Ông Nguyễn Văn Xứ (55 tuổi, trú thôn 12, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) phát hiện và bắt được rắn lục đuôi đỏ trong vườn cà phê nhà mình, kể lại: “Mấy ngày gần đây, trời chuyển những cơn mưa đầu mùa nên người dân ráo riết (thồ) chở phân bón cho cây cà phê, trà, dâu tằm. Trong lúc bón phân, tôi phát hiện con rắn ẩn trong cành cà phê mổ một cái xoẹt qua tai, rất may lúc đó có vành nón lá che chắn nên không bị cắn trúng. Sau vài giây, tôi lấy lại bình tĩnh và dùng cành cà phê đánh chết con rắn. Tôi đã căn dặn người nhà cẩn thận quan sát trong những cây cà phê rậm rắn lục thường ngụy trang để săn mồi…”.
Trước đó, ngày 20-5, bà Phan Thị Sum (ngụ phường 3, TP Đà Lạt) đã có phen hoảng hốt trước sự xuất hiện con rắn lục đuôi đỏ ngay trước cửa nhà, rất may không ai bị rắn tấn công nhưng phát hiện con chó có dấu hiệu co giật nghi bị rắn lục đuôi đỏ này cắn.
Trao đổi với chúng tôi trước tình trạng tâm lý người dân hoang mang, lo lắng, bác sĩ Phan Thạch Khuê, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực ngộ độc, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, khuyến cáo: “Tỉnh Lâm Đồng đang bước vào thời điểm đầu mùa mưa nên xuất hiện nhiều côn trùng, rắn, rết độc hại. Cách tốt nhất để người dân đề phòng bị rắn cắn bằng cách phát quang bụi rậm quanh nơi ở, kiểm tra các nơi tối trong nhà, buổi tối khi đi ra ngoài cần có đèn pin và nâng cao cảnh giác”.
Theo bác sĩ Khuê, nạn nhân khi bị rắn cắn không nên hoảng loạn cần đưa ngay người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để tiêm huyết thanh bởi hợp chất này phát huy tác dụng tốt nhất trong khoảng 4 giờ sau khi bị rắn cắn. Đặc biệt, khi sơ cứu cho nạn nhân, không nên sử dụng gạc garô hay rạch rộng vết thương để hút nọc độc. Cả hai việc làm trên sẽ khiến vết thương sưng to và dễ hoại tử hơn. Thay vào đó, chỉ cần dùng băng ép, tẩy sạch nọc độc bên ngoài và chuyển nạn nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Bình luận (0)