Ngày 1-10, Ban Dân nguyện của Quốc hội (QH) đã họp cho ý kiến về báo cáo kết quả giải quyết 528 khiếu nại, tố cáo tồn đọng phức tạp, kéo dài do Thanh tra Chính phủ trình bày.
Bồi hoàn cho dân trên 1.300 tỉ đồng
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Đức Hạnh, cho biết đã rà soát toàn bộ 528 vụ, giải quyết được gần 90%; hiện chỉ còn 62 vụ phức tạp, cần sự thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Thông qua giải quyết những vụ khiếu nại, tố cáo này, các cấp, ngành và địa phương đã khôi phục quyền lợi, hỗ trợ cho người dân 1.389,2 tỉ đồng và 34,33 ha đất sản xuất; trong đó đã thực hiện chi trả 3,6 tỉ đồng và 5,4 ha đất.
Băn khoăn với con số trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, ông Đỗ Mạnh Hùng, cho rằng số tiền chi trả còn hạn chế so với số tiền mà người dân đáng được nhận. Tán đồng, Phó Ban Dân nguyện của QH, ông Bùi Nguyên Súy, đề nghị đối với vụ việc tồn đọng kéo dài, sau đó kết luận người dân đúng thì phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan hành chính. “Hơn nữa, với số tiền trên 1.300 tỉ đồng và hàng chục hécta đất bồi hoàn cho dân thì ngân sách phải chi trả là không thỏa đáng!” - ông Súy nói. Cũng theo ông Súy, cho đến nay chưa thấy người đứng đầu cơ quan hành chính nào bị xử lý khi để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài.
Trước bức xúc của ông Súy, ông Nguyễn Đức Hạnh cho rằng do nhiều cán bộ liên quan đã qua đời hay nghỉ hưu và một số vụ việc kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, thế hệ... Mặt khác, quy định hiện hành cũng chưa đủ chế tài để xử lý người đứng đầu cơ quan hành chính thiếu trách nhiệm, chẳng hạn như không tiếp dân đủ số lần theo quy định. Không đồng tình giải thích trên, ông Bùi Nguyên Súy nói: “Giải quyết vụ việc khiếu kiện tồn đọng và chỉ ra được các địa chỉ chịu trách nhiệm, đó mới là tầm của Thanh tra Chính phủ”.
Lo ngại phát sinh
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Ban Dân nguyện của QH, giám sát từ nhiều địa phương cho thấy đã phát sinh rất nhiều vụ việc còn phức tạp hơn, nếu không kịp thời giải quyết sẽ lại “bổ sung” vào danh sách 528 vụ tồn đọng. Còn ông Hà Công Long, Phó Ban Dân nguyện của QH, lo ngại những vụ việc đã được giải quyết nhưng không kiểm tra, giám sát kỹ, dẫn đến kết quả chưa thỏa đáng thì người dân vẫn tiếp tục đến cơ quan công quyền.
Cùng quan ngại về khiếu kiện dai dẳng, ông Đỗ Mạnh Hùng nêu thực tế những vụ tranh chấp đất đai để xảy ra bạo lực tạo tâm lý không tốt trong dư luận. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Chu Phạm Ngọc Hiển giải thích cái gốc của những vụ khiếu nại đất đai chính là việc người dân cho rằng bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng hay thu hồi đất chưa thỏa đáng. Vì vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được xây dựng đã quan tâm nhiều hơn đến quyền và lợi ích của dân.
Về đất đai nông lâm trường, Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển thừa nhận công tác quản lý rất lỏng lẻo. Để ngăn chặn nạn “phát canh thu tô” (nông lâm trường khoán trắng đất cho người dân, để dân tự đầu tư sản xuất và giao nộp một khoản chi phí bắt buộc), Bộ TN-MT đã đề nghị Chính phủ phê duyệt dự án đo vẽ và lập hồ sơ địa chính đối với loại đất diện tích không nhỏ nhưng có nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng.
Về việc giải quyết 528 vụ khiếu kiện tồn đọng, kéo dài, Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục báo cáo Ủy ban Pháp luật của QH trước khi báo cáo tại kỳ họp QH sắp khai mạc.
Bình luận (0)