xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sạt lở vây bủa ĐBSCL

DUY NHÂN - THỐT NỐT - CA LINH

Dù chưa bước vào mùa mưa nhưng tình hình sạt lở ở ĐBSCL đang diễn biến phức tạp, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân

Ngày 23-4, ông Vũ Minh Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - cho biết lực lượng chức năng đã di dời 106 nhà dân và một nhà máy chế biến gạo ra khỏi khu vực sạt lở tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới.

Sớm muộn gì cũng “gặp hà bá”

Hơn 1 ngày trôi qua, người dân ấp Mỹ Hội vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ sạt lở một đoạn dài 70 m khiến 16 căn nhà đồng loạt đổ sập xuống sông Vàm Nao (một nhánh của sông Hậu).

Mép sạt lở đã ăn sâu vào đường liên xã khoảng 2 m, cắt đứt tuyến đường giao thông liên xã Mỹ Hội Đông đi Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới. Tổng thiệt hại tài sản ước tính khoảng 8,8 tỉ đồng. Dự báo khu vực này sẽ tiếp tục sạt lở vào thêm ít nhất 15 m. Hiện nay, tại khu vực tâm của cung sạt, cách mép bờ 6 m về phía trong, một vết nứt rộng khoảng 1-3 mm đang hình thành, ảnh hưởng đến sân trước nhà của các hộ đối diện khu vực sạt lở.

Bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, ngày 23-4 đã đến hiện trường vụ sạt lở để động viên người dân và trao số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ. Bà Xuân yêu cầu các ngành chức năng tỉnh, lãnh đạo huyện Chợ Mới, xã Mỹ Hội Đông tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm thêm 100 m.

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở liên tục xảy ra ở các tỉnh, thành ĐBSCL. Nhiều gia đình phải tháo chạy trong đêm sau khi cả căn nhà đổ sập xuống sông.

Tại tỉnh Cà Mau, mỗi năm xảy ra trên 20 vụ sạt lở ven sông, có những điểm nóng sạt lở chạy dài trên 50 km. Đặc biệt, tình trạng sạt lở xuất hiện ở các khu vực đông dân cư tập trung buôn bán.


Khu vực sạt lở nhấn chìm 16 căn nhà xuống sông Vàm Nao, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang hôm 22-4 Ảnh: THỐT NỐT

Khu vực sạt lở nhấn chìm 16 căn nhà xuống sông Vàm Nao, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang hôm 22-4 Ảnh: THỐT NỐT

Hiện nay, khu vực ven sông tại chợ Vàm Đầm, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi được coi là điểm nóng nhất của tỉnh Cà Mau về sạt lở bờ sông. Bắt đầu là 16 căn nhà bị nhấn chìm hoàn toàn xuống lòng sông hồi năm 2008. Kể từ đó, năm nào nơi đây cũng xảy ra gần chục vụ sạt lở.

Mặc dù người dân biết cất nhà ven sông sớm muộn gì cũng “gặp hà bá” nhưng vẫn cứ bám víu vào những thước đất cuối cùng, chấp nhận sống chung với hiểm họa. Tiếp khách trong căn nhà sàn vừa dựng lại sát bờ sông, ông Dương Văn Mập ở chợ Vàm Đầm bày tỏ: “Làm nghề mua bán cua tép, tôi phải ở sát mé sông cho ghe xuồng tiện cập vô. Nhưng hễ nghe mưa rơi, nước ròng sát là không dám ngủ, sợ lở đất. Bây giờ, nhà tôi không làm cửa nẻo gì, để có sụp còn kịp chạy thoát thân”.

Bạc Liêu cũng có dải đất dài khoảng 15 km nằm ven các cửa sông, cửa biển thuộc các huyện Đông Hải, Phước Long và Giá Rai luôn đặt trong tình trạng báo động về sạt lở. 800 hộ dân ở khu vực này cần được di dời khẩn cấp.

Con sông nằm ở phía Tây thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu ngày một rộng dần ra, lấn sâu vào ngôi chợ sầm uất. Vào mùa mưa bão, hàng trăm hộ dân ở đây mất ăn mất ngủ vì ám ảnh cảnh nhà bị trôi sông và sóng đánh vỡ kè vỡ đê.

Cách đây 20 năm, trước nhà ông Dương Văn Tâm (ngụ khu vực 2, thị trấn Gành Hào) là con lộ 2 m, bên kia là dãy nhà buôn bán sầm uất cặp mé sông. Căn nhà của ông Tâm vốn dài gần 50 m, sau 3 lần bị sông “đuổi” nay chỉ còn lại không tới 10 m.

Tại Trà Vinh, tuyến đê biển dài khoảng 65 km đi qua các huyện, thị: Duyên Hải, Châu Thành, Cầu Ngang. Sạt lở cũng đã làm mất rất nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ tuy vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng những nơi này đã thành biển do sạt lở tấn công.

Áp sát quốc lộ

Ông Phạm Tấn Xiếu, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết chủ tịch UBND tỉnh vừa ký công điện khẩn về tình hình sạt lở nghiêm trọng bên bờ sông Tiền (ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình) vì vị trí sạt lở chỉ còn cách Quốc lộ 30 hơn 20 m.

Đoạn sạt lở này dài 150 m, ăn sâu vào đất liền 15-20 m và đe dọa trực tiếp 11 hộ dân cùng nhà kho. Trước mắt, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các ngành chức năng phối hợp cùng UBND huyện Thanh Bình vận động, hỗ trợ các hộ dân cùng các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong khu vực nguy hiểm di chuyển đến nơi an toàn. Cùng với đó, huyện đề nghị xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ sông Tiền đoạn từ chợ Bình Thành đến vàm Phong Mỹ để tránh ảnh hưởng đến Quốc lộ 30.

Theo nhận định của ngành chức năng, tình trạng này sẽ còn xảy ra nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời. Nguyên nhân là do bên bờ đối diện thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã bồi lắng. Trong khi đó, khu vực sạt lở nằm ngay đoạn sông cong nên dòng chảy đâm thẳng vào bờ phía xã Bình Thành. Nền đất ở khu vực này yếu, dễ tạo ra hàm ếch và gây sạt lở với độ sâu đo được hơn 10 m. UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ sớm triển khai dự án kè chống sạt lở bờ sông Tiền tại đoạn từ chợ Bình Thành đến vàm Phong Mỹ để bảo đảm tài sản và tính mạng người dân.

Khai thác cát vô tội vạ

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL là do thiếu cát. Trước đây, lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về vùng ĐBSCL mỗi năm khoảng 160 triệu tấn nhưng từ khi phía Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện thì lượng phù sa giảm còn 75 triệu tấn/năm. Sắp tới, nếu 11 đập thủy điện ở Lào, Campuchia hình thành thì lượng phù sa giảm còn 42 triệu tấn/năm và chắc chắn lượng cát từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL sẽ không còn nữa. Lúc đó, sạt lở tại ĐBSCL càng nặng nề hơn.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác cát tràn lan trên sông Tiền, sông Hậu một cách vô tội vạ thời gian qua đã làm 2 lòng sông hạ thấp xuống khoảng 1,3 m. Thiếu cát bù đắp nên sông sẽ lấy vật liệu 2 bên bờ bù vào, gây ra tình trạng hở hàm ếch rất nguy hiểm, nhất là những tuyến đường giao thông ven sông.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo