Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2014 cuối cùng cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành vào ngày 28-3 với nhiều thay đổi quan trọng.
Bàn một đằng, quyết một nẻo
Theo quy định mới, năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 sẽ có 4 môn thay vì 6 môn như mọi năm. Trong đó, 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn; 2 môn tự chọn thí sinh có thể chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ. Toán và văn thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút (trước đây là 150 phút), các môn lịch sử và địa lý thi 90 phút. Bốn môn vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm với thời gian làm bài 60 phút.
Năm nay, điểm xét tốt nghiệp của thí sinh sẽ được tính theo công thức tổng điểm 4 bài thi + tổng điểm khuyến khích (nếu có) chia cho 4, rồi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 chia cho 2. Điểm xếp loại tốt nghiệp bằng điểm trung bình 4 bài thi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 chia cho 2.
Như vậy, sau quá nhiều tranh cãi, cuối cùng thì ngoại ngữ đã được đưa làm môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho 20% thí sinh khiến lãnh đạo các sở GD-ĐT tranh luận nảy lửa tại hội nghị giáo dục phổ thông giữa tháng 2 cũng đã bị hủy bỏ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã nhiều rắc rối nhưng việc tuyển sinh ĐH, CĐ mới thực sự gây khó khăn cho các thí sinh lẫn phụ huynh vì nhiễu loạn thông tin. Vì chốt danh sách các trường thi riêng muộn nên năm nay, thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh muộn tới 1 tuần.
Cũng vì tuyển sinh thay đổi liên tục nên cuốn cẩm nang Những điều cần biết chỉ cập nhật thông tin đến ngày 6-3, dẫn đến thông tin vừa thiếu vừa sai. Theo cẩm nang này, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM (mã tuyển sinh QSQ) không tổ chức thi nhưng thực tế, trường vẫn tổ chức thi theo kỳ thi 3 chung và đã gửi công văn đính chính thông tin này tới Bộ GD-ĐT. Chỉ tiêu tuyển sinh từ ĐH Ngân hàng TP HCM cũng có nhiều sai sót… Ngay tận đến thời điểm ngày 29-3, các ngành được phép tuyển sinh trở lại vẫn chưa chốt danh sách cuối cùng.
Ông Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, cho biết trường đang đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh trở lại với 2 ngành nhiếp ảnh và công nghệ điện ảnh - truyền hình. “Nhiều khả năng bộ sẽ cho phép chúng tôi tuyển sinh trở lại và chúng tôi sẽ sớm thông báo đến các thí sinh” - ông Hiệp nói.
Không thể “đẽo cày giữa đường”
Chỉ còn 2 tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cũng sẽ chỉ còn 3 tháng nữa tổ chức nhưng đến giờ, nhiều thay đổi quan trọng vẫn chưa được thống nhất. Vấn đề được cả phụ huynh và thí sinh đặc biệt quan tâm là thí sinh sẽ thi tốt nghiệp mấy ngày thì vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.
Theo dự kiến mà Bộ GD-ĐT đưa ra, có tới 4 phương án bố trí lịch thi với thời gian là 2 ngày, 2 ngày rưỡi, 3 ngày và 4 ngày. Theo một nguồn tin, Bộ GD-ĐT nghiêng về phương án thi tốt nghiệp trong 2 ngày rưỡi với 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn được bố trí riêng vào 2 buổi sáng, nhằm tạo tâm lý tốt cho thí sinh cũng như giảm áp lực đối với hội đồng thi.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng đổi mới thì tất nhiên sẽ dẫn tới bị động nhưng ở đây, Bộ GD-ĐT cho thấy sự không dứt khoát, lúc nọ lúc kia của mình. Ví dụ, thời gian thi toán và văn dự kiến là 180 phút, sau giảm xuống 120 phút; điểm liệt là 1 thay vì điểm 0; không phải mỗi trường là một hội đồng mà bây giờ có thể trộn lẫn nhiều trường thành một hội đồng…
“Thi cử phải làm thế nào cho gọn gàng, lãnh đạo ngành giáo dục không thể “đẽo cày giữa đường” vì người góp ý không phải ai cũng là chuyên gia. Đội ngũ giúp việc của lãnh đạo bộ phải làm việc thật nghiêm túc, có chính kiến chứ đừng ngại, sợ mà đi theo số đông vì số đông có khi lại sai” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, việc xây dựng các tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào thay cho điểm sàn cũ cũng khiến nhiều người “nát óc” vì nghĩ chưa ra. Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho hay Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất của các chuyên gia cũng như các trường. Một hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia về điểm sàn vừa được tổ chức tại TP HCM, một hội nghị tương tự dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội để bàn về 5 phương án xây dựng điểm sàn mới.
Tuy chưa chốt được phương án để lấy ý kiến rộng rãi nhưng các chuyên gia giáo dục dường như đang nghiêng về phương án xác định theo ngưỡng chính thức và ngưỡng dự bị: chia phổ điểm 3 môn thi thành 4 mức: 25%, 50%, 65% và 80%. Đợt xét tuyển thứ nhất, các trường ĐH tùy theo khả năng tuyển sinh của mình, ưu tiên gọi thí sinh trong nhóm 25% hay nhóm 50%. Đợt 2, những trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu có thể xét tuyển thí sinh đến nhóm 65%. Những thí sinh có mức điểm ngưỡng 50% và 65% trước khi vào học chính thức phải học bổ sung kiến thức 6 tháng. Nhóm 80% dành cho các trường CĐ tuyển sinh.
“Quân sư quạt mo” ở đâu?
GS-TS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho rằng khi thực hiện tự chủ ĐH, trong đó có tự chủ tuyển sinh, Bộ
GD-ĐT lẽ ra phải công bố để các trường có thời gian chuẩn bị và không nhất thiết phải thực hiện ngay trong năm 2014. Thực tế là hàng loạt thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay cho thấy Bộ GD-ĐT không có quan điểm nhất quán ngay từ trước mà đụng đâu làm đó. Vì vậy, những lúng túng của bộ hiện nay là điều dễ hiểu.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, thất vọng cho rằng bao nhiêu năm làm tuyển sinh nhưng Bộ
GD-ĐT không hình thành được những chuyên gia chịu trách nhiệm. “Các chuyên gia của bộ trốn ở đâu hết. Tôi không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nói cách khác là tôi không thấy bóng dáng của “quân sư quạt mo” đâu hết” - ông Tống thẳng thắn. Ông Tống cũng cho rằng Bộ GD-ĐT đang giải quyết việc đổi mới tuyển sinh một cách rất cập rập mà nguyên nhân là thiếu tầm nhìn. Nếu nhìn trên bàn cờ thì thấy cách mà bộ đang làm là thấy đâu đi đấy, không tính nhiều nước cờ xa.
Học sinh, nhà trường mong ngóng
Tại TP HCM, đại diện nhiều trường THPT thể hiện sự sốt ruột, lo lắng khi mà những thông tin thi cử, tuyển sinh còn rối nùi.
Ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình, cho rằng chưa khi nào thông tin về thi và tuyển sinh lại ngổn ngang như năm nay. Chỉ còn 2 tháng nữa là học sinh khối 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và sau đó là kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng thông tin đến lúc này vẫn còn chưa rõ ràng. Đầu tiên, phải kể đến việc Bộ GD-ĐT rút số môn thi tốt nghiệp từ 6 xuống còn 4. “Thi ít môn, học sinh mừng nhưng đến nay, các em vẫn chưa biết phải thi trong bao nhiêu ngày. Liên quan đến thi cử còn là kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ” - ông Linh băn khoăn.
Năm nay là năm có nhiều thay đổi nhất, từ việc bỏ điểm sàn, các trường tuyển sinh riêng, các ngành được tuyển sinh trở lại... nhưng đến giờ vẫn chưa có gì cụ thể. Cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ là tài liệu đáng tin cậy thì năm nay có quá nhiều sai sót... Ông Linh cho biết trường đã triển khai tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng vẫn chưa có nhiều học sinh nộp. Lý do là vì các em còn nghe ngóng thông tin. Trong đó, nhiều em muốn đăng ký vào các ngành vừa bị bộ đình chỉ tuyển sinh, đợi xem có cho tuyển sinh trở lại. Theo ông Linh, ở Trường Thanh Bình, các thầy cô khuyên học sinh cứ yên tâm học tập nhưng khi mà các thông tin chưa đầy đủ thì các em còn mong ngóng, rất khó tập trung.
Ông Linh cho rằng với những đổi mới về thi cử, tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cần có kế hoạch cụ thể, sự chuẩn bị tốt để thực hiện và học sinh phải được biết ít nhất từ đầu năm lớp 12 để yên tâm học tập.
Trong khi đó, bà Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Bình, thừa nhận bà cũng thấy sốt ruột, lo lắng vì đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa chốt các thông tin quan trọng liên quan đến thi cử. Dẫu sao, trong sự lo lắng thì cũng có chút niềm vui khi bộ chịu thay đổi. Theo bà, những thay đổi trong thi và tuyển sinh năm nay, phía các trường THPT đã “kêu gào” từ lâu nhưng bộ không lay chuyển gì. “Tôi mong rằng những chính sách mà bộ đưa ra tới đây sẽ có lợi cho học sinh” - bà Hòa kỳ vọng.
Đại diện một trường THPT ở TP HCM tỏ ra khó hiểu khi lúc này mà Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố thời gian thi tốt nghiệp THPT. “Chọn thi tốt nghiệp trong bao nhiêu ngày, chuyện hết sức đơn giản nhưng tôi không hiểu sao bộ lại chậm công bố. Phải chăng bộ nghĩ năm nay, học sinh chỉ thi tốt nghiệp 4 môn là nhẹ nên chậm công bố cũng không sao?” - vị này bày tỏ.
Theo vị đại diện trường THPT nêu trên, với công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT cho học sinh như năm nay, chắc chắn em nào thi tốt nghiệp đều bảo đảm đậu.
“Có thể nói những thông tin trong kỳ thi và tuyển sinh năm nay đang loạn cào cào và Bộ GD-ĐT là tác nhân chính gây nên tình trạng đó. Rất nhiều thông tin quan trọng của kỳ thi và tuyển sinh đến giờ vẫn chưa chốt lại đã làm ảnh hưởng đến tâm lý và sự chuẩn bị của học sinh. Bản chất của sự chậm trễ này nói lên điều gì?” - ông băn khoăn.
Bình luận (0)