Dư luận quan tâm là hiển nhiên bởi vốn đầu tư quá lớn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn toàn thoát khỏi giai đoạn suy thoái, thu ngân sách chưa thuận lợi và nợ công còn quá nặng gánh. Thường thì khi đã giàu có rồi thì người ta mới thoải mái ăn ngon mặc đẹp. Đất nước còn nghèo, đại đa số người dân chỉ cầu được ăn no mặc ấm mà thôi. Lúc này đây, chưa cần đến những công trình văn hóa kỳ vĩ được dựng lên từ những đôi vai gầy guộc, từ những mảnh đời cơ hàn quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cũng mới chỉ đủ sống qua ngày, mơ tưởng chi những “món ăn tinh thần” xa xôi, hão huyền. Đừng chạy theo sự hào nhoáng bên ngoài mà nướng tiền ngân sách rồi bắt người dân nai lưng trả nợ!
Nói hào nhoáng bên ngoài là bởi những minh chứng trước mắt, hết sức phi lý. Bài học rõ ràng nhất là Bảo tàng Hà Nội, được xây với số tiền 2.300 tỉ đồng nhằm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nằm tại vị trí khá đắc địa ở thủ đô. Xong đại lễ thì Bảo tàng Hà Nội cũng hẩm hiu hẳn, khá ít người lui tới, rất tương phản với sự hoành tráng của nó. Dường như người ta làm để cho kịp chào mừng, còn trưng bày những gì trong đó, nguồn hiện vật có từ đâu, tổ chức các hoạt động văn hóa ra sao… cho hấp dẫn thì không được lưu tâm. Và điều gì đến cũng đã đến với bảo tàng “rỗng ruột”...
Phối cảnh của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sắp được xây dựng. Tòa nhà chính được xây dựng trên khu đất khoảng 20.483m2
Không riêng Bảo tàng Hà Nội, khoảng 150 bảo tàng khác trên cả nước cũng không khá hơn. Quả thật là so với nền văn hiến mấy ngàn năm, chúng ta hiện còn thiếu một bảo tàng tương xứng nhưng hãy nhìn xem: 150 bảo tàng hiện hữu đang làm gì, thu hút bao nhiêu khách tham quan mỗi năm, công năng bị lãng phí ra sao, thậm chí nhiều nơi còn “xẻ” mặt bằng đem cho thuê bán cà phê hoặc mở quán nhậu thì sẽ buột miệng hỏi ngay: Vậy xây thêm siêu bảo tàng để làm gì? Lấy hiện vật ở đâu cho đủ mà trưng bày?
Theo Nghị quyết 78/2014/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, năm nay tổng thu dự kiến đạt 911.100 tỉ đồng, tổng chi 1.147.100 tỉ đồng, bội chi 226.000 tỉ đồng (5%). Vốn xây siêu bảo tàng chiếm xấp xỉ 5% khoản bội chi này, đâu phải ít. Cũng cần biết thêm tỉ lệ nợ công năm nay sẽ chạm ngưỡng 64% GDP; hiện chúng ta đang nợ nước ngoài 85 tỉ USD, tính trung bình mỗi người dân hiện gánh 937 USD tiền nợ.
Đã đầm đìa như vậy, có ai muốn nợ thêm?
Chúng ta có quyền mơ đến một Bảo tàng Lịch sử quốc gia tầm cỡ Louvre (Pháp), Prado (Tây Ban Nha), Vatican (Ý) hay Metropolitan (Mỹ)… nhưng đó là câu chuyện của thời điểm khác. Nên chăng, tạm gác giấc mơ xa vời ấy lại và bây giờ hãy dành nguồn lực cho những vấn đề thực tế, bức bách hơn. Đó là hàng trăm trường học, bệnh viện người dân mòn mỏi trông ngóng mà thiếu tiền đầu tư; đó là 6% hộ nghèo của cả nước (cá biệt, ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo còn trên 60%) đang rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước và cộng đồng…
Bình luận (0)