xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rất lo về vàng, nợ xấu

TÔ HÀ - THẾ DŨNG

Mức độ nợ xấu hiện đang rất nghiêm trọng, thị trường vàng còn nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý

Quản lý thị trường vàng, xử lý nợ xấu, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN) và lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng (NH)... là những vấn đề dư luận đang quan tâm đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra cho Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại phiên chất vấn ngày 13-11. Là người nắm chắc công việc, dù phần trả lời của “tư lệnh” ngành NH khá mạch lạc nhưng lại liên tục vấp phải sự phản ứng của các ĐB.

Tiêu diệt thị trường vàng

ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ), ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng đặt câu hỏi vì sao chưa đạt mục tiêu giá vàng trong nước sát giá thế giới? Dành khá nhiều thời gian diễn giải về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh thị trường vàng đã có những chuyển hóa tích cực sau Nghị định 24. Có thể kiểm chứng được là đã chấm dứt tình trạng buôn lậu, đầu cơ vàng, giá trong nước cao hơn 3-4 triệu đồng/lượng nhưng dân đầu cơ không còn gom ngoại tệ “đánh” vàng, góp phần ổn định tỉ giá, giảm lạm phát.
 
Một tác dụng khác là chỉ trong 4 tháng, hệ thống NH đã mua vào được 60 tấn vàng, tương đương 30 tỉ USD được “nung chảy” thành tiền, là cứu cánh cho tăng trưởng kinh tế năm 2012. “Mặc dù giá vàng trong nước chênh lệch lớn so với giá thế giới nhưng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, tỉ giá, lạm phát. Trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng không có vàng nên vàng không phải đối tượng phải bình ổn giá và chênh lệch lớn cũng không có lý do gì để bình ổn giá vàng” - Thống đốc quả quyết.
img
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết: “Thống đốc cứ nói hay, nói tốt, đừng nghĩ người dân không biết gì”. Ảnh: THẾ DŨNG

ĐB Nguyễn Văn Tuyết liền phản pháo: “Thống đốc cứ nói hay, nói tốt, đừng nghĩ người dân không biết gì. Nghị quyết của QH nói rõ cần điều hành sao cho giá vàng trong nước liên thông với giá thế giới, không để chênh lệch quá cao mà Thống đốc nói không phải liên thông, nghĩa là không thực hiện Nghị quyết QH”? Thống đốc Bình đáp lại: “Môi trường pháp lý đã thay đổi, việc nhập vàng không còn ý nghĩa thực tiễn nữa” và khẳng định không thực hiện liên thông giá vàng.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) bức xúc cho rằng với những giải pháp đang thực hiện, NH Nhà nước đang tiêu diệt thị trường vàng. “Thống đốc nói quản lý chất lượng vàng trước đây bỏ ngỏ, từ khi Thống đốc nhậm chức mới có cơ chế quản lý là bất công với Chính phủ” - ĐB Trần Du Lịch tỏ ra không hài lòng khi Thống đốc Bình quá tự tin. Lúc này, Thống đốc Bình mới dịu giọng phân trần: “Tôi không gắn sự chuyển biến của việc quản lý thị trường vàng với thời gian của tôi mà gắn với thời gian ban hành Nghị định 24. Mong ĐB hiểu cho đúng”.

“Đá bóng” nợ xấu qua Bộ Xây dựng

“Nóng” không kém giá vàng, nhiều ĐB sốt ruột đề nghị Thống đốc đánh giá tình trạng nợ xấu, nguyên nhân, phương hướng giải quyết và địa chỉ chịu trách nhiệm.

Thống đốc Bình cho biết nợ xấu gia tăng rất nhanh từ năm 2008 đến nay do dồn “toa” từ nhiều năm trước. Tính đến ngày 30-9, nhiều NH giấu nợ xấu nên báo cáo chỉ 4,93% tổng dư nợ nhưng giám sát của NH Nhà nước cho thấy nợ xấu hiện ở mức 8,82%. 73% dư nợ của hệ thống có tài sản bảo đảm, chủ yếu bằng bất động sản nên theo ông Bình, để giảm nợ xấu, quan trọng là phá băng bất động sản và trách nhiệm này thuộc Bộ Xây dựng.
 
Ông Bình còn gợi ý là phải giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm. Bất động sản trước đây chủ yếu phục vụ giới kinh doanh, đầu cơ, nay phải làm sao đưa được đến đúng người sử dụng để có người mua. Sốt ruột với cách trả lời lan man của Thống đốc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu ông Bình “khoanh vùng” lại mới làm rõ được vấn đề.

Trả lời câu hỏi của ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) về trách nhiệm của các NH và cá nhân Thống đốc khi để nợ xấu quá lớn, Thống đốc Bình khẳng định nếu quyết tâm thì chắc chắn sẽ làm nợ xấu không tăng thêm, có thể xử lý được nhưng không đơn giản. Trách nhiệm để xảy ra nợ xấu trước hết ở các HN cho vay, NH Nhà nước chỉ có trách nhiệm thanh tra giám sát. “Kỳ họp trước, Thống đốc không hứa khi nào xử lý xong nợ xấu, phải chăng không tin tưởng giải pháp thực hiện hay ngại vấn đề gì khác?” - ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) chất vấn. Tuy nhiên, ông Bình tiếp tục “né” khi cho rằng một mình NH không làm được, phải chờ ý chí quyết tâm chung, còn về phía NH Nhà nước đã làm hết các giải pháp thuộc trách nhiệm của mình.

ĐB Trần Du Lịch đã khuấy động nghị trường khi thẳng thắn phê bình: “Thống đốc trả lời theo logic chứ không theo cuộc sống. Nghe Thống đốc giải trình, niềm tin của tôi vào thị trường, vào sức bật cho nền kinh tế vượt qua khó khăn đã mất đi. Bởi vì Thống đốc còn xem nhẹ nợ xấu, siết tín dụng quá mức để DN rơi vào tình trạng co giật”. Đáp lại, Thống đốc Nguyễn Văn Bình “kể công” chính mình là người đầu tiên cảnh báo nợ xấu từ cuối năm ngoái… khiến Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phải lên tiếng: “Hai đồng chí cùng đánh giá mức độ nợ xấu nghiêm trọng, chỉ khác là đồng chí Lịch chưa tin tưởng vào giải pháp đang thực hiện”.

“Tôi sợ là ý kiến của Thống đốc không đúng!”

Một vấn đề rất quan trọng là làm thế nào để DN tiếp cận được vốn đã không được Thống đốc giải đáp thỏa đáng, đem lại sự yên tâm cho ĐBQH. ĐB Đàng Thị Mỹ Hương phải 2 lần đứng lên đặt câu hỏi nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn khẳng định đang “đốt đuốc không tìm được DN đủ điều kiện cho vay” song không thể cho vay dễ dãi làm tăng nợ xấu. Nhưng sau đó, chính Thống đốc lại nói “ĐBQH biết DN nào tốt đang cần vay vốn, thậm chí hơi yếu, cứ chỉ đến tôi, tôi chỉ đạo cấp tín dụng ngay”.
 
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương phản ứng: “Huy động vốn tăng 12% nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ hơn 3%, vậy tiền đi đâu? NH đặt mục tiêu chỉ cho vay khách hàng loại A, không được phát sinh nợ xấu thì tìm đâu ra đối tượng mà cho vay?”. Thấy Thống đốc lại sa đà diễn giải, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc ngay: “Ý kiến của ĐB và đồng chí chưa gặp nhau. Cần phải bám sát thực tế hơn để xem có chuyện DN tốt cần vay vốn mà không vay được hay không. Tôi sợ là ý kiến của Thống đốc không đúng đâu”.
 
Đến đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận việc thắt chặt chính sách tiền tệ trước đây khiến DN lâm vào tình trạng khó khăn nhưng chính sách vĩ mô không thể đáp ứng được mọi nhu cầu. Dẫn lại câu chuyện nhà kinh tế tìm ra bộ ba bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỉ giá và được trao giải thưởng Nobel, Thống đốc Bình nói rằng “chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu làm được 1 trong 2 nhiệm vụ này”.
 
 
Bất nhất về sự an toàn của đập Sông Tranh 2

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định “yên tâm” nhưng bên hành lang Quốc hội sau đó, chính ông thừa nhận “mình cũng chưa yên tâm”!

Ngay đầu phiên chất vấn vào  sáng 13-11, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) tiếp tục “truy” Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2: “Bộ trưởng phải nói rõ với quốc dân, đồng bào là đập Sông Tranh 2 có an toàn không? Nếu an toàn thì có thể chứng minh với dân bằng cách mời cán bộ lên ở mấy tháng.
Ngoài ra, tổ chức bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người dân bị ảnh hưởng động đất. Nếu đập chưa an toàn thì mua ngay bảo hiểm, phụ cấp độc hại cho dân. Ngoài ra, dù của đau con xót nhưng phải dừng ngay dự án này lại dù phải bỏ 5.100 tỉ đồng. Còn nếu đập vỡ, ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đập thủy điện Sông Tranh 2 được tuân thủ các quy trình về kiểm tra chất lượng từ khâu thiết kế, có tư vấn độc lập của Nhật Bản khẳng định đập an toàn. Dù vậy, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều trận động đất ở khu vực Bắc Trà My - Quảng Nam, tuy nhỏ hơn mức động đất mà đập chịu được là 5,5 độ Richter nhưng dân lo lắng. Trên quan điểm lấy an toàn là trên hết, an dân làm hàng đầu nên khi dân còn lo lắng thì Chính phủ không cho đập tích nước.
Bên cạnh đó, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đề nghị mời những nhà tư vấn có kinh nghiệm trên thế giới sang đánh giá về địa chất ở khu vực để có kết luận chính thức. Hiện nay, các nhà địa chất của Nga đã đến Sông Tranh 2 từ mấy ngày trước. Tiếp đó là các nhà tư vấn của Ấn Độ và Nhật Bản. Các nhà tư vấn sẽ tiến hành  nghiên cứu toàn diện và khẳng định động đất ở khu vực này có thể vượt quá 5,5 độ Richter không, nếu không thì sẽ tuyên truyền để bà con an tâm rồi mới cho tích nước.

 Đến đây, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời: Câu hỏi của ĐB Ngô Văn Minh là đập có an toàn không, dân có phải đi đâu không? Bộ trưởng Dũng trình bày: Hiện nay, nếu mực nước tràn là 161 m thì đập chịu gia tốc nền 350 cm/s2. “Dân không quan tâm đến các con số, họ chỉ quan tâm là ở hay là đi?” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cắt ngang. “Số liệu như vậy, nếu nước đến mực tràn thì hoàn toàn yên tâm. Bà con yên tâm ở đó, không phải đi đâu hết” -  Bộ trưởng Dũng trả lời.

 “Thông số kỹ thuật thì yên tâm và chưa cho tích nước đồng thời tiếp tục nghiên cứu. Kế hoạch này không phải 1 tháng, 1 ngày mà xong được. Vậy thì hiện tại đập có an toàn không?” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng hỏi tiếp. Bộ trưởng Dũng trả lời: “Nước đến mức cao trình thì gần như tuyệt đối an toàn. An toàn là chắc chắn và gần như tuyệt đối. Nhưng nếu có yếu tố đặc biệt, nếu động đất cao hơn 5,5 Richter thì nghiên cứu tiếp”. Cả nghị trường lại cười ồ. “Cám ơn bộ trưởng, vậy là cũng chưa biết nên đi hay ở. Những câu trả lời của bộ trưởng không làm ĐB Ngô Văn Minh yên tâm mà tôi cũng chưa yên tâm. Vấn đề này có nói tiếp thì cũng không có gì mới, tạm thời dừng lại. Đến kết thúc kỳ họp QH, đề nghị đồng chí Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có kết luận chính thức” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng kết luận.

Sau phần trả lời chất vấn, trả lời báo chí bên hành lang QH, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phân trần việc chưa cho tích nước là do bà con chưa yên tâm, người dân chưa yên tâm, các nhà khoa học còn có ý kiến khác nhau. “Các nhà khoa học khẳng định không có lý do gì nói là không an toàn. Chỉ có một yếu tố để người dân chưa yên tâm là vấn đề động đất, nếu cho mình ngồi dưới đó thì mình cũng không yên tâm chứ chưa nói đến người dân, cho nên phải thông cảm với bà con và phải quan tâm đến vấn đề như thế” - ông Dũng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Dũng, việc dãn thời gian để có sự tính toán một cách kỹ lưỡng hơn. “Phải đặt mục tiêu an toàn tính mạng người dân là số 1 vì làm thủy điện là vì người dân, mà làm xong người dân không yên tâm thì không thể làm thủy điện được. Chỉ một điều băn khoăn là động đất có quá 5,5 độ Richter không thì hiện nay đang mời các nhà khoa học hàng đầu có kinh nghiệm của thế giới đến để nghiên cứu đánh giá toàn diện về rung chấn, địa chấn ở khu vực Sông Tranh - Bắc Trà My” - ông Dũng nói.

ÔNG ĐẶNG PHONG, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN BẮC TRÀ MY - QUẢNG NAM:

Thà bỏ đập, không thể di dời 100.000 hộ dân

Nếu đập không bảo đảm an toàn thì phải hủy bỏ dự án chứ không thể di dời gần 100.000 hộ dân ở Bắc Trà My và vùng hạ du bị ảnh hưởng đến nơi mới được. Bởi lẽ, nếu di dời dân thì phải di dời toàn bộ số hộ dân nêu trên đến nơi ở mới cao hơn công trình của đập 175 m. Mà những khu vực này toàn là những vùng đồi núi, dốc đứng, đất cằn cỗi, không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân. Tìm địa điểm, lập phương án sơ tán di dời dân khi sự cố vỡ đập xảy ra đã khó khăn rồi, nói chi đến việc di dời toàn bộ dân đến nơi ở mới. Lúc đó, tiền di dời dân sẽ cao gấp nhiều lần vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng vào thủy điện, sẽ rất tốn kém. Vì vậy, trong khi chờ đợi kết luận chính thức về sự an toàn của đập, chủ đầu tư phải mua ngay bảo hiểm tính mạng cho người dân, phụ cấp độc hại để chia sẻ bớt gánh nặng cho dân vùng động đất ở thủy điện Sông Tranh 2. _H.Dũng ghi

Lợi ích nhóm chi phối ngân hàng

Cho rằng nợ xấu có nguyên nhân từ lợi ích nhóm và cũng chính quá trình xử lý nợ xấu sẽ là “dư địa” đem lại lợi ích cho một nhóm người, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) yêu cầu Thống đốc cho biết việc để NH Nhà nước xây dựng đề án xử lý nợ xấu thông qua thành lập công ty quản lý tài sản có tạo cơ chế dung dưỡng lợi ích nhóm hay không? Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết đây là đề án của Chính phủ, NH Nhà nước chỉ được giao thực hiện và đề án chưa xong nên không thể đề cập lợi ích nhóm trong lúc này.

Nhưng ở hàng loạt chất vấn sau đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã phải thừa nhận có lợi ích nhóm trong hệ thống NH. Thống đốc cho biết đã thực hiện thanh tra 27 NH, phát hiện tại nhiều NH bị chi phối bởi một nhóm cổ đông. Có nhóm khách hàng chiếm đến 90% dư nợ tín dụng mà chủ yếu là cho vay “sân sau” của chính các cổ đông, liên quan đến bất động sản. Nhóm này giữ chức danh lãnh đạo trong các NH, ký quyết định cho vay bất chấp quy định gây ra hệ lụy nợ xấu. Để xử lý, NH Nhà nước tạo điều kiện tối đa cho các NH vi phạm tự khắc phục tình hình tài chính và sẽ chuyển giao cơ quan thực thi pháp luật xử lý theo luật nếu vi phạm nghiêm trọng.

Các ngân hàng có nghe lời đâu!

Thống đốc trả lời hết các câu hỏi của ĐBQH nhưng giải pháp đưa ra khá chung chung mà không nêu cụ thể. DN cần biết giải pháp nào của riêng NH Nhà nước, giải pháp nào sẽ phối hợp với các bộ, ngành, ai là nhạc trưởng trong câu chuyện xử lý nợ xấu, thanh khoản NH…? Nghe Thống đốc trả lời, DN vẫn chưa thấy tín hiệu lạc quan để giải quyết vấn đề thanh khoản cho thị trường. Trong khi phần lớn DN vẫn phải dựa vào vốn vay NH, chi phí lãi suất vẫn chiếm phần lớn trong chi phí hoạt động của DN.

Còn chuyện Thống đốc nói DN nào không vay được có thể báo cho thống đốc, báo đường dây nóng..., câu này nghe quen quá! Vừa qua, thống đốc yêu cầu các NH thương mại giảm lãi suất cho vay về 15%/năm nhưng không nhiều DN vay được dưới con số này, các NH thương mại có nghe lời đâu. Vốn huy động vào NH nhiều mà ra nền kinh tế ít, trong khi hàng tồn kho, nợ đọng, thanh khoản... vẫn đang là những vấn đề lớn chưa có biện pháp giải quyết.

Ông Phạm Ngọc Hưng (Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM)

Còn chênh lệch, có ngăn được buôn lậu?
Câu chuyện quản lý vàng như lời thống đốc trả lời cho thấy NH Nhà nước đã chặn sự liên thông của giá vàng trong nước với thế giới. Lúc này, giá vàng trong nước chênh lệch khoảng cách lớn là điều dễ hiểu và chênh lệch có thể xuất phát từ ý muốn của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, dư luận không nên vì thế mà băn khoăn, bởi thực tế, nếu những người mua vàng chịu thiệt 3-4 triệu đồng/lượng so với thế giới thì người bán sẽ được lời từ mức chênh lệch cao này. Mục đích của NH Nhà nước là chống vàng hóa và để người dân không nắm giữ vàng. Nhưng cần nhấn mạnh rằng khi có sự chênh lệch với thế giới vài triệu đồng/lượng, NH Nhà nước cần bảo đảm không có sự buôn lậu vàng qua biên giới, không để một số đối tượng đầu cơ lợi dụng, hưởng lợi từ sự chênh lệch này.
TS Vũ Đình Ánh (Chuyên gia kinh tế, Hà Nội)
Thái Phương ghi
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo