Sau khi xảy ra vụ 7 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương chết đuối trong chuyến đi dã ngoại ở TP HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bình Dương yêu cầu các trường dừng mọi cuộc tham quan, dã ngoại cho đến hết năm học.
Mơ một lần được trường tổ chức dã ngoại
Phòng GD-ĐT huyện Dầu Tiếng cũng tổ chức một cuộc họp với hiệu trưởng các trường để mổ xẻ khuyết điểm và đặt ra những vấn đề cần chấn chỉnh gấp trong công tác tổ chức tham quan, dã ngoại.
Trong khi đó, tại tỉnh Phú Yên, các trường rất dè chừng khi tổ chức hoạt động ngoại khóa này. Một học sinh lớp 10 chuyên Anh ở Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cho biết: Suốt 4 năm học ở Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Tuy Hòa), trường chưa một lần cho học sinh đi tham quan, dã ngoại hay cắm trại.
“Trường sợ tai nạn xảy ra và phải mang tiếng. Hơn 5 năm trước, trong một lần cắm trại ở trường, một học sinh từ hồ bơi lên bị trượt chân, đập đầu gây chấn thương sọ não, tử vong. Từ đó, trường cấm hẳn” - học sinh này kể.
Hai học sinh lớp 6 Huỳnh Hoàng Hảo và Huỳnh Phương Thảo Nguyên ở Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (TP Tuy Hòa) cho biết nhiều học sinh ở trường mơ ước được một lần trường tổ chức tham quan, dã ngoại nhưng theo các anh chị lớp trên, lâu lắm rồi chẳng có.
“Chúng em nghĩ đi như thế sẽ học hỏi được nhiều hơn nhưng không hiểu sao trường lại không tổ chức” - Hảo băn khoăn.
Thầy Võ Xuân Ánh, Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (TP Tuy Hòa), cho rằng: “Nhà trường đặt ra nhiều quy định chặt chẽ. Trước khi tham quan phải có nội quy, quy chế, phải được sự đồng ý của phụ huynh; thầy cô đi cùng cam kết bảo đảm an toàn cho học sinh thì mới được đi. Vì nhiều thủ tục nên thầy cô ngại”.
Ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, nhận định tham quan, dã ngoại là chương trình giáo dục ngoại khóa cần thiết và hữu ích đối với học sinh. “Nếu nhà trường bảo đảm được an toàn thì không lý do gì phải cấm hay hạn chế” - ông Thư nói.
Đừng nhốt học sinh trong lớp học!
Là giám đốc một công ty chuyên tổ chức tham quan, dã ngoại cho học sinh ở tỉnh Bình Dương, ông N.V.N cho rằng nếu chỉ vì chuyến dã ngoại gây chết người mà phủ nhận sự hữu ích của hoạt động dã ngoại là thiếu công bằng. “Các em rất mê cảnh vật mới lạ. Học phải đi đôi với chơi. Hoạt động dã ngoại ở nước ngoài rất được chú trọng. Nó làm cuộc đời học thêm đẹp, đáng nhớ, làm quan hệ bạn bè thêm gắn kết. Đó là quyền lợi của trẻ thơ mà người lớn không thể cấm cản” - ông N. nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng hoạt động dã ngoại rất cần thiết để phát triển học sinh toàn diện nên không thể nhốt các em cả năm trong 4 bức tường trên lớp, cần tạo cho các em không gian để hiểu nhau hơn.
Đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết mỗi năm, trường tổ chức 2 chuyến đi, có đợt đến 2.000 học sinh trên 70 xe. Những chuyến đi này không chỉ giúp các em có thêm những thông tin bổ ích ngoài sách vở mà còn là dịp để giao lưu, chia sẻ tình cảm với bạn bè, thầy cô.
Không quay lưng với các hoạt động dã ngoại nhưng nhiều trường học tại Hà Nội và Phú Yên đều lên kế hoạch chi tiết khi tổ chức dã ngoại và xác định an toàn cho học sinh là trên hết trong các chuyến đi. Trường THPT Lê Lợi (TP Tuy Hòa) chỉ tổ chức cho học sinh thăm một số di tích ở địa phương và đi về trong ngày. Mặt khác, trường phân công thầy cô quản lý từng học sinh.
Để đề phòng tai nạn, Sở GD-ĐT TP Hà Nội đã ra văn bản nhắc nhở các trường nên lựa chọn địa điểm tham quan có khoảng cách vừa phải, giao thông thuận tiện, địa hình bằng phẳng; không đưa học sinh đến các khu vực tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như sông hồ, hẻm núi, vách đá...
Trước khi đưa đoàn đi, các trường phải cử đoàn tiền trạm cũng như lên các phương án bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức sơ cấp cứu. Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng yêu cầu các trường phải huy động tối đa lực lượng giáo viên, cán bộ nhà trường, phụ huynh tham gia để trông coi các em, đồng thời phối hợp ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm lớp nắm hoạt động của học sinh, chú ý quản lý các nhóm học sinh nhỏ lẻ khi vui chơi cũng như phối hợp đơn vị quản lý các điểm đến để có sự chuẩn bị chu đáo.
“Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải giáo dục ý thức kỷ luật, trang bị những kiến thức và cách xử lý các tai nạn thường gặp như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc thực phẩm... để các em biết tự bảo vệ, phòng tránh thương tích cho chính mình và cho các bạn” - lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hà Nội nhắc nhở.
TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ thêm kinh nghiệm của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng khi đưa học sinh đi dã ngoại là phải cho các em thấm nhuần nội quy. “Học sinh ngủ nhưng giáo viên, phụ huynh phải thức suốt đêm để “canh” học trò và con em mình. Các em đang trong độ tuổi hiếu động, hay nghịch dại; một số em ý thức tổ chức kỷ luật kém, thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống cộng với tâm lý chủ quan nên rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc” - TS Lâm nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-1
Cứu hộ bờ biển chưa tốt
Thầy Võ Xuân Ánh cho biết trong các giải pháp hạn chế tình trạng học sinh ở trường bị đuối nước có việc nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường cứu hộ, cứu nạn bờ biển. Theo ông Ánh, hiện đã có một đội cứu hộ bờ biển được trả lương nhưng thực hiện chưa tốt, để xảy ra nhiều trường hợp chết đuối ở biển TP Tuy Hòa. “Họ cứu hộ không thường xuyên. Nhiều khi người tắm rất đông nhưng không thấy cứu hộ ở đâu” - ông nói.
Bình luận (0)