Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nhạ, đây là vấn đề còn lâu dài nên phải tiếp tục nghiên cứu. Thực ra từ năm 2016, chính phủ đã đặt ra lộ trình này.
Ở nước ta, việc phổ cập giáo dục áp dụng đến hết bậc THCS. Theo nguyên tắc giáo dục phổ cập là phải miễn phí.
Vậy tại sao ngành giáo dục vẫn thu học phí ở bậc THCS? Việc cưỡng bách giáo dục và miễn học phí đã được hiến định từ Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, quy định: "Nền sơ học cưỡng bách và không học phí…"; Hiến pháp những năm 1959, 1980 đều quy định giáo dục bắt buộc ở cấp học phổ thông và không thu học phí. Tuy vậy cho đến nay, chúng ta chỉ mới miễn phí ở cấp 1 và miễn phí giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ năm học 2018. Trong khi đó, một số địa phương vẫn tiếp tục tăng học phí!
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã cưỡng bách giáo dục đến hết bậc THPT hoặc ít nhất là đến cấp THCS, thậm chí nước nghèo như Campuchia cũng miễn phí đến hết bậc THCS, Nhật Bản cưỡng bách cấp 1 từ năm 1870…
Hiến pháp đã định chế như vậy, vậy tại sao phải phấn đấu để đến năm 2020 mới miễn học phí với bậc THCS?
Học phí ở THCS hiện nay ở thành thị là 80.000 đồng/tháng, nông thôn 60.000 đồng, miền núi 30.000 đồng và còn tăng giảm theo quyết định của HĐND địa phương đó. Học phí như vậy là không cao nhưng vẫn là rào cản đối với nhiều hộ gia đình nghèo. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm, học phí thu từ bậc THCS trên cả nước được chỉ hơn 2.000 tỉ đồng.
Đến nay 63 tỉnh, thành trên cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS nhưng vẫn còn nhiều thanh niên chưa tốt nghiệp THCS. Tỉ lệ người dân tốt nghiệp THCS trong tổng số dân số từ 15 tuổi trở lên của vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất nước là 19,1%, trong khi toàn quốc là 29,5%. Giáo dục phổ thông là giáo dục nền tảng, nếu nền tảng này yếu kém, hệ quả kéo theo là nguồn nhân lực thấp. Nếu học sinh bậc THCS được miễn học phí, con số thống kê đó sẽ khác.
Nhà nước chưa miễn phí cho học sinh bậc THCS là vì lý do tài chính. Tuy nhiên, số tiền 2.000 tỉ đồng học phí thu được ở bậc THCS chẳng đáng là bao trong khi đó hệ quả lớn gấp nhiều lần.
Từ năm 2013, PGS-TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã đề nghị nên gọi thẳng là "giáo dục bắt buộc 9 năm miễn học phí", tức miễn phí hoàn toàn cho học sinh cấp THCS.
Vậy mà đến nay, chúng ta chưa thực hiện được. Tỉ lệ đầu tư cho giáo dục so với GDP ở nước ta là 6,3%, chi cho giáo dục đạt 20% trong tổng chi ngân sách. Đó là tỉ lệ chi cao nhưng sao không thể miễn phí cho bậc THCS?
Trong bối cảnh hiện nay, nên miễn học phí bậc THCS ngay từ năm học tới, bước đầu có thể làm thí điểm ở một số địa phương. Chính phủ nên buộc các địa phương không được tăng học phí ở cấp THCS. Tất cả là để nâng cao nền tảng giáo dục quốc dân, để giáo dục thực sự là quốc sách…
Bình luận (0)