Theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” do UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt năm 2013, tổng diện tích khu quy hoạch là 15 ha.
Nhà giàu hưởng lợi
Trong đó, 4,7 ha là khu dân cư hiện hữu, để người dân tự chỉnh trang; 8,4 ha giao Công ty Toàn Thịnh Phát hoàn toàn là khu phát triển mới để xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại, nhà ở… Như vậy, có thể thấy hầu hết dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát được xây dựng trên phần đất hoàn toàn mới: 7,7 ha được hình thành do lấp sông Đồng Nai và hoàn toàn không dính dáng gì đến khu dân cư hiện hữu cần chỉnh trang.
Thế nhưng, mục đích của việc xây dựng các công trình mới này, theo UBND tỉnh Đồng Nai là để “góp phần cải tạo và bảo vệ bờ sông Đồng Nai, cải tạo cảnh quan không gian kiến trúc, nâng cao môi trường sống và tăng mảng xanh cho đô thị”.
KTS Phạm Tứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, đã cười rất lâu khi nghe nói đến mục đích này. “Nguyên tắc của đô thị là phải giữ gìn, bảo tồn cảnh quan sông nước càng nhiều càng tốt, thậm chí còn phải phát triển thêm vì đây không chỉ là cảnh quan nhìn cho đẹp mà còn là môi trường sống của một đô thị, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống người dân. Đó là lý do vì sao một số kênh rạch trót bị lấp đi bây giờ người ta phải đào lại. Ngoài ra, việc lấp sông sẽ thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến vai trò điều tiết của dòng sông. Do đó, lấp sông làm ảnh hưởng cảnh quan chứ không thể nào cải tạo cảnh quan được!” - ông Tứ khẳng định. Theo ông, về nguyên tắc, chỉnh trang là từ những gì hiện hữu, đã tồn tại nhưng có khuyết điểm thì sửa chữa lại cho phù hợp hơn. Chỉnh trang đô thị là cải tạo, làm cho ngăn nắp hơn, đẹp hơn trên nền tảng của một khu vực đã có sẵn. Còn dự án xây dựng nhà ở, khu thương mại của Công ty Toàn Thịnh Phát là công trình mới, trên phần đất hoàn toàn mới do lấp sông mà có thì không liên quan gì đến chỉnh trang đô thị mà phải nói là một dự án mới.
Đồng quan điểm, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát có diện tích 8,4 ha nhưng đến 7,7 ha là đất mới hình thành do việc lấp mặt nước sông Đồng Nai mà có nên không thể đưa vào dự án chỉnh trang đô thị mà gọi đúng bản chất phải là dự án chỉnh trị sông (tức là tác động vào dòng sông) và dự án xây mới. Đây là đô thị phát triển trên sông chứ không còn là ven sông. Trong thông cáo báo chí ngày 24-3, tỉnh Đồng Nai cho biết hiện trạng toàn bộ bờ sông từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến sông Đồng Nai đều là các công trình, nhà dân nên người dân thành phố không có khả năng tiếp cận và thụ hưởng cảnh quan ven sông. Tuy nhiên, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, sau khi thực hiện chỉnh trang, khu dân cư hiện hữu chỉ cao 2-3 tầng nằm bên trong, còn tiếp cận sông Đồng Nai là dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát với các khối nhà cao đến 25-27 tầng. “Khi đó, chỉ có những người nhiều tiền mua nhà trong dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát mới được hưởng lợi từ cảnh quan ven sông. Còn người dân sống trong khu vực này càng khó tiếp cận hơn vì những khối nhà cao kia đã chắn bớt gió sông, khí trời” - ông Sơn nhìn nhận.
“Độc quyền” quyết định
Đồng Nai từng lên tiếng phản đối mạnh mẽ 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A dù các công trình này không nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai. Rõ ràng, tỉnh này ý thức được việc xây dựng một công trình trên sông Đồng Nai dù ở bất cứ địa phương nào cũng sẽ tác động đến các địa phương khác trong toàn lưu vực. Đồng Nai cũng từng bất bình khi không được tham vấn ý kiến về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Vậy mà giờ đây, tỉnh này có lẽ đang lặp lại “vết xe đổ” khi cấp phép cho Công ty Toàn Thịnh Phát lấp một phần sông Đồng Nai mà không hỏi qua ý kiến 10 địa phương còn lại. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng dự án thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh nên không cần tham vấn ý kiến các địa phương khác. Thực ra, việc trùng tên không có nghĩa sông Đồng Nai là của tỉnh Đồng Nai! Dòng sông này chảy qua 11 tỉnh - thành, là tuyến giao thông thủy huyết mạch, tuyến thoát lũ và nguồn nước cho các địa phương nên dù tác động từ điểm nào cũng ảnh hưởng đến toàn lưu vực.
Sông Đồng Nai là dòng sông lớn thứ ba của Việt Nam nhưng tài nguyên nước trên đầu người lưu vực sông Đồng Nai vào loại rất thấp: 2.296 m3/người/năm (trung bình của cả nước là 9.300 m3/người/năm). Theo tiêu chuẩn quốc tế, “mức độ căng thẳng trung bình về nước” bắt đầu với ngưỡng khai thác là 20% và mức căng thẳng cao là trên 40%. Với mức độ sử dụng hiện tại, sông Đồng Nai tiến tới giới hạn căng thẳng và sẽ còn căng thẳng hơn với tốc độ phát triển đô thị trong thời gian sắp tới. Hơn chục năm trở lại đây, do mỗi địa phương đều quá “tích cực” khai thác tiềm năng nên dòng sông trở nên ngắc ngoải: các đô thị, nhà máy đua nhau xả nước thải ra sông, thủy điện xây dựng trên đầu nguồn biến dòng sông thành các hồ chứa, các công trình lấn sông ở hạ nguồn khiến dòng chảy ngày càng bị thu hẹp… Ở cấp nhà nước, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai được thành lập để “cứu” con sông này. Giai đoạn 2013-2015, tổng kinh phí phê duyệt để bảo vệ sông Đồng Nai là hơn 10.000 tỉ đồng… nhưng dòng sông vẫn chưa có dấu hiệu hồi sinh!
Lẽ ra, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai trong nhiệm kỳ hiện tại, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai phải đi đầu, làm gương trong những hoạt động bảo vệ dòng sông này. Thế nhưng, việc cấp phép cho Công ty Toàn Thịnh Phát lấp đi một phần sông Đồng Nai, ở góc độ nào đó đã cổ xúy cho việc bức tử con sông này. Dù Đồng Nai có đưa ra bất cứ lý do nào cũng không thể bao biện cho một sự thật rằng địa phương này đang xâm hại đến dòng sông nuôi sống 20 triệu người và cội nguồn cảnh quan vùng Đông Nam Bộ.
Dễ chết chìm vào mùa lũ
Chiều 25-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thành Phương - Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (sông Đồng Nai chảy qua Bình Dương, đoạn thuộc thị xã Tân Uyên) - khẳng định địa phương này không hề được chính quyền TP Biên Hòa hay tỉnh Đồng Nai thông báo về việc sẽ xây một khu đô thị rộng hơn 7 ha trên sông Đồng Nai. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, UBND tỉnh Bình Dương cũng chưa nhận được văn bản tham vấn ý kiến từ phía Đồng Nai. “Mấy năm trước, bờ sông đoạn thuộc trung tâm Tân Uyên sạt lở dữ lắm. Bây giờ phía Đồng Nai lại lấp sông thì mùa lũ nước thoát không kịp, nhà cửa bờ bên này dễ bị hà bá nuốt” - một người dân Tân Uyên lo ngại.
N.Phú
Công trường vẫn rầm rộ
Ngày 25-3, để tiếp tục có thông tin rộng đường dư luận xung quanh dự án “lấp sông” đang gây nhiều lo ngại, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm cách liên hệ với chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai nhưng các số máy luôn không liên lạc được hoặc bị từ chối trả lời. Riêng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Thành Trí, cho biết quan điểm của tỉnh đã được thể hiện đầy đủ trong thông cáo báo chí ngày 24-3. “Tất cả thông tin cơ bản đã được gói gọn trong thông cáo báo chí rồi...” - ông Trí nói.
Cùng ngày, chúng tôi cũng tìm cách tiếp xúc với lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu về những ảnh hưởng của dự án lên các công trình văn hóa, tâm linh trong vùng nhưng ông Lê Kim Bằng, phó giám đốc sở, từ chối trao đổi vì lý do “bận”.
Trong khi đó, tại công trường dự án, công việc thi công vẫn diễn ra rầm rộ, bất chấp công luận. “Đồng Nai ào ạt lấp sông làm dự án, trong khi các công trình phát triển thời gian qua có cái nào thực hiện tốt đâu. TP Nhơn Trạch còn bỏ hoang, chợ Tân Hiệp chưa xong, suối Săn Máu hôi hám ảnh hưởng dân sinh cả chục năm trời không cải tạo được...” - một người dân ngán ngẩm.
X.Hoàng
Bình luận (0)