xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sài Gòn tứ hải giai huynh đệ

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Những giá trị Sài Gòn được thiết lập không phải là trên một kho báu có sẵn xa xưa mà là sự hội tụ và cộng hưởng những tinh hoa đến từ nhiều vùng miền, sự hỗn dung của nhiều không gian văn hóa

Gần đây, khi nói đến tính cách người Sài Gòn, báo chí thường dùng từ “bao dung”. Lật từ điển ra tra cho rõ thì từ bao dung được hiểu là “rộng lòng cảm thông, thương yêu, độ lượng với mọi người”. Có thật là như thế? Nếu thật thì điều gì làm nên căn tính đó của Sài Gòn? Mà nếu có căn tính thật thì liệu căn tính ấy có bị phai nhạt bởi “dân nhập cư”?

Từ lịch sử

Theo sử gia Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định thành thông chí”, năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh lập “xứ Sài-côn” làm huyện Tân-bình và dựng dinh Phiên-trấn, dân số Sài Gòn lúc bấy giờ là khoảng 10.000 người. Với ưu thế sông nước ba bề, đời sống cảng thị đô hội đã diễn ra.

Một bức tranh màu nước ở quán cà phê Người Sài Gòn mô tả cuộc sống đa dạng của thành phố hơn 300 năm tuổi này
(Ảnh tác giả chụp lại)
Một bức tranh màu nước ở quán cà phê Người Sài Gòn mô tả cuộc sống đa dạng của thành phố hơn 300 năm tuổi này (Ảnh tác giả chụp lại)

Năm 1772, Nguyễn Cửu Đàm phát lau sậy đắp lũy Bán Bích rồi năm 1790 cho xây thành Quy, thiết lập vai trò trung tâm chính trị, kinh tế của xứ Đàng Trong cùng sự phát triển hạ tầng phục vụ giao thương… “Phôi đô thị” Sài Gòn đến đây đã được hình thành một cách tự nhiên.

Việc giao thương lúa gạo với các vùng lân cận trong và ngoài nước (theo nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Đầu trong một cuốn sách về địa lý và lịch sử TP HCM) có thể xem là một “biến cố”, “có hậu quả quyết định làm cho địa phương Sài Gòn trở nên thành phố, với đầy đủ ý nghĩa của nó”.

Việc cởi mở thương mại tạo điều kiện để sự dung nạp, trao đổi văn hóa và dân số diễn ra mạnh mẽ. Sài Gòn lại là đô thị hình thành sớm ở phương Nam - một nơi mà theo con mắt nhìn phong thủy của Trịnh Hoài Đức, là “thuộc quẻ Ly, hành hỏa, là quẻ văn minh, cho nên các sĩ phu chuộng tiết nghĩa, chuộng lý học” (quyển 4, “Gia Định thành thông chí”).

Sau khi chiếm Sài Gòn, người Pháp đưa ra bản đồ án quy hoạch thành phố này trong tương lai của trung tá công binh Coffyn. Theo đó, “Sài Gòn tương lai” sẽ rộng 2.500 ha và chứa được tối đa 600.000 người (trong khi đó, tổng dân số Sài Gòn cộng với Chợ Lớn lúc ấy dưới 48.000 người, gồm Kinh, Hoa, Mã Lai, Khmer, Ấn và đặc biệt là những người “nhập cư mới”: Pháp, Âu).

Vậy mà đến năm 1943, dân số Sài Gòn đã đạt mức gần 500.000 người.

Vị trí quốc tế tạo ra điều kiện phát triển kinh tế và thăng tiến sự nghiệp, để phát triển đời sống đã tạo cho Sài Gòn một sức hấp dẫn rất lớn đối với dân tứ xứ. Cái tinh thần “tứ chiếng” đó đã có từ ngày đầu thiết lập nên không gian đô hội và trở thành cái tinh thần tiếp nhận “người khác”, dung nạp “giá trị khác” thật dễ dàng, dù sự hào sảng tiếp nhận nào thì cũng có mặt này mặt kia và rõ ràng là cũng có những điều kiện hay tiêu chí chọn lọc tự nhiên nhất định.

Đợt “Nam tiến” do biến động chính trị giữa thế kỷ XX của người phương Bắc vào phương Nam cũng có thể xem là một trong những biến động nhập cư nhanh mà đô thị Sài Gòn với bản thân lối quy hoạch mở được xác lập ngay từ đầu và trong suốt quá trình xây dựng từ trước đó, đã tiếp nhận sự thay đổi diễn ra một cách ngọt ngào và nhờ quá trình tích hợp đầy thông minh, đã tạo ra giá trị riêng về sau cho thành phố.

Năm 1960, Sài Gòn có 2,54 triệu dân và năm 1975 là 4 triệu dân. Sau năm 1975, đặc biệt là sau Đổi mới 1986, cơ hội kinh tế mở ra, làn sóng di cư tự do từ các tỉnh đến Sài Gòn tìm “đất hứa” đã làm cho mật độ dân số tăng cao, hạ tầng không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu.

Sài Gòn như một thỏi nam châm thu hút nguồn lực, tinh hoa sáng tạo của người dân các địa phương trong cả nước. Khái niệm “dân nhập cư” trong thời hiện đại đã không còn được khuyến khích dùng tới, bởi ngay cả với những cư dân sinh sống lâu đời ở thành phố này thì họ hiểu danh xưng “người Sài Gòn” không phải là một định danh thuần túy theo nghĩa đen để chỉ nguồn gốc mà là một cách nói nặng tính địa danh trú ngụ và thiên về căn tính văn hóa.

Đến câu chuyện văn hóa

Nhìn lại ngọn nguồn và một vài dấu mốc lịch sử để thấy rằng ngay thuở ban đầu, những giá trị Sài Gòn được thiết lập không phải là trên một kho báu có sẵn xa xưa mà là sự hội tụ và cộng hưởng những tinh hoa đến từ nhiều vùng miền, nhiều giống dân từ nhiều quê xứ, giao thoa, sống chung của nhiều không gian văn hóa. Nói bao dung, xét về phương diện lịch sử, là như thế.

Theo một điều tra mới đây của Viện Kinh tế TP HCM, có đến 2/3 số người nhập cư trình độ từ tiểu học đến trung học vào Sài Gòn có thể kiếm được việc làm và có thu nhập ngay trong tháng đầu tiên. Hẳn cơ hội việc làm và thu nhập tốt cho người có trình độ cao hơn sẽ tốt hơn. Một con số khác thường được báo chí nhắc đến, người nhập cư hiện chiếm 30% dân số và đóng góp khoảng 30% GDP của TP HCM.

Nhưng nếu nói như vậy thì điều gì thuộc về căn tính của Sài Gòn?

Sài Gòn không nằm ngoài cái quy luật hỗn dung văn hóa của quá trình đô thị hóa nói chung nhưng xét ở góc độ thời gian, không gian và chủ thể văn hóa đô thị thì một thành phố trẻ, có tuổi đời 3 thế kỷ cũng đã kịp hình thành nên những diện mạo riêng và diện mạo ấy chính là: Sự hài hòa cởi mở, tính thân thiện hào phóng theo kiểu tứ hải giai huynh đệ, trọng lối hành xử nghĩa tình, khí khái, đề cao sự chủ động sáng tạo, linh hoạt, trong làm ăn, mưu sinh và trong văn hóa cũng như chính trị, thường giữ phẩm chất là một thành phố hướng ngoại (ngày nay ta vẫn gọi là “hội nhập”) chứ không an phận hay khư khư xác lập bản sắc để tự giới hạn chính mình. Với một mã gien như thế, thành phố nhạy cảm với sự thay đổi tích cực và cũng đủ bản lĩnh kháng thể để loại ra những ngoại lai không phù hợp một cách tự nhiên và ít thương tổn nhất.

Sài Gòn là Sài Gòn

Sự tương phản trong hài hòa dung hợp, nói nôm na là “thượng vàng hạ cám”, tạo ra bức tranh văn hóa đời sống phong phú của Sài Gòn.

Tình cờ, trong một lần đến quán cà phê Người Sài Gòn ở trên đường Mạc Thị Bưởi (quận 1) cách đây vài hôm, tôi chú ý đến một bức vẽ màu nước khổ rộng trên tường khá duyên dáng về Sài Gòn. Ở đó có ảnh ông Trịnh Công Sơn ngồi ôm đàn bên quán nước hát “em còn nhớ hay em đã quên”, có cảnh cặp đôi Lê Uyên Phương đèo nhau trên Vespa và hát “theo em xuống phố trưa nay”, có cảnh trung niên thi sĩ Bùi Giáng râu tóc lơ phơ ngồi sau một chiếc xe đạp cà tàng của một người bạn, có anh ca sĩ thời thượng xuất thân là thợ hớt tóc bấm tông-đơ vừa hát “nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ”, có cả cảnh mấy đứa bé đi bán báo dạo và kể cả mấy em bán hoa mà ta thỉnh thoảng vẫn thấy thấp thoáng trên cầu hay ngõ tối… Trong trò chơi có bề nghịch ngợm của các họa sĩ trẻ, tôi thấy ra cái cách tư duy về người Sài Gòn. Ông Trịnh Công Sơn gốc Huế, Lê Uyên Phương từ Đà Lạt, Bùi Giáng đến từ Quảng Nam, em bé bán báo, cô gái bán hoa cũng từ đâu đó dạt về Sài Gòn mà mưu sinh. Họ đến, quần cư trong đô thị, xênh xang chốn đô hội, trăm hoa đua nở (mà không nở thì cũng không sao!), không chấp nệ, không có gì nghiêm trọng cả, miễn chơi được, sống vui, sống rộng lòng với tha nhân. Ngược lại, người tự thấy không chơi được thì đi chỗ khác chơi, vậy thôi. Tự giải thiêng, tự lui về hay nói theo ngôn ngữ cạnh tranh là tự đào thải. Có những cuộc tự đào thải nghiệt ngã và đau đớn nhưng Sài Gòn đủ mạnh để tạo ra một dấu chỉ, dù cho anh có lui về quê xứ thì người ta cũng nhìn vào “lý lịch trích ngang” của anh mà nói với nhau rằng: “Hắn từ Sài Gòn về đó” (hổng phải dạng vừa đâu!).

Vì vậy mà, không phải cứ có hộ khẩu đóng dấu mộc đỏ TP HCM mới là “người Sài Gòn”. Chính đó là lý do để những giá trị cốt lõi hào hoa của Sài Gòn không bị triệt tiêu hay lo sợ bị can thiệp bởi cái khác đến từ bên ngoài mà ngược lại, có sức truyền lan mạnh mẽ ra ngoài ranh giới hành chính của mình.

Luôn tiếp nhận và bao dung

Nếu chỉ nhìn thấy chuyện tệ nạn, chuyện người dân từ các miền quê đến chưa quen hay vì dân trí thấp nên không quen hành xử theo lối văn minh đô thị hay cảnh sống nhếch nhác nghèo túng ở các khu ổ chuột, nhà trọ tồi tàn... để xem đó là gánh nặng cho thành phố, thậm chí là quy kết mọi lề lối xấu xa nơi đô thị cho “dân quê” (người nhập cư) thì thoạt nghe có lý nhưng dễ đưa đến một sự phân biệt đối xử không đáng có. Thậm chí, nếu điều đó trở thành chính sách cứng rắn thì sẽ phát sinh ra nhẫn tâm và bất bình đẳng trong xã hội.

Tranh màu nước vẽ thi sĩ Bùi Giáng ngồi sau xe đạp. (Ảnh tác giả chụp lại)
Tranh màu nước vẽ thi sĩ Bùi Giáng ngồi sau xe đạp. (Ảnh tác giả chụp lại)

Với một thành phố bề dày hơn 300 năm đủ để hình thành một bản lĩnh văn hóa mà ngày nay ta gọi là bao dung thì việc nhìn sâu vào chính mình để nhận diện căn tính và hành xử theo cách thế hài hòa là điều cần thiết nhất. Thay vì ngăn cản thì luôn biết cách tiếp đón và chăm lo an sinh cho người đến sau.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo