Sau cơn mưa kéo dài 2 giờ hôm 31-5, một linh mục ở nhà thờ Chi Lăng đã bị nước cuốn trôi khi đang dọn rác ở một cây cầu cạnh nhà xứ. Chỉ một ngày sau, người dân Đà Lạt lại chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng ngay tại trung tâm thành phố mộng mơ: nước lũ bùn đỏ lừ mang theo rác thải nông nghiệp đổ về trung tâm thành phố; nước tràn bờ đê suối Cam Ly và ngập tận nóc những ngôi nhà hai bên dòng suối. Ở khu dân cư trên đường Hoàng Văn Thụ, người dân đã phải trổ nóc để chạy thoát thân trước con nước lũ lên nhanh bất ngờ.
Những tin xấu tương tự sẽ vẫn còn tiếp diễn trong mùa mưa năm nay.
Và kịch bản tệ hại đó không phải là không được dự báo trước.
Còn nhớ một số liệu công bố năm ngoái, sau khi cơ quan chức năng kiểm kê rừng trên địa bàn theo chương trình dự án tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016 thì Lâm Đồng trong chưa đầy 5 năm đã “phá xong” 90.000 ha rừng, trong đó phần lớn là rừng thông, rừng đầu nguồn. Một số liệu khác từ Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy độ che phủ rừng tại TP Đà Lạt đang giảm đi rất nhanh: năm 2010 độ che phủ rừng là 56% nhưng chỉ 4 năm sau, độ che phủ còn 47%.
Có dịp đi ra khỏi trung tâm TP Đà Lạt sẽ thấy rất nhiều khu vực thông chết đứng do người dân bơm thuốc, chắn rễ, róc vỏ… Mỗi một gốc thông bị sát hại, người ta có thể mở rộng được vài ba mét đất trồng trọt nhưng quên rằng hậu quả để lại là vô cùng lớn cho môi trường sống về sau. Diện tích rừng và đất vườn cứ thế ngày càng bị thu hẹp. Ngay tại trung tâm TP Đà Lạt, có thể nhận ra tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt. Những hàng thông dần dần biến mất, thay vào đó là nhà cao tầng, là những công trình bê-tông hóa. Mà nói cho công bằng, trong số đó không phải chỉ có công trình hay dự án dân dụng mà còn có những công trình kiến trúc hành chính tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng.
Phát triển thiếu hài hòa với môi sinh là nguyên nhân dẫn đến những xáo trộn lớn của thiên nhiên mà con người không thể nào đủ sức lường trước được những hiểm họa.
Lũ quét từng là chuyện hy hữu ở những vùng cao thì vài năm nay đã xảy ra đồng loạt ở Đà Lạt, Gia Lai, Kon Tum ngày một thường xuyên hơn. Mùa nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ở những vùng thời tiết vốn ôn hòa này ngày càng trở nên gay gắt. Hệ thống sông suối, kênh rạch, ao hồ không còn đem lại vẻ thơ mộng cho cảnh trí mà ngày càng trở nên bất trắc, đe dọa đời sống dân sinh.
Vấn đề của Đà Lạt cũng là vấn đề chung của nhiều đô thị khác tại Việt Nam trong giai đoạn này.
Lỗi không tại tự nhiên. Chẳng phải những phản hồi đó đã rõ ràng nhưng sự ngoan cố của con người thì vô phương cứu chữa.
Bình luận (0)