Những ngày này, đi dọc con đường ven biển của tỉnh Quảng Nam, nhất là đoạn từ xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ) đến xã Tam Tiến (huyện Núi Thành), đâu đâu cũng bắt gặp cảnh xe múc, xe ủi đào ao nuôi tôm.
Chưa có phương án xử lý hiệu quả
Ông Nguyễn Hữu Thọ (ngụ thôn 2, xã Tam Tiến) lý giải: Thấy nhiều người trong thôn lãi cao, ông đầu tư 150 triệu đồng nuôi tôm thẻ chân trắng. “Nếu thuận lợi, chỉ cần trúng một vụ là có thể lãi khoảng 100 triệu đồng” - ông Thọ hy vọng. Cùng xã, ông Huỳnh Văn Tính (ngụ thôn 3) cho biết thấy nhiều người phá rừng nuôi tôm, ông vay gần 100 triệu đồng cải tạo hơn 1 sào đất trồng khoai trước đây thành ao nuôi tôm. “Vợ chồng tôi cũng lo lắm. Mình chưa có kinh nghiệm, cũng không biết sau này có bán tôm được không nhưng thấy nhiều người làm, mình cũng làm” - ông Tính nói.
Anh Nguyễn Ngọc Phú (ngụ thôn 2, xã Tam Tiến) cho biết: “Nuôi thì nuôi nhưng vẫn lo, thương lái Trung Quốc “chơi” mình nhiều lần rồi. Vả lại, vốn đầu tư phải vay nên lo lắm”.
Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, cho biết vài tháng qua, giá tôm trên địa bàn bị thương lái Trung Quốc đẩy lên rất cao nên nhiều người dân bất chấp cảnh báo của chính quyền địa phương, chặt phá rừng dương phòng hộ ven biển để đào ao nuôi tôm. Để xử lý, chính quyền xã đã lập biên bản, tịch thu tang vật nhiều vụ nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình. Lực lượng chức năng kiểm tra ban ngày thì họ chuyển sang phá rừng, đào ao vào ban đêm. Vì vậy, ngoài tuyên truyền, xã chỉ còn cách báo cáo lên cấp trên để chờ phương án xử lý hiệu quả hơn.
Ngư dân có thể bỏ ngư trường
Ông Đặng Hồng Võ, chủ hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn 5, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, cho biết một kg tôm thẻ chân trắng khoảng 70 con hiện bán được gần 160.000 đồng, trong khi vào thời điểm này năm trước, chỉ bán được 110.000 đồng. “Lâu nay, mỗi khi được mùa, người nuôi thường bị tư thương ép giá. Nay giá tôm liên tục tăng từ đầu năm. Lần đầu tiên, chúng tôi thấy vừa được mùa vừa được giá” - ông Võ bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Sanh (ngụ xã Tam Hòa) cho biết trước đây thương lái trong nước rất “kén” hàng. Ngược lại, thương lái Trung Quốc thu mua giá cao lại không quan tâm đến việc kiểm soát kháng sinh trong quá trình nuôi tôm.
Ông Nguyễn Giúp nhận định: Giá tôm tăng vọt có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như ngành chế biến thủy sản trong nước thiếu nguyên liệu, mất thị trường xuất khẩu, ngưng trệ sản xuất. Ngư dân bỏ ngư trường, vào bờ nuôi tôm. Khi đầu ra lệ thuộc nhiều vào thương lái Trung Quốc, họ sẽ giảm giá thu mua...
Bình luận (0)