Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 199 di tích lịch sử - văn hóa được chính quyền ra quyết định công nhận để bảo vệ. Trong đó, 28 di tích lịch sử - văn hóa thuộc cấp quốc gia, 76 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định đầu tư, tôn tạo nhiều di tích nhưng hiện vẫn còn không ít nơi xuống cấp, hư hỏng hoặc rơi vào lãng quên.
Dài cổ ngóng kinh phí
Những ngày cuối năm 2013, chúng tôi quay lại xóm Tân An, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi - nơi có nhiều di tích về các chiến công oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ. Đã hàng chục năm sau ngày đất nước thống nhất nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn còn nghèo khó, lam lũ. Cùng với đó, những chứng tích về cuộc chiến oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ cũng bị bỏ quên.
Dẫn chúng tôi đi quanh xóm Tân An, ông Nguyễn Ngọc Thanh, một người dân địa phương, cho biết xóm chỉ rộng hơn 1 km2 nhưng có đến 6 di tích lịch sử cấp tỉnh: Hầm Xác Máu, Lâm Sơn, Phú Lộc, Trà Niên… Những di tích này là minh chứng về sự tàn ác của kẻ địch khi đánh sập hầm, giết hại hàng trăm thường dân vô tội. Đây còn là nơi mà nhiều vị lão thành cách mạng đã bám trụ hoạt động, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung…
Những di tích ấy bây giờ chỉ còn là các khu hầm rêu phong, đổ nát không người tôn tạo, trông coi. Cạnh bên các khu hầm, người dân đào bới lấy đất để làm hồ nuôi tôm.
Đưa tay chỉ về nhà tưởng niệm xóm Tân An, ông Thanh ngậm ngùi: “Dân làng sau ngày kháng chiến thành công dù nghèo rớt mồng tơi, không có gạo ăn nhưng để tưởng nhớ cha ông đã hy sinh, họ tự góp tiền, xây dựng ngôi miếu ghi tên 108 người con Mù U - tên gọi trước đây của Tân An. Bây giờ miếu này đang xuống cấp nặng nề, đến cái trống bị thủng cũng không có tiền thay. Thỉnh thoảng tới mùng 1, ngày rằm, chỉ có bà con qua lại thắp hương chứ đâu thấy ai tôn tạo, trông coi?”.
Một cán bộ văn hóa xã Đức Phong thở dài: “Thấy địa phương có nhiều di tích ý nghĩa, chúng tôi từng kiến nghị xin cấp kinh phí sửa sang, phục dựng cho con cháu đời sau có cơ hội được thấy những gì cha ông đã trải qua. Song, đã bao năm rồi mà có thấy gì đâu!”.
Tại xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chùa Diệu Giác dù được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nhưng cũng đang bị xâm hại nặng nề. Phần lớn kiến trúc của chùa đã bị những người quản lý tự ý sửa sang, thay đổi theo hướng hiện đại. Vụ việc dù đã được đoàn thanh tra liên ngành xử phạt nhưng kiến trúc chùa đã bị phá hỏng rất nhiều.
Di tích chiến thắng Ba Gia tại xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi tọa lạc trên núi Khỉ. Dù đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nhưng tượng đài tưởng niệm ở đây xuống cấp nặng nề, xung quanh cỏ mọc um tùm, quanh năm luôn đìu hiu.
Một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia khác ở Quảng Ngãi - chùa Ông tại xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa - cũng bị người dân lấn chiếm nghiêm trọng. Theo quy hoạch, di tích chùa Ông rộng hơn 4.088 m2. Thế nhưng, đến nay, người dân xung quanh đã chiếm hơn 608 m2. Vụ việc dù được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xử phạt nhưng diện tích chùa vẫn chưa được trả lại nguyên vẹn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, còn rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh khác - như: căn cứ cách mạng Tuyền Trung (huyện Bình Sơn), thắng cảnh núi Phú Thọ, Cổ Lũy cô thôn… - cũng đang rơi vào tình trạng xuống cấp, hoang phế hoặc bị xâm hại nghiêm trọng từ chính người dân địa phương.
Phạt nghiêm, vẫn xâm phạm
Ông Phan Đình Độ, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi (đơn vị chịu trách nhiệm trùng tu, sữa chữa di tích), cho biết toàn tỉnh có 28 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 1 di sản phi vật thể cấp quốc gia và 171 di tích cấp tỉnh được công nhận để bảo vệ.
Những năm gần đây, từ chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định đầu tư, trùng tu nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia bị xuống cấp, hư hại. Nhiều di tích sau khi nâng cấp, trùng tu đã thu hút rất đông du khách đến tham quan, như: di tích khởi nghĩa Ba Tơ, Trà Bồng; khu chứng tích Sơn Mỹ; khu tưởng niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; hải đội Hoàng Sa - Bắc Hải trên đảo Lý Sơn… Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số di tích chưa được sửa sang hoàn chỉnh hoặc bị xâm hại từ người dân địa phương.
“Dù có nhiều di tích bị xâm hại nhưng việc bảo vệ đang gặp nhiều khó khăn do chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức. Hằng năm, từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia, chúng tôi đều trùng tu, sửa chữa những di tích bị xuống cấp hoặc hư hại. Đồng thời, tỉnh còn tổ chức những đợt kiểm tra liên ngành. Khi phát hiện sai phạm, chúng tôi lập biên bản, xử phạt thật nghiêm nhưng việc xâm phạm các di tích vẫn diễn ra” - ông Độ băn khoăn.
Trùng tu chỗ này, chỗ khác hư hại
Theo ông Phan Đình Độ, dự kiến sắp tới, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục trùng tu, sửa sang những di tích xuống cấp; đồng thời hoàn tất hồ sơ, quy hoạch, cắm mốc bảo vệ một số di tích…
“Khó khăn nhất là kinh phí để sửa chữa, trùng tu rất hạn hẹp. Trùng tu chỗ này, chỗ khác đã hư hại. Vì thiếu kinh phí nên di tích khó được sửa sang theo đúng tiêu chuẩn” - ông Độ lo ngại.
Kỳ tới: Vô tư lấn chiếm chùa chiền
Bình luận (0)