Năm 2011, TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp đất do là bà Âu Thu An (SN 1961; ngụ phường 3, TP Bạc Liêu) và ông Quách Quang (SN 1930; ngụ phường 5, TP Bạc Liêu) kiện bà Lý Ngọc Nương (SN 1960, ngụ phường 1, TP Bạc Liêu) đòi 385,6 m2 đất. Khi bản án được phát hành, đương sự ngỡ ngàng vì tòa làm phép trừ sai đến 2 lần, dẫn đến quyết định sai thực tế, buộc phải làm văn bản đính chính đến 5 lần. Ngoài ra, tòa còn tuyên buộc nguyên đơn thua kiện phải nộp án phí cho cả phần diện tích đất nằm trong lộ giới mà tòa đã thừa nhận không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.
Quá nhiều "sạn"
Nhiều năm qua, bà An và ông Quang liên tục khiếu nại Bản án phúc thẩm số 106/2011/DSPT ngày 26-9-2011 của TAND tỉnh Bạc Liêu vì phát hiện nội dung bản án có quá nhiều “sạn” nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.
Cụ thể, tại phần nhận xét của bản án nói trên, có đoạn thể hiện: “Như vậy, chênh lệch so với cấp sơ thẩm giải quyết 385,60 m2 – 380,18 m2 = 85,42 m2…”.
Cũng tại bản án này, tòa xác định diện tích đất tranh chấp là 385,60 m2 nhưng trong đó có đến 362,3 m2 nằm trong phạm vi lộ giới. Lẽ ra, tòa quyết định buộc bà Nương trả cho bà An, ông Quang chỉ 23,30 m2 (385,60 m2 – 362,3 m2) nhưng không hiểu sao lại tính sai thành 53,24 m2.
Từ chỗ tòa quyết định buộc bà Nương trả cho bà An, ông Quang diện tích đất không đúng với thực tế nên không thể tổ chức thi hành án được. Do đó, người được thi hành án và cả cơ quan thi hành án đã nhiều lần kiến nghị TAND tỉnh Bạc Liêu xem xét lại quyết định của bản án.
Theo đó, TAND tỉnh Bạc Liêu đã có các thông báo số 02 (ngày 8-2-2012) và số 30 (ngày 8-9-2014) về việc sửa chữa, bổ sung Bản án phúc thẩm nói trên. Nội dung là điều chỉnh phần diện tích tuyên giao lại cho ông Quang, bà An từ 53,24 m2 xuống còn 23,3 m2 với lý do “nhầm lẫn trong khi đánh máy…”. Xen giữa 2 thông báo này, ngày 25-12-2013, thẩm phản Lê Thanh Hùng (chủ tọa phiên tòa nói trên) có công văn gửi Cục thi hành án Dân sự tỉnh Bạc Liêu, thừa nhận sai sót số liệu và cho biết đã có thông báo chỉnh sửa từ 53,4 m2 thành 23,3 m2 gửi cho đương sự.
Đương sự đòi hoàn lại tiền án phí
Cũng trong năm 2014 và 2015, ông Dương Công Lập, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu, có tiếp 2 thông báo về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Quang, bà An. Đáng chú ý, thông báo trả lời đơn khiếu nại số 03 (ngày 23-1-2015) của ông chánh án tỉnh cho rằng trong 385,6 m2 diện tích của phần đất tranh chấp có đến 362,3 m2 thuộc phạm vi lộ giới, không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. “Tại thời điểm giải quyết vụ án của bà An thì đất trong phạm vi lộ giới không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Nếu ông Quang, bà An có yêu cầu nhà nước tạm giao phần đất trong phạm vi lộ giới cho mình sử dụng thì được quyền yêu cầu UBND cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết” - thông báo này nêu rõ.
Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu thừa nhận tòa xử sai thẩm quyền nhưng không khắc phục hậu quả
Căn cứ theo thông báo của chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu, có nghĩa tòa chỉ có thẩm quyền giải quyết phần 23,3 m2 đất tranh chấp giữa các đương sự mà thôi. Như vậy, khi tòa tòa tuyên buộc bị đơn trả cho nguyên đơn với diện tích đất nói trên tức là nguyên đơn thắng kiện chứ không phải thua kiện như nội dung án đã tuyên. Mặt khác, bản án còn buộc nguyên đơn thua kiện phải chịu án phí theo định mức giá trị của 362,3 m2 đất không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa, tương ứng với số tiền phải nộp là hơn 44,6 triệu đồng. “Nếu như theo thông báo trả lời khiếu nại của ông chánh án TAND tỉnh thì tôi đâu phải là người thua kiện. Vì sao không thuộc thẩm quyền mà trong quá trình xử án tòa vẫn không bỏ phần diện tích đất lộ giới ra mà vẫn xử cho tôi thua kiện, buộc tôi phải đóng án phí? Tòa đã nhận sai thì phải hoàn lại án phí cho tôi” - bà An đặt vấn đề.
Để làm rõ thêm thông tin, phóng viên Báo Người Lao Động đã nhiều lần liên hệ bằng điện thoại và trực tiếp đến TAND tỉnh Bạc Liêu để làm việc với ông Dương Công Lập, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu, nhưng ông Lập từ chối tiếp xúc.
l
TAND tỉnh Bạc Liêu phải kiến nghị hủy án của chính mình
Theo luật sư Lê Thanh Thuận (Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau), bản án nói trên có hai cái sai chính. “Thứ nhất là sai số liệu, có quyền đính chính theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 38 Nghị quyết số 05/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Thứ hai là xử sai thẩm quyền, làm sai bản chất vụ án nên không thể đính chính mà chỉ có thể kiến nghị TAND Tối cao hủy án để xét xử lại. Trong trường hợp này, nếu TAND tỉnh Bạc Liêu không kiến nghị hủy án lại tiếp tục nảy sinh thêm cái sai nữa là vấn đề án phí. Bởi lẽ, nếu tòa thừa nhận xử sai thẩm quyền diện tích đất 362,3 m2 (cho là thuộc lộ giới) thì tòa không được thu án phí đối với phần đất này, phải trả lại phần án phí đã thu cho đương sự. Để khắc phục được hậu quả này, không còn cách nào khác là phải kiến nghị hủy án” - luật sư Thuận nói.
Bình luận (0)