xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quá nhiều hồ, đập mất an toàn

NHÓM PHÓNG VIÊN

Sau hậu quả nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua, việc bảo đảm an toàn cho các hồ, đập đã được nhiều địa phương quan tâm. Thực tế kiểm tra cho thấy rất đáng lo ngại về độ an toàn các hồ, đập

Tây Nguyên và miền Trung có nhiều hồ, đập nhưng do sử dụng đã lâu, không được sửa chữa kịp thời… nên nhiều công trình đã xuống cấp.

Gia Lai: Nhiều đập có khả năng vỡ

Sau khi thủy điện An Khê - KaNak bị lũ vùi lấp, gây ngập lụt nghiêm trọng cho vùng hạ du cuối tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai vừa kiểm tra lại toàn bộ hồ, đập thủy điện trên địa bàn.
img
Nhiều tuyến đường vùng hạ du bị ngập sâu khi thủy điện An Khê - KaNak xả lũ Ảnh: HOÀNG THANH

Toàn tỉnh hiện có 38 hồ thủy điện lớn nhỏ, trong đó nhiều hồ mất an toàn nghiêm trọng như hồ thủy điện Đăk Lốp (huyện Kbang) bị hư hỏng hoàn toàn, chủ đầu tư đã phải ngừng phát điện từ năm 2010. Bên cạnh đó, nhiều công trình khác có khả năng vỡ đập khi thân đập đã bị nứt toác, nước chảy thành dòng qua các kẽ như hồ thủy điện thuộc Công ty CP Điện Gia Lai là Thác Bà (công suất 0,3 MW), thân đập nứt từ 0,8-1,5 cm kéo dài hàng chục mét; thủy điện Chư Prông cũng trong tình trạng tương tự. Tuy việc thấm nước qua thân đập của 2 hồ này đã được đơn vị chủ quản khắc phục nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập.

Về trách nhiệm trong việc thủy điện An Khê - KaNak bị “chôn sống” làm người dân ở thị xã An Khê và vùng hạ lưu sông Ba hứng trọn “quả bom” nước, ông Mang Viên Tý - Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thị xã An Khê - cho biết: “Khi xảy ra lũ, địa phương rất lúng túng trong công tác phòng chống do lượng nước đổ về lớn, trong khi nhà máy thủy điện báo nhỏ. Vì không có trạm quan trắc nên nhà máy báo bao nhiêu chúng tôi biết bấy nhiêu. Thực tế xả lũ bao nhiêu, chỉ có nhà máy mới biết”. Về lâu dài, ông Tý kiến nghị: Để xác định rõ trách nhiệm các nhà máy thủy điện trong xả lũ, cần phải lập bản đồ ngập tràn ở hạ du; xây dựng trạm quan trắc dưới đập tràn để xác định lưu lượng xả lũ của nhà máy thủy điện.

Hiện nay, cơ chế quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình thủy điện vừa và nhỏ còn nhiều bất cập. Theo cơ chế này, chủ đầu tư tự quyết định hình thức, nội dung quản lý dự án và có nhiệm vụ tổ chức quản lý toàn diện chất lượng công trình xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cho ý kiến thiết kế cơ sở. Do vậy, nhiều công trình thủy điện thiếu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình khai thác.

Chiều 6-12, ông Ngô Ngọc Sinh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, cho biết đã báo cáo toàn bộ hồ thủy điện không an toàn để HĐND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định.

Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại thời gian thông báo xả lũ trước 24 giờ thay vì 2 giờ như hiện nay. Xử phạt nghiêm các chủ hồ, đập vi phạm quy trình điều tiết và xả lũ.

Phú Yên: Hàng loạt hồ xuống cấp, rỉ nước

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên, trên địa bàn tỉnh hiện có 45 hồ chứa với tổng dung tích lên trên 770 triệu m3, trong đó có 2 hồ thủy điện (đã tích nước) và 43 hồ thủy lợi. Theo ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, qua kiểm tra định kỳ, đập của 2 hồ thủy điện bảo đảm an toàn, trong khi nhiều hồ thủy lợi đã xuống cấp, rò rỉ nước.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, hiện 2 hồ thủy lợi có dung tích chứa nước lớn nhất ở đây là Phú Xuân (huyện Đồng Xuân) có dung tích chứa hơn 11,2 triệu m3 và Đồng Tròn (huyện Tuy An) có dung tích chứa trên 19,5 triệu m3 đều có hiện tượng rò rỉ nước. Trong đó, hồ Phú Xuân cả mái thượng lưu và hạ lưu đập đất, cống lấy nước đã xuống cấp. Hồ Đồng Tròn được đưa vào sử dụng từ năm 2007 đã có hiện tượng thấm nước qua đập, chưa có hệ thống tràn và đường cứu hộ khi sự cố xảy ra. Hai hồ thủy lợi Đồng Tròn và Phú Xuân hiện do Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam quản lý và sử dụng.

Theo ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, từ khi hồ Đồng Tròn được Bộ NN-PTNT bàn giao để công ty này quản lý và sử dụng, hiện tượng rò rỉ nước đã xảy ra. Mực nước thiết kế của hồ Đồng Tròn là 35 m so với mặt nước biển nhưng khi tích nước ở cao trình 32 m vẫn xảy ra hiện tượng rò rỉ nước. “Bộ NN-PTNT vừa khảo sát hiện tượng rò rỉ và đánh giá bước đầu là nước thấm qua nền đá gốc. Hiện bộ vẫn tiếp tục khoan thăm dò để đánh giá an toàn đập” - ông Trần Tiến Anh nói.

Trong khi đó, hồ chứa nước Xuân Bình được tỉnh cho phép xây dựng từ năm 2002 với tổng kinh phí trên 28 tỉ đồng để cung cấp nước tưới cho 100 ha lúa, 60-100 ha nuôi tôm, cấp nước sinh hoạt cho Khu Kinh tế Đông Bắc Sông Cầu. Tuy nhiên, đến nay, hồ thủy lợi quan trọng này vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì có đến 8/9 hạng mục vừa xây xong đã gặp sự cố. Trong đó, đập Bình Ninh bị vỡ năm 2009, hiện vẫn chưa khắc phục xong.

Theo ông Biện Minh Tâm, ngoài hồ chứa nước Xuân Bình đang được đầu tư khắc phục, tỉnh này phải cần đến hơn 50 tỉ đồng để sửa chữa 20 hồ thủy lợi khác đang xuống cấp. Để bảo đảm an toàn hồ đập, hiện các hồ thủy lợi ở đây đang tích nước hạn chế. “Đối với các hồ thủy lợi lớn như Đồng Tròn, Phú Xuân, chúng tôi chỉ cho phép tích nước trong vụ sản xuất. Khi kết thúc vụ hè thu, vào mùa mưa lũ, các hồ này buộc phải mở hết các cửa xả để lũ về bao nhiều thì xả hết bấy nhiêu nhằm bảo đảm an toàn” - ông Tâm nói.

Hàng trăm triệu mét khối nước treo lơ lửng

Là vùng cao nên vào mùa khô, tỉnh Đắk Lắk cần rất nhiều nước để tưới cho các diện tích cây công nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 665 công trình thủy lợi, gồm 539 hồ chứa, 79 đập dâng, 46 trạm bơm và 1 hệ thống đê bao. Phần lớn được xây dựng từ hàng chục năm trước, việc quản lý, vận hành yếu kém, hư hỏng không được sửa chữa kịp thời nên hiện gần 50% công trình xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, 17 hồ chứa đã hư hỏng nặng, hàng trăm triệu mét khối nước đang treo lơ lửng, đe dọa vùng hạ du.

Điển hình như hồ thủy lợi thôn 6B, xã Hòa An, huyện Krông Pắk, mặt đập nứt một đoạn dài khoảng 50 m, rộng 2-5 cm. Để công trình bảo đảm an toàn, phải đục bỏ phần bê-tông, xử lý móng, gia cố lại phần bê-tông đỉnh đập... Tuy nhiên, kinh phí sửa chữa khoảng 500 triệu đồng hiện chưa biết tìm đâu ra.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Kinh phí để sửa chữa 17 hồ chứa khoảng 7,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngân sách tỉnh đang khó khăn nên chúng tôi đã đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí để sớm khắc phục, sửa chữa”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo