Nhằm bảo đảm việc đi lại cho người dân được an toàn trong dịp lễ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, từ hôm nay (16-8) đến ngày 15-9, Cục CSGT (C67, Bộ Công an) phối hợp với công an các tỉnh, thành đồng loạt ra quân triển khai kế hoạch đợt cao điểm xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên toàn quốc.
Huy động tối đa lực lượng
Theo kế hoạch, trong tháng cao điểm, công an các địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm TTATGT, hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông, giúp người dân đi lại an toàn, thông suốt trong dịp nghỉ lễ.
Đáng chú ý là tại 4 TP lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ, C67 - Bộ Công an phối hợp với công an các địa phương tập trung chốt chặn, kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông tại khu vực gần nhà hàng, quán rượu bia vào khung giờ cao điểm, từ 11 đến 14 giờ và từ 16 đến 21 giờ.
Tại các địa phương khác có nhiều khách du lịch đến tham quan, vui chơi và trên các tuyến giao thông trọng điểm như Quốc lộ (QL) 1, QL 5, QL 10, QL 18, QL 20, QL 51, các tuyến đường bộ cao tốc, lực lượng CSGT cũng tập trung kiểm tra, xử lý hành vi lái xe uống rượu bia quá nồng độ cồn quy định cùng với các lỗi vi phạm khác như: điều khiển xe chạy quá tốc độ; xe dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh, tín hiệu giao thông…
Tại Hà Nội, ngày 15-8, Phòng CSGT Hà Nội đã tổ chức lễ ra quân đợt cao điểm xử lý vi phạm. Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội, cho biết phòng sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, CSGT sẽ xử lý mạnh các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo quy định. Việc xử phạt áp dụng ngay trong ngày đầu ra quân.
Nặng tay để hạn chế tai nạn
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng C67 -Bộ Công an, nhấn mạnh đợt cao điểm này thực hiện theo Nghị định 46/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (hiệu lực thi hành từ ngày 1-8) và chỉ đạo của Ủy ban ATGT quốc gia. Mức xử phạt theo Nghị định 46 cao hơn Nghị định 171/CP trước đây chính là một trong những công cụ để mọi người biết chấp hành pháp luật, biết sợ hơn. “Việc ra quân không chỉ trong thời gian này mà sẽ duy trì thường xuyên để bảo đảm tình hình an ninh trật tự, tránh được TNGT xuất phát từ rượu bia” - Thiếu tướng Hà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, nhìn nhận việc kiểm soát uống rượu bia để giảm TNGT vẫn được C67 triển khai nhiều lần từ trước đến nay, nhất là những dịp cao điểm nhưng… chưa được rõ nét lắm. Ông Thái đánh giá: “Lần này thực hiện theo kế hoạch của Bộ Công an, nội dung cụ thể hơn, thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo Bộ Công an. C67 cũng đã trao đổi ý kiến với Ủy ban ATGT quốc gia và chúng tôi rất ủng hộ”.
Theo ông Thái, việc người uống rượu bia, sau đó điều khiển phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây TNGT. Đặc biệt ở những thành phố lớn, người tham gia giao thông vi phạm sử dụng rượu, bia vượt quá mức cho phép rất nhiều. Vì vậy, cần phải triển khai các chiến dịch vừa kết hợp tuyên truyền lẫn cưỡng chế để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông nhằm hạn chế vi phạm và thực hiện phương châm “đã uống rượu, bia là không lái xe”. Dù vậy, ông Thái cũng cho rằng để kiểm soát việc uống rượu, bia tại khu vực gần các hàng quán có hiệu quả thì lực lượng CSGT phải thực hiện thường xuyên hơn chứ không chỉ thông qua các đợt cao điểm hay kế hoạch ngắn hạn rồi bỏ giữa chừng.
Phạt cao nhất tới 18 triệu đồng
Theo Nghị định 46/CP, người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở (kể cả trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ) sẽ bị phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng. Với lỗi vi phạm nồng độ cồn nói trên, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng.
Bên cạnh đó, phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/l khí thở.
Bình luận (0)