xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rừng đang chực cháy

THANH VÂN - NHƯ PHÚ - CAO NGUYÊN - TỬ TRỰC

Nếu các địa phương không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống cháy rừng thì có thể sẽ phải trả giá đắt

Đó là nhận định của ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ngày 7-3. Ông Hải cho biết do thời tiết hanh khô kéo dài nên ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, tất cả các địa phương đều đang bị đe dọa nguy cơ cháy rừng rất cao. Khu vực miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ, chỉ trừ 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, còn lại đều bị đe dọa nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm và rất nguy hiểm. Ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và một phần Nam Trung Bộ, nguy cơ cháy rừng giảm vào cuối tháng 5 còn ở miền Trung và ĐBSCL là hết tháng 7 hoặc đến nửa đầu tháng 8.

Lửa bùng phát bất cứ lúc nào

Theo lực lượng kiểm lâm các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên, những cánh rừng  ở đây đang nằm trong nhóm có nguy cơ cháy cấp IV - cấp nguy hiểm. Trong đó, tỉnh Đắk Nông có 265.000 ha rừng, chủ yếu là rừng nguyên sinh, đang đặt trong tình trạng nguy cơ cháy rất cao.

Lực lượng kiểm lâm nhắc nhở các chủ rừng trong việc phòng chống cháy rừng vào mùa khô hạn 
Ảnh: THANH VÂN
Lực lượng kiểm lâm nhắc nhở các chủ rừng trong việc phòng chống cháy rừng vào mùa khô hạn Ảnh: THANH VÂN

Còn ở tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 255.000 ha rừng. Chỉ tính riêng trong năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 24 vụ cháy rừng gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Trong khi đó, hiện nay, phần lớn diện tích rừng tự nhiên lại nằm trong các vùng hẻo lánh, phương tiện chữa cháy còn thô sơ, lạc hậu nên rất khó khăn nếu xảy ra cháy rừng.

Theo dự báo của chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành ĐBSCL, do mùa khô năm nay đến sớm nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Riêng tỉnh An Giang hiện có gần 60% diện tích rừng đang nằm trong khu vực báo động đỏ (cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm). Ngoài ra, các cánh rừng ở U Minh Thượng, An Minh, Hòn Đất, Hà Tiên, Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang cũng đang đứng trước nguy cơ cháy rất cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, do thời tiết khô hanh kéo dài nên hiện các hồ nước đang cạn dần. Các ngành chức năng đang tích trữ nước để phòng và chữa cháy rừng. Đáng lo là thời gian tới, các hồ chứa trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc sẽ không có nước bổ sung. Ở đây hiện có hơn 3.000/29.000 ha rừng đang nằm trong nguy cơ cháy ở mức cực kỳ nguy hiểm.

Tỉnh Đồng Tháp có Vườn Quốc gia Tràm Chim với khoảng 3.000 ha rừng tràm và hơn 4.000 ha đồng cỏ và đất trống. Người dân sống ở quanh vườn tràm thường xuyên xâm nhập vào bắt cá bằng xung điện, bắt ong, lấy củi… nên rừng ở đây cũng đang bị “bà hỏa” đe dọa.

Dồn lực phòng chống

Theo ông Võ  Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, trong điều kiện khô hanh, nắng nóng thì rừng có thể cháy bất cứ lúc nào mà không cần sự tác động của con người.

Rừng Núi Cậu (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) rộng hơn 4.000 ha. Khu vực sườn Tây của rừng Núi Cậu đang đặt trong cấp cảnh báo cháy rừng cao nhất (cấp V). Theo ông Long, suốt 6 năm qua, tại Bình Dương không xảy ra cháy rừng nhưng hồi tháng 2-2014, rừng Núi Cậu đã bị phát hỏa. “Chúng tôi phải cõng từng thùng nước, mỗi thùng từ 10-20 lít trèo lên núi dập lửa” - ông Long nói. Ông Long cho biết vụ cháy xảy ra lúc rạng sáng, người dân không vào rừng nên nhiều khả năng là do các loài thú chạy khiến đá va vào nhau phát lửa.

Theo ông Long, để phòng chống cháy rừng, trên núi, cơ quan chức năng dựng chòi canh, đào hồ chứa nước, phát quang 38 km đường băng ngăn lửa. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm còn liên tục tuần tra, nhắc nhở người dân đi rừng không được nấu nướng, đốt tổ ong…

Cũng như vậy, lực lượng kiểm lâm ở các địa phương miền Trung - Tây Nguyên đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng trên tất cả phương diện. Ở Quảng Ngãi, có 22 ban phòng cháy, chữa cháy rừng được thành lập. Các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng ký hợp đồng với lao động địa phương để phòng chống cháy rừng trong các tháng cao điểm.

Tạo các đường băng cản lửa là một trong các biện pháp phòng chống cháy rừng được các địa phương tích cực triển khai. Trong đó, tỉnh Đắk Nông đã làm mới hơn 150 ha đường băng cản lửa, thực hiện biện pháp giảm vật liệu cháy với 441 ha, mua sắm 277 phương tiện phục vụ phòng cháy và chữa cháy rừng...

Ở Đắk Lắk, để chủ động trong công tác phòng chống cháy trên diện tích 345.000 ha rừng trọng điểm, ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh yêu cầu lực lượng chức năng tổ chức trực 24/24 giờ trong ngày, bố trí canh phòng ở những khu vực trọng yếu để xử lý kịp thời sự cố xảy ra... Năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt 1,2 tỉ đồng cho 25 đơn vị xây dựng các hạng mục công trình phòng cháy, chữa cháy rừng.

Với các khu rừng ở ĐBSCL, ngoài cắt đường băng, dọn và đốt cỏ, các lực lượng chức năng còn tổ chức phát dọn rong, bèo, lục bình ở các tuyến kênh xung quanh rừng nhằm tạo thuận lợi cho việc điều tiết nước hoặc vận chuyển máy móc, thiết bị chữa cháy khi có cháy xảy ra.

Đốt rừng thông để trồng keo?

Những ngày gần đây, người dân xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, bức xúc phản ánh tình trạng rừng thông phòng hộ gần 30 năm tuổi tại khu vực hồ Phú Ninh bị đốt tan hoang. Nhiều người cho rằng thủ phạm chính là người trồng keo, họ đốt rừng để chiếm đất. Tình trạng trên chỉ diễn ra sau khi khu vực này được Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh giao khoán cho Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân quản lý.

Ông Bùi Văn Sâm, Đội trưởng Đội Bảo vệ Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam, cho biết khoảng nửa tháng trở lại đây, tình trạng cháy rừng thông liên tiếp diễn ra. “Họ đốt rừng phòng hộ rồi cháy lan sang cả rừng của xí nghiệp đến 7 ha. Tối 2-3, khi nghe tin rừng thông phòng hộ bị cháy, tôi cùng 8 anh em chạy lên dập lửa, may là kịp chứ không lửa sẽ tiếp tục cháy lan sang rừng của xí nghiệp” -  ông Sâm nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Phước, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh, cho biết đơn vị có hợp đồng giao khoán 47 ha rừng thông phòng hộ này cho Công ty Tiến Thiên Tân trong thời gian 7 năm, kể từ tháng 6-2013. Công ty này được khai thác nhựa thông và phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng.

Theo ông Phước, hôm 2-3, công ty có điện báo rằng bên Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam cháy rừng nên lan sang rừng phòng hộ, diện tích cháy chưa đến 1 ha và chỉ cháy thực bì, không có cây thông nào bị thiệt hại. “Chúng tôi sẽ cho người kiểm tra, nếu có tình trạng đốt rừng để trồng keo thì trách nhiệm thuộc về Công ty Tiến Thiên Tân” - ông Phước khẳng định.Tr.Thường

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo