HĐND TP HCM đang thực hiện giám sát việc di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường và có nguy cơ cháy nổ xen cài trong khu dân cư tại một số quận, huyện vùng ven và ngoại thành. Kết quả cho thấy còn nhiều cơ sở sản xuất có nguy cơ cao nằm xen lẫn trong khu dân cư, trong khi việc xử lý lại quá khó.
Cơ sở nhỏ “nhảy cóc”
Các quận, huyện này vốn là nơi tiếp nhận cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ nội thành nhưng hiện cũng bị các cơ sở này “đầu độc”.
Quận Bình Tân có gần 13.800 cơ sở sản xuất nhưng đến 90% hoạt động trong khu dân cư. Năm 2014, quận thống kê được 164 cơ sở nằm trong khu dân cư có nguy cơ gây ô nhiễm cao, gồm các ngành nghề: tái chế phế liệu, dệt nhuộm, xi mạ… Quận đã vận động 26 cơ sở ra khỏi khu dân cư do không có khả năng khắc phục ô nhiễm, cưỡng chế 12 cơ sở.
Đầu năm 2015, quận Bình Tân tiếp tục rà soát và phát hiện thêm 104 cơ sở có nguy cơ ô nhiễm. Dù đã vận động 6 cơ sở ra khỏi khu dân cư nhưng chính lãnh đạo quận cũng băn khoăn với phương án di dời cơ sở ô nhiễm. Bởi lẽ, Bình Tân là nơi tiếp nhận cơ sở ô nhiễm từ quận 5, 6, 11… sau các chương trình di dời cơ sở ô nhiễm từ nội thành ra ngoại thành của TP.
Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho rằng nếu phải tiếp tục di dời thì các cơ sở này không biết sẽ đi về đâu? “Long An, Tây Ninh hay Bình Dương thì chắc không nơi nào tiếp nhận. Về các khu công nghiệp hay cụm công nghiệp cũng không được vì diện tích nhà xưởng ở đây rất lớn, trong khi các cơ sở sản xuất hầu hết là hộ gia đình, cá thể, quy mô nhỏ lẻ. Còn muốn ở lại địa phương phải trang bị hệ thống xử lý chất thải nhưng nhiều cơ sở nhỏ lẻ không có khả năng làm việc đó. Vì vậy, họ cứ lén lút hoạt động về đêm, cấm chỗ này thì qua chỗ khác, thay tên đổi họ để hoạt động” - ông Chính nêu thực trạng.
Doanh nghiệp lớn kèm điều kiện
Báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP mới đây, lãnh đạo quận Thủ Đức cho biết trên địa bàn có 79 đơn vị nằm trong Quyết định di dời của UBND TP năm 2003-2005. Đến nay, còn 8 doanh nghiệp (DN) chưa di dời, trong đó có 4 DN đề nghị rút tên khỏi danh sách di dời, 1 DN xin hoạt động thêm 20 năm. Thế nhưng, hầu hết ngành nghề hoạt động của các DN này không phù hợp với quy hoạch được duyệt, còn kế hoạch di dời đến nay vẫn là chuyện lâu dài.
Đơn cử như Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Thương mại Petrolimex có định hướng di dời đến xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè trong giai đoạn 2020-2025; Công ty Cao su Bình Lợi cũng định hướng di dời đến Bình Dương sau năm 2020 nhưng kèm điều kiện là TP cho vay vốn không lãi suất để phục vụ công tác di dời.
Theo UBND quận Bình Tân, vướng mắc trong công tác di dời hiện nay là do TP chưa có chủ trương hỗ trợ về vốn và lãi suất cho vay. Các cơ sở ô nhiễm xen cài trong khu dân cư thiếu địa điểm di dời. UBND TP bãi bỏ Quyết định số 200 về công bố danh sách ngành nghề sản xuất, kinh doanh không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư. Do đó, Bình Tân gặp khó khăn nhất định trong công tác kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Từ những khó khăn này, quận Bình Tân kiến nghị quy hoạch các cụm công nghiệp tiếp nhận cơ sở có quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, TP cần có chủ trương, chính sách hỗ trợ vốn vay và lãi suất để các cơ sở đầu tư hệ thống xử lý chất thải.
Ô nhiễm từ nơi này chuyển sang nơi khác
Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 nằm trong danh sách di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ký năm 2003 nhưng hiện vẫn chưa di dời. Mới đây, UBND TP có văn bản yêu cầu đơn vị này phải hoàn thành việc di dời trong năm 2016. Dẫu vậy, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, tỏ ra nhẹ nhõm khi báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP rằng tình trạng ô nhiễm khu vực này đã đỡ rất nhiều. “Công ty này trước đây nghiền, làm bao bì gây ô nhiễm nhiều nhưng giờ “ổng” đưa máy nghiền qua quận 9 nên đỡ nhiều rồi... Nói chung là Thủ Đức không còn ô nhiễm nữa!” - ông Dũng hồ hởi. Quả thật, “gánh nặng” bao năm của quận Thủ Đức đã chuyển sang quận 9 khiến người dân phường Long Trường kêu trời vì ô nhiễm. Một lãnh đạo quận 9 lo ngại: “Theo quy hoạch, xung quanh Công ty Hà Tiên là khu dân cư. Vì thế, trong tương lai, số người bị ảnh hưởng và khiếu nại vì ô nhiễm sẽ còn gia tăng”.
Bình luận (0)