Bộ Công an đang xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 166/2013 của Chính phủ - quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực từ ngày 28-12-2013.
Cưỡng chế trừ lương
Theo Nghị định 166, các cá nhân và tổ chức vi phạm hành chính bị xử lý nhưng đã quá thời hạn chấp hành theo quyết định xử phạt mà không tự nguyện thực hiện sẽ bị cưỡng chế.
Đối tượng bị cưỡng chế là những người đang làm việc, được hưởng tiền lương, thu nhập tại một cơ quan, đơn vị hoặc đang được hưởng BHXH. Người ra quyết định cưỡng chế được áp dụng các biện pháp sau: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
Việc khấu trừ lương và một phần thu nhập có thể tiến hành nhiều lần. Tỉ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 30% tổng số tiền lương, BHXH được hưởng và không quá 50% đối với khoản thu nhập khác.
Nghị định 166 cũng nêu rõ nếu các cá nhân, tổ chức quản lý tiền lương của người vi phạm hành chính không thực hiện cấn trừ thì tổ chức tín dụng sẽ thông báo và tự động trích chuyển, không cần sự đồng ý của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.
Chưa có cán bộ, công chức bị khấu trừ
Chiều 17-1, đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Công an, cho biết Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội Bộ Công an đang xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 166.
Ông Quân khẳng định những quy định này đã áp dụng từ khá lâu nhưng gần như không ghi nhận các trường hợp cán bộ, công chức thuộc diện vi phạm hành chính bị cấn trừ lương và thu nhập ở cơ quan.
“Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cũng thuộc diện bị cấn trừ nếu người vi phạm cố tình không tới cơ quan có thẩm quyền nộp phạt. Hầu hết người vi phạm hành chính đều chủ động tới nộp phạt nên quy định này ra đời để bảo đảm việc thực thi hiệu quả thôi” - ông Quân giải thích.
Theo ông Quân, việc cưỡng chế, cấn trừ vào lương, thu nhập không hề vi phạm hoặc trái với các quy định của pháp luật về tiền lương, thu nhập.
Cưỡng chế tài sản bán đấu giá
Nghị định 166 còn quy định đối với những cá nhân không được hưởng lương, thu nhập hoặc BHXH tại một cơ quan, đơn vị công tác hay không có tài khoản (số tiền gửi tại tài khoản không đủ) thì sẽ bị xem xét biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.
Bình luận (0)