xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sau khi công bố tội trạng của Formosa: Hàng loạt phương án hỗ trợ ngư dân

Phương Nhung - Văn Duẩn

Chính phủ sẽ hỗ trợ người dân kịp thời, không cần chờ khoản bồi thường 500 triệu USD của Formosa. Kế hoạch sử dụng khoản đền bù dự kiến hoàn thành cuối tháng 7-2016

Báo cáo trước Chính phủ tại phiên họp trực tuyến với các địa phương ngày 1-7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, thiên tai làm thiệt hại cho ngành nông nghiệp hơn 16.900 tỉ đồng, bằng 0,9% GDP. Trong đó, ngành thủy sản tăng trưởng chậm lại bởi thiên tai và sự cố môi trường ở biển miền Trung.

Tuần sau, trình chính sách hỗ trợ

Từ điểm cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết ngư dân đánh bắt gần bờ, ngư dân làm nghề nuôi trồng thủy sản tại các xã ven biển, các đầm phá không có đất sản xuất để chuyển nghề khác sau khi biển đã bị ô nhiễm. Do đó, ông Cao đề nghị có chính sách hỗ trợ người dân đóng tàu, chuyển sang đánh bắt xa bờ hoặc đào tạo nghề khác để xuất khẩu lao động, giảm bớt khó khăn. Với lĩnh vực du lịch, tỉnh đề nghị hỗ trợ về chính sách tín dụng, thực hiện giãn, hoãn, giảm thuế để các nhà đầu tư về du lịch vượt khó.

Trước đó, theo Bộ NN-PTNT, tình trạng cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Sản lượng thủy sản khai thác của Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm giảm 16.000 tấn (giảm 6%); Quảng Bình giảm 23.600 tấn (giảm 8,7%); Quảng Trị giảm 16.000 tấn (giảm 14,3%); Thừa Thiên - Huế giảm 13.300 tấn (giảm 30%).

Ngư dân Quảng Bình chờ đợi những chuyến ra khơi Ảnh: MINH TUẤN
Ngư dân Quảng Bình chờ đợi những chuyến ra khơi Ảnh: MINH TUẤN

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về chính sách hỗ trợ cho ngư dân bị ảnh hưởng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám khẳng định bộ đang tham mưu cho Chính phủ để ban hành chính sách chuyển đổi nghề, chính sách về khôi phục môi trường và các chính sách về tạo việc làm cho ngư dân.

“Bộ đã hoàn tất các văn bản và đang gửi lấy ý kiến các bộ - ngành cũng như các địa phương. Trong tuần tới, nếu các bộ - ngành và địa phương có ý kiến phản hồi, trên cơ sở ý kiến đó, bộ sẽ trình Chính phủ để ban hành chính sách này” - ông Tám nói.

Giúp ngư dân lâu dài về sinh kế

Về nội dung hỗ trợ chuyển đổi nghề cũng như phát triển bền vững đối với ngư dân, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết Bộ NN-PTNT đang hoàn thiện để trình Chính phủ và chờ ý kiến chỉ đạo. Theo đó, sẽ tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt vùng lộng và vùng ven bờ, tức là đối với tàu công suất dưới 90 CV sẽ được hưởng chính sách như trong Nghị định 67 và Nghị định 89 về hỗ trợ ngư dân… để đóng tàu khai thác vùng xa bờ. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đề xuất phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho ngư dân.

“Nếu ngư dân không đi khai thác thì sẽ lên bờ làm những nghề phù hợp với điều kiện để tăng thu nhập, trong đó bộ đề xuất cố gắng mỗi hộ gia đình có được 1 người đi xuất khẩu lao động. Đây là một hướng giúp các gia đình có điều kiện ổn định cuộc sống tốt hơn” - ông Tám cho biết.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT sẽ đề xuất dự án khôi phục, tái tạo lại các rạn san hô cũng như các hệ sinh thái biển. Dự án này cần một lực lượng lao động rất lớn nên bộ đề nghị ưu tiên đưa lao động của các hộ dân này tham gia dự án khôi phục môi trường ở các tỉnh miền Trung.

Lên kế hoạch sử dụng hiệu quả 500 triệu USD

Đề cập đến kế hoạch sử dụng 500 triệu USD đền bù của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hỗ trợ lâu dài về sinh kế cho ngư dân; chú trọng hỗ trợ theo hướng đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ để mang lại hiệu quả dài lâu, bền vững hơn. Trong đó, có thể hạ lãi suất cho vay với người dân đầu tư tàu để đánh bắt xa bờ còn 1%-1,5%; đồng thời, phân bổ về Quỹ Hỗ trợ môi trường để khôi phục môi trường biển đã bị xâm hại. Ngoài ra, tính toán phần hỗ trợ trực tiếp cho người dân bị thiệt hại qua sự cố. Thủ tướng cũng yêu cầu hoàn thành kế hoạch sử dụng khoản đền bù này vào cuối tháng 7-2016.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ, nhấn mạnh trong tháng qua, MTTQ và 8 tổ chức thành viên đã vận động hỗ trợ ngư dân thiên tai, đồng thời tổ chức giám sát thực hiện ở 4 địa phương. Theo đó, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ gạo cho 4 địa phương bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển với 4.300 tấn gạo đến hơn 40.000 hộ dân. Hỗ trợ các hộ nuôi thủy sản bị thiệt hại hơn 9,8 tỉ đồng; trong đó, Hà Tĩnh 660 triệu đồng, Quảng Trị 8 tỉ đồng, Thừa Thiên - Huế 1,5 tỉ đồng. Đặc biệt, đã hỗ trợ cho 8.111 tàu thuyền ngừng khai thác với giá trị 53 tỉ đồng. Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng có chính sách riêng để hỗ trợ nông dân, ngư dân. Các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân, thành viên MTTQ, bạn bè quốc tế cũng đã đóng góp hơn 45 tỉ đồng và 150 tấn gạo cho người dân bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị bổ sung một số chính sách như hỗ trợ đóng tàu mới, hỗ trợ bảo hiểm tàu, hỗ trợ nuôi cá lồng bè…

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ thời gian qua chủ yếu dành cho ngư dân, người nuôi thủy sản còn người làm dịch vụ chưa thuộc diện hỗ trợ. Do đó, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ cho đối tượng này. Cuối cùng, đề nghị nhà nước công bố môi trường đánh bắt không an toàn ở các vùng nào, còn lại các vùng khác cấp chứng nhận đánh bắt an toàn để tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi đánh bắt.

Cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã đến thăm hỏi người dân bị thiệt hại tại thị xã Kỳ Anh. Ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết UBND tỉnh vừa ra quyết định thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Hội đồng có 18 thành viên, có trách nhiệm thống kê đánh giá thiệt hại của người dân Hà Tĩnh sau sự cố về môi trường khiến cá chết hàng loạt bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, minh bạch theo đúng quy định của nhà nước; đồng thời, đưa ra giải pháp khắc phục, ổn định sản xuất, đời sống của người dân trong thời gian sớm nhất.

Khẩn trương triển khai hỗ trợ

Trả lời về việc bao giờ có thể triển khai việc hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định việc hỗ trợ sẽ được triển khai kịp thời mà không phụ thuộc vào số tiền 500 triệu USD mà phía Formosa phải chi trả. “Ngân sách nhà nước sẽ được dùng để thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân. Vì vậy, chính sách hỗ trợ sẽ không phụ thuộc vào số tiền đền bù của Formosa đến sớm hay muộn” - ông Tám nói.

Thống kê thiệt hại phải nhanh và chính xác

Để buộc Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm cũng như bồi thường là cả một quá trình đấu tranh về mặt pháp lý với các căn cứ khoa học thuyết phục của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Dù chưa thật sự làm hài lòng tất cả người dân nhưng đó là một thành công về mặt pháp lý của cơ quan có thẩm quyền.

Theo quy định pháp luật của Bộ Luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì phải dựa vào các khoản thiệt hại thực tế phát sinh từ hành vi trái pháp luật của Formosa. Căn cứ vào điều 604, 605, 606, 618, 624 Bộ Luật Dân sự và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn về một số quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các khoản thiệt hại được tính bao gồm: Thu nhập thực tế bị mất của các hộ dân đánh bắt hải sản và người lao động làm việc trên các phương tiện đánh bắt hải sản (trong phạm vi chiều ngang 24 hải lý tính từ bờ biển - vùng bị ảnh hưởng bởi hành vi hủy hoại môi trường của Formosa) tại 4 tỉnh miền Trung; thiệt hại của các hộ dân nuôi trồng thủy hải sản ven biển 4 tỉnh miền trung; thiệt hại về phương tiện, ngư cụ của các hộ dân đánh bắt hải sản các tỉnh miền Trung (do biển bị ô nhiễm, cá chết nên họ không thể đánh bắt làm cho phương tiện, ngư cụ bị hư hỏng, nằm bờ không thể sử dụng được…).

Ngoài ra, còn thiệt hại về lâu dài do biển bị ô nhiễm, cần một thời gian khắc phục, khôi phục lại môi trường ban đầu. Muốn xác định được các khoản thiệt hại này, cần có sự thống kê từ xóm ấp, làng xã đến huyện, tỉnh. Việc thống kê mức thiệt hại cần làm khẩn trương nhưng cũng phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, khoa học.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo