Trận mưa lũ lịch sử trong hơn 40 năm qua đã khiến hầu hết các địa phương tại tỉnh Quảng Ninh tan hoang. Mưa lũ đi qua để lại cho Quảng Ninh bài học lớn về công tác quy hoạch đô thị, hệ thống thoát nước, kè chắn, hồ lắng, an toàn bãi thải ngành than.
Quy hoạch đô thị lộn xộn
Chưa khi nào người dân Quảng Ninh phải đối mặt với trận mưa lũ lớn đến như vậy. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, kết thúc đợt mưa lũ, Quảng Ninh đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề với 17 người thiệt mạng, 32 người bị thương; 104 ngôi nhà bị đổ; 9.046 nhà bị ngập, phải sơ tán... Ngành than bị trôi sạt 300.000 m3 đất đá, ngập 3 trạm xử lý nước, trôi hàng vạn tấn than; hơn 30.000 thợ mỏ phải tạm nghỉ việc. Ước tính thiệt hại khoảng 2.700 tỉ đồng, trong đó ngành than là 1.200 tỉ đồng.
Theo nhận định của tỉnh Quảng Ninh, đợt mưa kéo dài đỉnh điểm từ ngày 26 đến 29-7 là hiện tượng thiên tai chưa từng có kể từ 40 năm trở lại đây. Lượng mưa một số nơi đạt trên 1.000 mm cộng với nước mưa không có chỗ tiêu thoát hoặc thoát chậm gây ra tình trạng ngập úng trên diện rộng, sạt lở đất đá vùng triền đồi.
Lý giải về nguyên nhân, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cho biết do quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu tính kết nối giữa các đô thị, khu vực khai thác, sản xuất cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh làm diện tích mặt đất tự nhiên bị thu hẹp là những nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Ngoài ra, việc quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật còn chủ quan; kỹ năng ứng phó với thiên tai của người dân hạn chế…
Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng ngoài những nguyên nhân trên còn có sự góp phần của chính con người. “Những gì xảy ra, để lại dấu vết cho thấy rõ quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo các tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Công tác quản lý xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật còn chủ quan, lỏng lẻo. Nhiều công trình không chấp hành nghiêm túc các quy định quá trình xây dựng, gây mất ổn định tại các triền dốc…” - ông Hùng dẫn chứng.
Theo ông Hùng, khu đô thị Ao Cá, phường Cao Thắng, TP Hạ Long là ví dụ điển hình về quy hoạch vùng dân cư rất bất hợp lý, không bảo đảm an toàn khi có mưa bão lớn. Khu đô thị này hình thành tại vùng trũng ngập nhưng không có hạng mục tiêu thoát nước đủ lớn để đổ nước ra vùng sâu hơn. Trong khi đó, quá trình thi công khu đô thị Đồi Chè ở phía trên gây sạt lở, biến cả khu Ao Cá thành ao chứa nước lũ.
Một số khu đô thị lấn biển trải dài từ Cọc 3 - Cọc 8 thuộc TP Hạ Long cũng vậy. Những tuyến đường bao biển vô tình trở thành con đê kiên cố khiến nước mưa không có đường thoát ra biển và hậu quả xảy ra úng ngập. Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nhìn nhận hậu quả sau trận mưa lũ đã chỉ ra nhiều nhược điểm trong quy hoạch đô thị, các tuyến dân cư của Quảng Ninh.
Lo ngại các bãi thải
Trận mưa lũ lịch sử vừa qua cũng để lại nhiều nỗi lo về vấn đề chất thải, xử lý bãi thải than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Nhiều thập kỷ khai thác than nhưng đến nay, TKV vẫn chưa hoàn thành điều chỉnh quy hoạch ngành; một số vị trí đã có quy hoạch thì chưa triển khai thực hiện. Do đó, chưa thể kết nối được hoặc kết nối đồng bộ giữa hạ tầng sản xuất than và hạ tầng đô thị Quảng Ninh. Đáng chú ý hơn cả là vấn đề chất thải, xử lý thải của TKV đang là mối đe dọa thường trực đối với các khu dân cư xung quanh mỗi khi mưa bão. Việc đổ thải chưa tuân thủ thiết kế được duyệt, hệ thống thoát nước, kè chắn, hồ lắng cho các bãi thải thiếu đồng bộ đã dẫn đến hậu quả gây ngập úng khai trường và sạt lở xuống các khu dân cư xung quanh.
Hàng triệu m3 đất thải của TKV tích tụ suốt mấy chục năm qua nằm sừng sững trong lòng TP Cẩm Phả, nơi có hàng chục vạn dân sinh sống nhưng sự an toàn của núi thải chỉ được bảo vệ bởi đập chắn thải 790 èo uột. Trong trận mưa vừa qua, nước lũ đã tạo dòng chảy lớn, bùn thải mỏ Mông Dương bục vỡ, tràn qua đập chắn khiến nhà của 100 hộ dân phía dưới bị bùn, đất vùi lấp.
Ông Lê Quang Hùng cho rằng tỉnh Quảng Ninh cần chỉnh sửa các quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển ngành than đúng với thực tế, lấy trận lũ này làm phép phản biện cho các quy hoạch. Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, thừa nhận hiện các quy hoạch đang bộc lộ nhiều bất cập như cấp, thoát nước, đặc biệt là quy hoạch về điểm dân cư an toàn. Việc quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật cũng còn chủ quan. Ông Hậu khẳng định tỉnh sẽ nghiêm túc rà soát, xem xét lại hiện trạng quy hoạch đô thị, qua đó có những giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt, sạt lở trong đô thị và các khu dân cư ven biển.
Rút ra nhiều bài học từ đợt mưa lũ lịch sử, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu TKV sớm hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch phân khu khai thác. Trong đó phải xác định rõ khu khai thác, bãi đổ thải, khu vực có nguy cơ sụt lún, không bảo đảm môi trường đồng thời xác định hành lang an toàn bảo vệ môi sinh các khu dân cư. “Tỉnh cũng sẽ phối hợp tốt với ngành than trong việc quy hoạch lại các bãi thải nhằm bảo đảm an toàn cho các khu vực khai thác than, khu dân cư phụ cận” - ông Hậu nhấn mạnh.
Bài học đắt giá
Đại diện TKV thừa nhận thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua là bài học đắt giá. Ngành than đang phải thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài như gia cố đập chắn, nạo vét bãi chứa; về lâu dài phải hoàn thiện quy hoạch chung, nghiên cứu lại toàn bộ các quy chuẩn tiêu chuẩn trong thiết kế các bãi thải.
Bình luận (0)