Tố cáo của người đứng đầu JTC làm nhớ lại lời khai nhận của lãnh đạo Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI) năm 2008 về việc đưa hối lộ cho một quan chức Việt Nam trong dự án làm đường ở TP HCM. Lời tố cáo này đã trở thành đầu mối để “phăng” ra vụ án PCI, đưa ông Huỳnh Ngọc Sĩ - nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chánh TP HCM kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP HCM - vào tù với bản án 20 năm.
Cùng là lời tố cáo từ một phía - gần 6 năm trước là quan chức giao thông ở TP HCM và nay là quan chức đường sắt - song có thể thấy tốc độ và cách thức phản ứng hoàn toàn khác nhau. Hoàn toàn không đợi thông tin chính thức từ cơ quan hữu trách Nhật Bản như trước đây, cơ quan và giới chức có trách nhiệm của Việt Nam đã vào cuộc rốt ráo, khẩn trương ngay sau khi có thông tin trên báo chí Nhật Bản. Khẩn trương nhất là Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan chủ quản của đơn vị có quan chức bị tố nhận hối lộ 80 triệu yen - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, với những quyết định tức thì về việc tạm dừng công việc những quan chức liên quan, rà soát dự án bị tố… Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và khởi tố ngay, nếu có dấu hiệu vi phạm thì Bộ Công an lập tức chủ động vào cuộc.
Tốc độ và mức độ quyết liệt của phản ứng cho thấy sự không khoan nhượng của Việt Nam với tham nhũng, dù mới chỉ xuất hiện từ lời khai nhận một phía. Sự không khoan nhượng đó càng mạnh mẽ hơn với tham nhũng tiền vốn ODA. Tham nhũng tiền ODA có thể mang lại tổn thất “kép” cho Việt Nam. Đó là vừa ảnh hưởng tới nguồn vốn ODA hiện rất hữu ích và quý giá với đất nước vừa gia tăng gánh nặng nợ nần cho thế hệ tương lai khi sử dụng không hiệu quả, lãng phí, thất thoát.
Khi vụ án PCI bung ra đã có không ít quan ngại về dòng vốn ODA- đặc biệt là của Nhật Bản- vào Việt Nam. Thế nhưng, lo ngại này hoàn toàn không có cơ sở khi thực tế cho thấy Việt Nam là một trong những nước sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất cũng như xử lý nghiêm minh vụ án PCI. Vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam không ngừng tăng và hiện là nước nhận nhiều nguồn vốn này nhất với trị giá 1,64 tỉ USD trong năm 2013 - theo Sách Trắng ODA 2013 của Nhật Bản công bố hạ tuần tháng 2 vừa qua.
Khẩn trương và không khoan nhượng với tham nhũng tiền ODA là cách hữu hiệu nhất để không làm ách tắc nguồn vốn này dù có xảy ra những “con sâu” như Huỳnh Ngọc Sĩ hay nghi án hối lộ 80 triệu yen hiện nay.
Bình luận (0)