xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quyền đình công vẫn bị hạn chế

Thái An

Trong 1.000 cuộc đình công diễn ra vào thời gian vừa qua, đa số xuất phát từ tranh chấp về quyền. Vậy tại sao chỉ những cuộc đình công xuất phát từ tranh chấp về lợi ích mới được coi là hợp pháp?

Nên hay không nên phân định tranh chấp lao động tập thể thành hai loại tranh chấp: tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích? Câu hỏi này đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách dành nhiều thời gian trong ngày hôm qua, 10-8, để “mổ xẻ” khi thảo luận dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động liên quan đến đình công và giải quyết đình công.

Tranh chấp lao động về lợi ích mới được đình công?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, cho biết đến nay vẫn tồn tại hai luồng ý kiến khác nhau về phân chia khái niệm tranh chấp lao động tập thể. Tranh chấp lao động là những tranh chấp về quyền và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động giữa người lao động, tập thể lao động với người sử dụng lao động... Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp lao động về việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác mà tập thể lao động cho rằng người sử dụng lao động vi phạm.

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp lao động về việc xác lập các điều kiện lao động mới có lợi hơn cho người lao động với quy định của pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác ở doanh nghiệp trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.

Một số ý kiến khẳng định: Nếu không phân biệt thì việc giải quyết các vụ tranh chấp lao động dẫn tới đình công sẽ rất phức tạp. Việc phân định này cũng tương thích với pháp luật lao động quốc tế, hội nhập kinh tế. Theo kinh nghiệm nhiều nước, các tranh chấp lao động tập thể về quyền do người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động được giải quyết dứt điểm theo cơ chế giải quyết tranh chấp lao động thông qua hệ thống các cơ quan giải quyết tranh chấp. Tòa án là cơ quan phán xét cuối cùng. Trong trường hợp này, người lao động không được tổ chức đình công.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng chỉ nên quy định đơn giản: Tranh chấp lao động là những tranh chấp về quyền và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động giữa người lao động, tập thể lao động với người sử dụng lao động. “Quyền nhiều khi đi đôi với lợi ích. Việc chia ra hai loại tranh chấp để chỉ cho đình công khi có tranh chấp về lợi ích là đã hạn chế quyền của người lao động” – ĐB Nguyễn Nghiễm (Bình Phước) tranh luận. “Phải coi đình công là quyền tối thiểu của người lao động.

Ngoài vũ khí đó ra, họ không có vũ khí nào khác” – nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc (ĐB TPHCM) đồng tình. Ông nói rằng: Việc đưa ra loại tranh chấp lao động về quyền hay lợi ích phải xem xét lại. Theo Ủy ban Thường vụ QH, bảo vệ quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng trong thực tế, quyền và lợi ích người lao động luôn gắn kết với nhau, đan xen nhau nên rất khó để phân biệt giữa hai khái niệm.

Hơn nữa, ở VN, quan hệ lao động mới hình thành, trình độ nhận thức về pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động còn thấp, hoạt động Công đoàn cơ sở còn hạn chế, chức năng quản lý Nhà nước như kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật lao động còn nhiều bất cập. Vì vậy, việc phân định thành hai loại tranh chấp lao động tập thể có thể đúng về mặt lý thuyết. Chỉ cho phép đình công khi có tranh chấp về lợi ích là hạn chế quyền đình công của người lao động. Đồng thời, các cuộc đình công xảy ra như thời gian vừa qua sẽ khó giải quyết và dễ đẩy người lao động tới hành vi vi phạm pháp luật.

Cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ còn mờ nhạt

“Chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng, hoạt động của tổ chức CĐ vì thế còn gặp khó khăn. Có nơi cán bộ CĐ bị chủ doanh nghiệp trù úm, gây khó khăn” – ĐB Nguyễn Văn Trì nhận xét.

Nhiều ĐBQH đề nghị bổ sung thêm các quy định về bảo đảm việc làm và tiền lương cho cán bộ CĐ cơ sở để cán bộ CĐ không bị người sử dụng lao động chi phối hoặc không bị thay đổi việc làm trong thời gian là cán bộ CĐ. Tuy nhiên, Ban Soạn thảo dự luật cho rằng việc quy định cán bộ CĐ cơ sở được trả lương để không phụ thuộc vào việc trả lương của người sử dụng lao động không phù hợp với cơ chế thị trường, không bảo đảm sự gắn bó của người đại diện với tập thể lao động tại doanh nghiệp. Như vậy sẽ càng gây khó khăn hơn cho hoạt động CĐ tại các doanh nghiệp.

CĐ là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động, do đó CĐ đương nhiên khởi xướng và lãnh đạo đình công. Tuy nhiên, đối với những nơi chưa có tổ chức CĐ thì ai là người đại diện cho họ? Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Duy Đồng giãi bày: Nhìn lại trên 1.300 cuộc đình công những năm qua, có thể nói số cuộc đình công phát triển tương ứng với số lượng doanh nghiệp tăng lên. Đình công thời gian qua là tự phát, nhưng không phải là không có tổ chức. Đó là tổ chức không minh bạch vì không có sự lãnh đạo của CĐ và do người lao động tự tổ chức. Rất nhiều cuộc đình công do người lao động tự tổ chức, không cần sự khởi xướng, lãnh đạo của CĐ và thành công, như vậy chúng ta có thừa nhận thực tế này không?

Đình công hợp pháp, vẫn phải trả lương cho người lao động!

“Phần lớn các cuộc đình công thời gian vừa qua đều bất hợp pháp, đây là vấn đề phải cân nhắc kỹ” - ĐB Võ Minh Phương (Lâm Đồng) trăn trở. Ý kiến này được ĐB Nguyễn Đình Lộc lý giải: Bộ Luật Lao động ra đời năm 1995, lúc ấy chúng ta bị ảnh hưởng bởi việc khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, lúc bấy giờ trong xã hội còn quan niệm ở VN làm gì phải đình công, đình công là điều bất bình thường. Vì vậy, những quy định về đình công rất khắt khe.

Dự thảo quy định, người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. “Không có chuyện thỏa thuận khác, đã là đình công được tòa án tuyên hợp pháp thì phải trả lương cho người lao động” – ĐB Nguyễn Nghiễm dứt khoát.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo