Trưa 13-2, nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh được đưa từ Bệnh viện Đà Nẵng về nhà riêng (số 189 Cách Mạng Tháng Tám, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) và từ trần lúc 13 giờ cùng ngày, hàng ngàn người dân kéo đến để mong được vào thăm ông Thanh lần cuối.
Trước đó, lúc 12 giờ 10 phút cùng ngày, theo yêu cầu của gia đình, ông Nguyễn Bá Thanh được đưa từ Bệnh viện Đà Nẵng về nhà riêng. Đi theo xe cấp cứu có các lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng và các ban, ngành. Đúng 13 giờ, ông Nguyễn Bá Thanh trút hơi thở cuối cùng trong niềm tiếc thương của gia đình và người dân Đà Nẵng. Mọi công việc chuẩn bị cho đám tang ông Nguyễn Bá Thanh được chính quyền Đà Nẵng cùng gia đình gấp rút chuẩn bị.
Khi hay tin ông mất, người dân khắp nơi tìm đến bày tỏ lòng thương tiếc. Bà Nguyễn Thị Trân (ngụ quận Cẩm Lệ) nghẹn ngào: “Chúng tôi ngày đêm cầu nguyện cho ông qua khỏi kiếp nạn này nhưng ông vẫn ra đi. Người dân TP Đà Nẵng sẽ luôn nhớ đến ông, một vị lãnh đạo thương dân”. Chị Lê Viết Trinh (ngụ quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết sau khi lập gia đình và sinh con, chị thường xuyên bị chồng đánh đập. Không chịu nổi, chị làm đơn ra tòa xin ly hôn rồi dắt con đi ở nhà trọ. Cuộc sống quá khó khăn, chị làm đơn và mang đến nhà ông Nguyễn Bá Thanh (lúc đương chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) để xin ở chung cư. Sau hai lần gõ cửa, ông Nguyễn Bá Thanh đã tận tình hướng dẫn và sau đó, chính quyền Đà Nẵng bố trí cho chị Trinh một căn hộ chung cư. “Ông Thanh là ân nhân mà tôi không bao giờ quên được. Nếu không có lòng thương dân của ông thì tôi và nhiều chị em khác không bao giờ có được chỗ ở ổn định như bây giờ” - chị Trinh giàn giụa nước mắt.
Đến thăm ông Nguyễn Bá Thanh còn có một người bạn, đồng chí của ông. Đó là ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ông Chiến tâm sự rằng đã học hỏi được rất nhiều từ ông Nguyễn Bá Thanh về bản lĩnh, cung cách, lề lối làm việc và cách xử lý công việc có tình có lý trước những yêu cầu bức xúc của người dân. Nhờ vậy mà sau khi đảm đương chức vụ lãnh đạo TP Đà Nẵng, những việc làm của ông Chiến đều mang dáng dấp chủ trương của người đi trước. “Điều tôi quý nhất ở anh Thanh là sự sáng tạo, quyết liệt, làm việc vì cái chung, vì sự phát triển của thành phố và đặc biệt rất thương yêu, giúp đỡ những người nghèo khó” - ông Chiến trải lòng.
Cùng ngày, không chỉ người dân Đà Nẵng mà rất nhiều người dân từ khắp nơi cũng đã lặn lội tìm đến nhà ông Nguyễn Bá Thanh. Họ quây quần, xếp hàng trong trật tự, tỏ lòng thương tiếc vô hạn một vị lãnh đạo vì dân đã ra đi…
Tổ chức lễ tang theo nghi thức cấp cao
Ngày 13-2, Ban Nội chính Trung ương đã ra thông báo chính thức về việc ông Nguyễn Bá Thanh qua đời. Theo thông báo này, lễ tang ông Nguyễn Bá Thanh được tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp cao. Lễ viếng bắt đầu từ 14 giờ 30 phút ngày 14-2-2015 (26 tháng chạp) tại nhà riêng. Lễ truy điệu từ 9 giờ 30 phút ngày 16-2-2015 (28 tháng chạp). An táng tại nghĩa trang của gia tộc ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Thanh, sinh ngày 8-4-1953; quê quán: Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng; tham gia cách mạng từ năm 1964, vào Đảng ngày 13-2-1980; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa X, XI; Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; Trưởng Ban Nội chính trung ương; Đại biểu Quốc hội các khóa IX, XI, XII, XIII; Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng; nguyên Bí Thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký thông qua việc tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho ông Nguyễn Bá Thanh.
T.Dũng
Đà Nẵng dừng bắn pháo hoa đêm giao thừa
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo TP đã quyết định dừng bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Ất Mùi để tỏ lòng thành kính, chia buồn cùng gia đình ông Nguyễn Bá Thanh. Theo ông Thơ, việc làm này thể theo nguyện vọng của đông đảo người dân Đà Nẵng.
Dự kiến Tết Nguyên đán Ất Mùi, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức bắn pháo hoa giao thừa tại 4 địa điểm: cầu Nguyễn Văn Trỗi (quận Hải Châu), sân vận động quận Ngũ Hành Sơn, Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu và Đài Tưởng niệm của huyện Hòa Vang. Việc bắn pháo hoa này sẽ dời lại vào dịp 29-3, nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Đà Nẵng.
Tiếc thương lắm, một người bạn!
Sẽ có nhiều người nói và viết về con người lãnh đạo Nguyễn Bá Thanh, còn chúng tôi muốn nói về anh như một người bạn
Người Việt có thói quen là trước khi một người bạn thân đi xa, tất cả ngồi lại với nhau, im lặng, nhớ về những ngày đã cùng chung sống, không ủy mị sướt mướt, lấy cái đẹp của tình bạn làm hành trang để sống tiếp những ngày còn lại. Những người bạn của lứa tuổi trên dưới 70 chúng tôi đang ngồi bên nhau. Nén lòng, không khóc. Cùng nhớ lại những gì vừa mới đây.
Buổi sáng hôm ấy, thứ bảy (ngày 13-12-2014), trong cái giá lạnh đầu đông của Hà Nội, một đoàn cựu học sinh miền Nam (HSMN) thay mặt cho hàng vạn bạn bè từng học tập trên miền Bắc đã tề tựu đông đủ tại khu vực Ba Đình để chuẩn bị vào viếng Lăng Bác trước khi tiến hành lễ kỷ niệm 60 năm Trường HSMN trên đất Bắc (1954-2014). Tất cả nhìn nhau hồ hởi, thân mật. Bỗng có ai đó nhắc đến Nguyễn Bá Thanh. Bình thường, trong dòng người này không thể thiếu Nguyễn Bá Thanh. Thế nhưng, bữa đó đúng là Nguyễn Bá Thanh vắng mặt thật vì đang trọng bệnh. Tuy nhiên, người như Nguyễn Bá Thanh thường không bị lãng quên trong những cuộc hội ngộ bởi vóc dáng, cá tính và những thành quả đã làm được cho TP Đà Nẵng quê hương anh. Nguyễn Bá Thanh là một người nhanh nhẹn, tả xung hữu đột cả trong đời thường lẫn công việc; một tay vợt cừ khôi...; một chỉ huy “đốc chiến” trên các công trường xây dựng; một giám sát công trình kiên quyết, không khoan nhượng; một Bí thư Thành ủy sâu sát, sắc sảo, gắn bó với phong trào; một Trưởng Ban Nội chính Trung ương tiếp cận công việc đầy tâm huyết và những dự định ấp ủ. Sẽ có nhiều người nói và viết về con người lãnh đạo Nguyễn Bá Thanh, còn chúng tôi muốn nói về anh như một người bạn.
Trong đời thường, khi còn đương chức, vị lãnh đạo cao nhất của TP Đà Nẵng có thể sẵn sàng ngồi xổm bên nồi ốc luộc của người bán hàng nghèo khó để tìm hiểu thu nhập một ngày của họ; có thể nếm thử một cách tự nhiên nồi cháo tình thương trong bệnh viện; sà vào bàn cờ của các cụ hưu trí bên bờ sông Hàn để “tỉ thí” vài ván... Những dịp gần gũi như vậy đã hé mở những suy nghĩ, dự định của anh, làm sao cho người dân có được cuộc sống an lành, hạnh phúc.
Còn việc lớn, chỉ xin nêu câu chuyện xây cầu bắc qua sông Hàn. Trước năm 2000, người dân đi lại qua sông Hàn chỉ nhờ vào chiếc phà cũ kỹ và những chiếc thuyền nan. Bắc một chiếc cầu qua sông là yêu cầu bức xúc nhưng cũng quá lớn và quá mới mẻ. Dư luận băn khoăn cũng nhiều. Cử tri có người chất vấn: “Ai quyết định xây chiếc cầu này và nếu thất bại thì ai chịu trách nhiệm?”. Nguyễn Bá Thanh khẳng khái trả lời: “Quyết định là tập thể Thường vụ Thành ủy và người chịu trách nhiệm là tôi!”.
Chuyện về Nguyễn Bá Thanh nhiều lắm, dài lắm và hình như ai cũng có một kỷ niệm của riêng mình về anh. Thế hệ của anh và trước anh có những người đã ngã xuống trên chiến trường; những phi công gan góc đối mặt với máy bay kẻ thù, cảm tử hy sinh quyết bảo vệ vùng trời; những tấm gương lao động quên mình vì sự nghiệp xây dựng đất nước và những người dấn thân trong cuộc chiến đấu chống đói nghèo, mang lại cuộc sống an lành, hạnh phúc cho người dân. Nguyễn Bá Thanh cũng nằm trong đội ngũ những con người ấy. Tiếc thương lắm nhưng cũng thật tự hào về họ, những người đã làm nên chiến công vẻ vang cho đất nước. Và những người như họ luôn có mặt trong cuộc sống hôm nay, không ai và không có điều gì bị lãng quên, cho dù vẫn còn rất nhiều bất trắc có thể xảy ra trong cuộc sống đầy biến động.
Bùi Công Minh
Bình luận (0)