ĐB Huỳnh Ngọc Đáng: Tự xử là quan niệm và hành vi xấu đáng lên án nhưng cho thấy đang xuất hiện những lo ngại mới về lòng dân
Đại biểu (ĐB) Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) thẳng thắn nhận định đời sống văn hóa, xã hội của đất nước có nhiều vấn đề bức xúc, gần đây lại có thêm những sự kiện ngày càng gây thêm bức xúc. Đó là tâm trạng bất an và sự suy giảm niềm tin của người dân với Nhà nước mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân tự xử.
Theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng, tự xử là quan niệm và hành vi xấu đáng lên án vì vi phạm pháp luật. Là người Việt Nam, chúng ta xấu hổ và lo lắng với những sự kiện tiêu cực đó nhưng về mặt chính trị và pháp lý cho thấy đang xuất hiện những lo ngại mới về lòng dân. Tuy nhiên, cũng khó trách người dân vì nguyên nhân chính của tâm trạng xã hội này bắt nguồn từ vai trò quản lý của nhà nước còn mờ nhạt, yếu kém.
Theo ĐB Đáng, đơn cử như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đến 2 bộ quản lý vẫn chưa hiệu quả. Bảo người dân phải nên tự bảo vệ mình, phải trở thành người tiêu dùng thông thái. “Nói như vậy là không sai nhưng rõ ràng quản lý nhà nước đang có dấu hiệu bất lực” - ĐB Huỳnh Ngọc Đáng phân tích.
Người ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đi trên Quốc lộ 1A ngày 27-10 vừa qua, giăng băng rôn phản đối việc khai thác cát làm sạt lở nặng cửa biển khiến tàu bè không ra vào được - Ảnh: Tử Trực
Dấu hiệu khác thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý là Nhà nước lại thỉnh thoảng ban hành những văn bản pháp quy có những nội dung hết sức ngớ ngẩn, trong khi đó còn nợ dân số lượng quá lớn các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Để khắc phục hiện trạng suy giảm niềm tin và tự xử trong dân, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng chỉ có một cách duy nhất là phải thực hiện có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước từ khâu xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật đến xử lý thường xuyên, có hiệu quả các vụ việc và phải chứng tỏ quản lý nhà nước luôn chỉ vì dân và công bằng với dân. Quản lý nhà nước cũng không nên theo kiểu phong trào, khi có việc thì cán bộ cấp cao, cấp thấp đổ xuống đầy chợ, báo đài đưa tin sôi động nhưng đến trưa chiều thì đâu lại vào đó.
Cùng mối băn khoăn này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) muốn đi sâu phân tích tình trạng cán bộ ngày càng xa dân, ít nghe ý kiến của người dân.
Theo ĐB này, dân nói ngày xưa cán bộ mình phải chui vào nhà dân lấy tiếp tế lương thực để ăn, lấy thông tin để đánh địch. Bây giờ hoà bình lập lại, dân đóng thuế nuôi cán bộ, mua điện thoại cho cán bộ, trả tiền điện thoại cho cán bộ nhưng dân gọi không nghe, cán bộ bảo không bao giờ nghe số lạ. Đơn thư gửi lên chưa chắc đã đến được lãnh đạo, qua kênh tiếp dân cũng khó gặp được lãnh đạo cao cấp, điện thoại trực tiếp lãnh đạo không nghe.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Cán bộ ngày càng xa dân, ít nghe ý kiến của người dân
Vì vậy, thực trạng xã hội người dân rất băn khoăn, có những vấn đề kêu hàng chục năm không ai giải quyết. “Bộ máy chính quyền đầy đủ từ trên xuống nhưng cái tầu hút cát chạy rầm rầm suốt ngày đêm, dân kêu lại bảo “tôi đi giám sát không thấy”, thế là cái gì? Bộ máy của chúng ta quan liêu, tham nhũng cho nên dân phải đứng dậy chống lại mình” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền bức xúc.
Còn theo ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), phải kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật để củng cố lòng tin của nhân dân. Người dân rất bức xúc khi cuộc sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, thu nhập đầu người chỉ 200 USD/năm, thấp xa so với mức bình quân chung cả nước là 1.600 USD/người/năm.
Trong khi một bộ phận nhân dân phải cật lực lao động trang trải cho cuộc sống hàng ngày thì những khoản thất thoát, chiếm dụng ngân sách nhà nước lên tới hàng ngàn tỉ đồng. “Có những nơi, người dân chỉ dám dùng điện cho những bữa cơm chiều nhưng cũng phải gánh thêm tiền xây dựng biệt thự, sân tennis. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, cuộc sống thiếu an toàn đang gây tâm lý lo lắng trong xã hội” - ĐB Nguyễn Thanh Thụy nhấn mạnh.
Bình luận (0)