phải tăng gấp đôi, thậm chí 2 giờ sáng ngủ không được phải dậy đi tắm. Còn bạn Trần Xuân Độ, sinh viên ở trọ gần khu vực Bình Triệu, cho biết do nhà trọ lợp tôn, nóng kinh người nên mấy ngày nay hầu như phải trốn ra công viên hoặc lang thang đâu đó chờ tối mát trời mới về.
Nắng nóng cũng xảy ra trên diện rộng ở Bình Dương. Các quán giải khát có bóng cây lúc nào cũng đông khách. Anh Nguyễn Thanh Hiếu, chủ sạp bán dừa trên đường Lê Thị Trung (phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một), cho biết một tuần trở lại đây, bình quân mỗi ngày anh bán 500 trái dừa, gấp đôi so với trước. Khu vực “giải nhiệt” cho dân Bình Dương là bến Bạch Đằng (bờ sông Sài Gòn thuộc địa phận TP Thủ Dầu Một), trưa và chiều tối luôn đông nghịt người.
Trẻ đổ bệnh
Tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, ngày bình thường tiếp nhận trung bình khoảng 5.000-5.500 trẻ đến khám nhưng những ngày qua có thời điểm con số này là gần 7.000. Còn tại BV Nhi Đồng 2, số trẻ mắc các bệnh đường hô hấp tăng vọt. Ngày thường tại khoa này chỉ khoảng 120 ca nằm điều trị nội trú thì nay con số này hơn 200 ca. Trong đó, nhiều trẻ viêm phổi nặng.
Tại BV Đa khoa tỉnh Bình Dương, số bệnh nhi đến khám cũng tăng gấp rưỡi so với ngày thường. Lãnh đạo Khoa Nhi BV cho biết mấy ngày qua, khoa luôn quá tải với hàng trăm trẻ mắc các chứng bệnh liên quan đến nắng nóng như sốt siêu vi, viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy, rôm sảy gây khó chịu, ngộ độc thực phẩm…
Người lớn cũng “thấm”
Trong khi đó, tại các BV lớn của TP HCM, số bệnh nhân là người lớn đến khám, nhập viện đều tăng. Bình thường, BV Chợ Rẫy trung bình mỗi ngày có từ 2.600-2.700 người đến khám thì trong tuần qua, số người khám bệnh tăng hơn 22%. Còn ở BV Đại học Y Dược, số người đến khám bệnh trong tuần qua tăng 10% so với tuần trước.
Theo các bác sĩ, trời nắng nóng không chỉ người lớn mắc các bệnh mãn tính bị ảnh hưởng mà ngay cả người khỏe mạnh cũng dễ đổ bệnh. Bác sĩ Âu Thanh Tùng, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Đại học Y Dược, đưa ra 2 lưu ý cơ bản là hạn chế đi lại dưới trời nắng và tránh mất nước.
Nhấn mạnh nắng nóng đầu mùa rất bất lợi đối với người cao tuổi, nhất là những người mắc bệnh mãn tính, bác sĩ Nguyễn Trung Anh, BV Lão khoa Trung ương, lưu ý khi nhiệt độ tăng cao, người già rất khó thích ứng kịp vì trung tâm điều nhiệt không còn nhạy cảm. Cùng đó, “trung tâm báo khát” hoạt động kém đi nên rất dễ bị thiếu nước. Để tăng sức đề kháng cho người già nên thường xuyên nhắc nhở các cụ ăn các loại thức ăn mềm, loãng, uống nhiều nước hơn.
Bệnh do “giải nhiệt” không đúng cách
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp, BV Nhi Đồng 1, vào mùa nóng, trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp do thói quen sử dụng quạt máy, máy lạnh chưa hợp lý. Ngoài ra, thời tiết nóng và khô ảnh hưởng đến hệ hô hấp, vốn cần độ ẩm để bảo vệ, chống lại sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh. Để bảo vệ trẻ, tốt nhất nên cho trẻ uống bù nước, chuẩn bị nước uống sạch cho trẻ khi đi học, đi chơi; tránh để quạt máy thổi trực tiếp vào người, đặc biệt là khi trẻ mới ở bên ngoài vào, đang đổ mồ hôi thì cần lau khô trước khi ngồi trước quạt; trẻ nhỏ không nên ở trong phòng máy lạnh quá lâu và đừng để nhiệt độ phòng chênh lệch nhiều so với bên ngoài quá 5-7 độ C.
Bình luận (0)