xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sài Gòn hủ tiếu gõ

“Thương hiệu” hủ tiếu gõ của dân Quảng Ngãi đã góp phần nào vào bức tranh ẩm thực phong phú, đầy màu sắc của một đô thị đầu tàu đất nước: Sài Gòn

quyết tâm thoát khỏi cảnh đói nghèo, hàng chục năm trước, vài người dân Quảng Ngãi đã rời quê nhà vào TP HCM lập nghiệp. Từ một số người buôn bán nhỏ lẻ, thô sơ ban đầu, đến nay, họ đã làm nên “thương hiệu” hủ tiếu gõ Quảng Ngãi độc đáo ở Sài Gòn.

“KHAI SÁNG”

Một trong những người “khai sáng” nghề bán hủ tiếu gõ là ông Trần Ngọt - 50 tuổi, ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Ngọt cho biết cuối những năm 1980, dù đất nước bắt đầu bước vào Đổi mới nhưng Đức Phổ quê ông mùa màng thường thất bát, nhiều người đói khổ. Lúc ấy đang tuổi thanh niên, ông bèn bàn với khoảng 10 người trong xóm rồi rủ nhau đón chiếc xe đò vào Sài Gòn lập nghiệp.


Ảnh: Hoàng Triều

Ảnh: Hoàng Triều


Ông Trần Ngọt, một trong những người đầu tiên ở Quảng Ngãi vào Sài Gòn bán hủ tiếu gõẢnh: Lê Phong

Ông Trần Ngọt, một trong những người đầu tiên ở Quảng Ngãi vào Sài Gòn bán hủ tiếu gõẢnh: Lê Phong

Mấy ngày đầu, những thanh niên xứ Quảng đi khắp nơi xin việc làm nhưng chỗ nào cũng lắc đầu từ chối vì tướng tá họ quê mùa, tiếng nói lại khó nghe. Riêng ông Ngọt thì sau một thời gian lang thang, cuối cùng cũng xin được chân phụ việc cho một tiệm hủ tiếu ở khu vực Chợ Lớn.

Ông Ngọt nhớ lại: “Hơn một năm phụ việc, tôi để ý và nắm được “bí kíp” từ ông chủ tiệm hủ tiếu người Hoa. Sau đó, tôi về Phổ Cường, rủ bà con tạm rời quê vô Sài Gòn hùn hạp vốn đóng xe đẩy để bán hủ tiếu gõ. Sau nhiều lần vắt tay lên trán suy nghĩ, tôi đã tìm ra cách biến tấu nước lèo học được từ ông chủ người Hoa theo khẩu vị riêng để phục vụ khách chủ yếu là người lao động với giả rất rẻ”.

Nơi hình thành xóm hủ tiếu gõ Quảng Ngãi đầu tiên là một con hẻm nằm trên đường Ba Tháng Hai, quận 10, TP HCM - gần trường đua Phú Thọ trước đây. Khu này là bãi đất trống, nơi có nhiều người lao động, bốc xếp hàng hóa tụ họp nên rất thuận lợi cho việc buôn bán, nhất là đồ ăn. Cứ buổi sáng hoặc chiều, chiếc xe hủ tiếu vừa đẩy ra trước con hẻm thì lập tức có người đến mở hàng, tối thì còn đông khách hơn.

“Khi đó, nhiều người dân miền Trung có hoàn cảnh khó khăn thường đến xin phụ bưng bê để kiếm thêm thu nhập và học nghề. Chỗ của tôi như là “lò đào tạo” nghề hủ tiếu gõ, giúp không ít người thoát khỏi cái nghèo” - ông Ngọt tự hào.

Theo ông Ngọt, nghề hủ tiếu gõ chỉ cần chịu khó là làm được. Ông bộc bạch: “Người dân xứ Quảng chúng tôi không chỉ chịu thương chịu khó, ham học hỏi mà còn có tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng thoát khỏi đói nghèo”.

Ông Ngọt tiết lộ nghề hủ tiếu gõ cũng có những luật riêng, không sợ bị ai cạnh tranh, giành giật địa bàn. Chỗ nào có xe hủ tiếu thì xe khác phải cách xa ít nhất 3 con hẻm để khỏi “đụng hàng”. Ông giải thích: “Vào Sài Gòn làm ăn, chúng tôi hiểu ai cũng có hoàn cảnh khó khăn nên không bao giờ xảy ra chuyện giành giật chỗ buôn bán. Ai đến trước thì chọn góc đường, con hẻm đông người kinh doanh để đặt xe hủ tiếu; ai tới sau thì đành bán chỗ xa hơn”.

Những năm 2000-2010, theo ông Ngọt, được xem là giai đoạn “hoàng kim” của nghề hủ tiếu gõ. Ông cho biết: “Mỗi ngày có xe bán trên 300 tô. Món hủ tiếu gõ không kén khách, bên cạnh những người ít tiền còn có cả đại gia đi ô tô, xịt nước hoa thơm phức ghé vào ăn. Người có tiền thì gọi thêm thịt, xương và dĩ nhiên giá cao hơn một chút”.

ĐỔI ĐỜI

Gần đây, tên gọi hủ tiếu gõ có lẽ không còn phù hợp. Đêm đêm, dân Sài Gòn ít còn thấy hình ảnh những cậu bé dáng vẻ lam lũ, lầm lũi rảo bộ len lỏi khắp các ngõ hẻm, tay cầm 2 miếng gỗ nhịp nhàng gõ lốc cốc, lốc cốc mời gọi. Các xe bán hủ tiếu giờ đều có “bến” cố định, khách quen khi đói lòng thì chịu khó tìm đến đây lót dạ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau này, những người Quảng Ngãi vào Sài Gòn bán hủ tiếu đỡ vất vả hơn thế hệ “khai sáng” nhiều. Hiện nay, tại TP HCM có ít nhất 4 đầu mối chuyên khảo sát tìm “bến” đậu xe hủ tiếu để giới thiệu cho người từ quê vào. Đổi lại, người nhận “bến” phải mua xe, tủ, nguyên liệu - hủ tiếu, mì, thịt, hành hẹ, gia vị... - từ các đầu mối này. Ông Trần Văn Phú (51 tuổi), một trong những người từ Phổ Cường vào Sài Gòn bán hủ tiếu gõ cùng thời với ông Ngọt, cho biết giá nguyên liệu mua qua đầu mối tuy cao hơn chút ít so với lấy ở chợ nhưng tiết kiệm được thời gian.

Những người Quảng Ngãi bán hủ tiếu khẳng định nghề này tuy kiếm được tiền nhưng mỗi đêm chỉ ngủ được 3-5 giờ. Buổi sáng, họ lo chuẩn bị nguyên liệu, chiều phải đẩy xe ra “bến” rồi bán đến rạng sáng mới về. Ông Phú thổ lộ: “Công việc khó nhọc nên chúng tôi ai cũng quý trọng đồng tiền làm ra để tiêu pha cho hợp lý, đến cuối năm tổng kết lại dư bao nhiêu mới mua sắm, sửa sang nhà cửa cho khang trang”.

Chính vì chăm chỉ làm ăn và quý trọng đồng tiền làm ra nên nhiều người dân Quảng Ngãi vào Sài Gòn bán hủ tiếu gõ đã thật sự đổi đời. Ông Ngọt cảm kích: “Với chúng tôi, Sài Gòn là mảnh đất nghĩa tình, là quê hương thứ hai vì chính nơi đây đã giúp chúng tôi thoát được cuộc đời nghèo khổ”.

Ông Ngọt dẫn chứng trước đây, người hàng xóm của ông ở Phổ Cường tên Trương Văn Của rất nghèo khó, không biết kiếm đâu ra tiền để chữa bệnh cho con. Một lần, ông Của làm liều trộm bò của người trong xã để cứu con thì bị công an bắt và chịu án tù hơn 7 năm. Thụ án xong, ông về quê thì bị nhiều người khinh miệt, đi xin việc không nơi nào chịu nhận. Khốn cùng, ông phải đón xe đò vào Sài Gòn tìm kế mưu sinh.

“Ông Của đã vào xóm hủ tiếu gõ ở đường Ba Tháng Hai xin bưng bê, rửa chén bát. Những người biết chuyện đều có vẻ dè chừng nhưng tôi vẫn nhận ông ấy vô phụ việc vì nghĩ là đồng hương thì phải đùm bọc nhau. Ông Của rất chịu khó, ham học hỏi, sau đó đã sắm được xe hủ tiếu và ra riêng. Hiện ông ấy đã mua được nhà ở Nhà Bè, đưa con cái vào Sài Gòn để tiện việc học hành” - ông Ngọt kể.

Thế nhưng, theo ông Phú, không phải ai làm nghề này cũng có cuộc sống ổn định, xây được nhà ở quê, tạo thêm cơ ngơi ở Sài Gòn. Một số người khi còn nghèo khó thì cật lực làm ăn, đến khi có đồng ra đồng vô thì lại sa đà vào cờ bạc, cuối cùng vẫn chỉ hai bàn tay trắng. Chưa kể, trước đây, chỉ vì tin đồn vô căn cứ rằng nước lèo hầm với thịt chuột cống, trùn chỉ... khiến người bán hủ tiếu gõ lao đao vì khách không dám ăn. Ông Phú bức xúc: “Nhiều người phải bán xe chuyển nghề vì từ sáng đến khuya không bán được tô hủ tiếu nào. Đến khi hủ tiếu gõ được “minh oan” thì khách mới dần dần đông trở lại”.

Mang ơn vùng đất Sài Gòn, con người Sài Gòn vì tạo điều kiện giúp dân quê tảo tần thoát khỏi đói nghèo, thậm chí vươn lên khá giả nhưng những người như ông Ngọt, ông Phú cũng ngấm ngầm tự hào. Theo họ, “thương hiệu” hủ tiếu gõ Quảng Ngãi đã góp phần nào vào bức tranh ẩm thực phong phú, đầy màu sắc của một đô thị đầu tàu đất nước.

Ông Lê Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, cho biết toàn xã có hàng ngàn hộ vào TP HCM làm nghề bán hủ tiếu, riêng xã Mỹ Trang đã ngót nghét 1.000 người. “Nghề này đã giúp vô số gia đình ở Phổ Cường đổi đời, xây nhà ở quê, sắm thêm nhà cửa ở Sài Gòn, lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Thấy người dân khá lên, chúng tôi rất phấn khởi” - ông Thiện bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo