xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ồ ạt bán đất mặt ruộng

THỐT NỐT - CA LINH

Tại nhiều tỉnh ở ĐBSCL đang xảy ra tình trạng nông dân vì nhiều lý do đã đua nhau bán đất mặt ruộng, gây hệ lụy lớn đến sản xuất nông nghiệp

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, hiện toàn tỉnh có trên 1.600 lò gạch nung và mỗi năm sản xuất khoảng 1 tỉ viên gạch phục vụ nhu cầu xây dựng. Để có lượng gạch đó, mỗi năm cả tỉnh mất khoảng 15 triệu m3 đất và nguồn đất cung ứng chủ yếu là từ đất mặt ruộng của nông dân.
img
Các chủ cối đang lấy đất sét từ ruộng ở xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành - Trà Vinh. Ảnh: CA LINH

Bán lẫn cho thuê

Hằng năm, mỗi khi bước vào mùa lũ, những chủ lò gạch ở các huyện Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành (An Giang) lại tất bật thuê người đi thu gom đất mặt ruộng của những hộ dân đang rao bán do túng thiếu hoặc cần gấp tiền trả nợ.

Có mặt tại cánh đồng ấp Bình Hưng 2, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú vào một sáng sớm đầu tháng 10, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục thanh niên đang cấp tập xúc từng khối đất to đưa lên ghe để vận chuyển vào bờ. Phía trong bờ, 3 chiếc máy nhồi đất hoạt động hết công suất. Từng lớp đất được đánh tơi ra, nắn thành bánh nhỏ rồi chất lên ghe chở về các lò gạch.

Bà Liên, ngụ ấp Bình Hưng 2, chua xót nói: “Thửa ruộng này là của hồi môn, cha mẹ tôi để lại cho con cháu làm lúa. Do mấy năm nay làm lúa liên tục bị lỗ lã nên vợ chồng tôi đành bấm bụng làm liều bán đi lớp đất mặt với giá 35 triệu đồng/công để có tiền trang trải, trả nợ, dù biết nếu bán lớp đất mặt đi thì sau này ruộng không thể cày cấy được nữa”.

Mùa nước nổi này, ông C., ngụ xã Bình Mỹ, cũng vừa bán cho ông D., một chủ lò gạch, 4 công đất mặt ruộng. Hiện tại, trên mảnh ruộng của ông C. có đến 40 người với khoảng 10 chiếc xáng và 3 máy nhồi đất công suất lớn ngày ngày “ngốn” những thớ đất mặt ruộng. Trên nhiều cánh đồng ở tỉnh An Giang, đâu đâu cũng thấy những thửa ruộng sâu hoắm nham nhở do lớp đất mặt đã bị bóc đi. Không ít hộ còn đánh liều bán đến 2 lớp đất (8 tấc), giá khoảng 35 triệu đồng/công. Sau khi bán, mảnh ruộng giống như cái… hầm nuôi cá, chưa biết mùa vụ tới sẽ cày cấy ra sao. Tương tự, tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, nước đang tràn đồng, nhiều vỏ lãi cỡ lớn chạy rầm rộ trên kênh để chở đất mặt ruộng.

Cấm nhưng vẫn làm

Tại các xã Lương Hòa A, Lương Hòa, Song Lộc… thuộc huyện Châu Thành (Trà Vinh), nhiều hộ nông dân cho các chủ cối thuê đất mặt ruộng để khai thác đất sét. Ông Kiên Thiêu, cán bộ nông nghiệp xã Lương Hòa A, cho biết: “Vừa qua, 25 hộ nông dân trong xã có gửi đơn xin cải tạo đất dưới hình thức cho bán lớp đất mặt ruộng từ 3-3,5 cm. Xã đã gửi đơn này cùng tờ trình lên UBND huyện Châu Thành kiến nghị xem xét. Hiện nay, UBND huyện có chỉ đạo tạm dừng khai thác đất sét trên bề mặt ruộng”.

Tuy nhiên, đi dọc các con kênh tại ấp Hòa Lộc C (xã Lương Hòa A) mới đây, chúng tôi ghi nhận hàng chục chiếc ghe trọng tải lớn của các chủ cối đến múc đất sét. Giữa đám ruộng lúa xanh mướt, xung quanh có nhiều chiếc ghe nhỏ vào các khu ruộng lấy đất sét rồi nắn thành từng khối vuông. Cạnh bờ kênh, chủ cối bố trí máy móc và đưa đất sét xuống ghe lớn.

Những người bán đất chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt, còn về lâu dài, cuộc sống sẽ khó tránh được cảnh túng bấn vì phần ruộng còn lại không thể canh tác được thì lấy gạo đâu mà ăn. Đến khi vào vụ sản xuất năm sau, năng suất sẽ giảm đáng kể. Theo ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, sau 3-4 năm khai thác lớp đất mặt ruộng, dinh dưỡng đất sẽ cạn kiệt, độ phì nhiêu giảm dần sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa. Chính những người bán hoặc cho thuê đất mặt ruộng sẽ phải gánh chịu sự thiệt hại này.
img
Ruộng lúa của nông dân ở huyện Châu Phú - An Giang biến thành hầm hố và rất khó khôi phục lại sản xuất. Ảnh: THỐT NỐT

Theo ông Kiên Thiêu, diện tích khai thác đất mặt ruộng tại 25 hộ nêu trên là khoảng 22 ha. Với 1 công cho thuê, người dân thu khoảng 11-18 triệu đồng, tùy vị trí ruộng; còn chủ lò khai thác khoảng 350 m3 đất sét. Ông Diệp Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Song Lộc, nói: “Ở xã tôi có hơn 100 hộ nông dân cho thuê đất mặt ruộng với 28 cối khai thác. Tình trạng này xuất hiện từ năm 2008 và rộ lên vào năm 2011. Hiện các cối này đã tạm ngưng hoạt động, chờ chủ trương của huyện”. Ông Kiên Thiêu cho biết thêm tuy các ngành chức năng đã đến kiểm tra những chủ cối, lập biên bản xử phạt nhiều lần nhưng vài ngày sau họ vẫn tiếp tục lấy đất sét từ mặt ruộng.

UBND huyện Châu Thành vừa chỉ đạo các xã buộc ngưng ngay việc khai thác đất mặt ruộng khi chưa có đề án phê duyệt. Huyện cũng đã lập tổ công tác xuống kiểm tra các khu vực lấy đất sét. Tuy nhiên, tình trạng bán, cho thuê đất mặt ruộng vẫn diễn ra mỗi ngày.

Giám sát bằng vệ tinh để xử lý

Ông Trần Anh Thư, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết việc người dân tự ý bán đất mặt là sai quy định pháp luật về đất đai cũng như gây thiệt hại lớn cho xã hội, đặc biệt là làm cạn kiệt độ phì nhiêu của đất bởi phù sa chủ yếu dồn về phần đất trũng.

“Thông thường, những người bán đất mặt ruộng thực hiện lén lút nhưng hoạt động khai thác đất thì tiến hành rầm rộ, chính quyền địa phương lẽ nào không hay biết? Trong thời gian tới, sở sẽ lên kế hoạch giám sát chặt chẽ bằng vệ tinh để có biện pháp xử lý nghiêm” - ông Thư nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo