Ngày 25-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết trong năm 2014, tổng số các luật, pháp lệnh các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ phối hợp chỉnh lý và Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 36 dự án (34 luật và 2 pháp lệnh). Theo ông Cường, nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ trong năm 2014 là rất nặng nề, chưa kể những dự án luật có thể phải trình theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai thi hành Hiến pháp mới.
Nhiều thành viên Chính phủ cho rằng còn tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật. Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, tình trạng nợ đọng có nguyên nhân do cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành có vấn đề. Có bộ tổ chức lấy ý kiến nhưng đến thời hạn thì các bộ khác lại chưa gửi góp ý. Vì thế, có những nghị định, luật trình đúng hạn nhưng ban hành vẫn chậm. “Tôi đề nghị các bộ cần góp ý đúng thời hạn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung” - ông Quân bày tỏ.
Ở khía cạnh nội dung của văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đề nghị xem lại phân cấp trung ương và địa phương để trung ương có thời gian lo xây dựng pháp luật nhiều hơn.
Đánh giá về tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật, Thủ tướng cho rằng nguyên nhân là do ý thức của bộ, ngành chưa cao; bộ máy quản lý còn nhiều bất cập. Năm 2014, Chính phủ phải ban hành 182 văn bản là nhiệm vụ nặng nề, không thể một ngày, một bữa là xong. Cho nên, các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm đối với những văn bản thuộc lĩnh vực quản lý, kiên quyết không để nợ đọng. “Bây giờ, nhà nước hoạt động theo pháp luật, đồng chí giám đốc sở không nắm được pháp luật thì gay go, tham mưu sao được?” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ chức năng chuẩn bị các dự án luật, trong đó có dự án Luật Tiếp cận thông tin.
Trước đó, dự án Luật Tiếp cận thông tin do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng (phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông), từng có giai đoạn chuẩn bị nhưng sau đó tạm dừng. Về việc này, Thủ tướng khẳng định Luật Tiếp cận thông tin ra đời là cần thiết trước nhu cầu thực tiễn của thời đại công nghệ thông tin và cũng để bảo đảm hiện thực hóa quyền tiếp cận thông tin của người dân như hiến định. “Thời đại này, không có Luật Tiếp cận thông tin không được đâu. Xem xét quy định cái gì nằm trong diện đáng mật thì mật, quy định mật cũng phải xem thời gian bao lâu phải giải mật. Còn xã hội càng minh bạch càng tốt” - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông sớm chuẩn bị và trình dự án Luật Báo chí sửa đổi, Luật An toàn thông tin cũng như quy hoạch báo chí.
Bình luận (0)