Phóng viên: Ông có cảm nhận gì sau các chuyến giám sát?
- Ông Nguyễn Thanh Toàn: Thực hiện Nghị quyết 16 của HĐND TP HCM về lập, thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị, TP đã triển khai và phê duyệt 283 đồ án, nâng tổng số đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2.000 lên 588. Như vậy, TP HCM cơ bản đã phủ xong quy hoạch chi tiết 1/2.000.
Đồ án đã phê duyệt xong nhưng các đơn vị đang lúng túng trong việc triển khai và thực hiện quy hoạch. Nếu là người dân, tôi cũng bức xúc! Dân khổ quá, có nhà, đất mà không được sử dụng như ý mình. Hình ảnh những căn nhà xập xệ, những con đường đọng nước trong khu vực quy hoạch công trình công cộng (CTCC) khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.
Hiện nay, người dân rất sợ quy hoạch, cơ quan quản lý nhà nước cũng ngại công bố trước dân về quy hoạch vì không trả lời được đến lúc nào sẽ thực hiện?
- Tôi nghĩ điều mà người dân bức xúc không phải là quy hoạch mà là các chính sách quản lý trong khu vực quy hoạch. Chưa có quyết định thu hồi đất nhưng dân bị cấm đủ thứ như: xây dựng, sửa chữa, sang nhượng… Quy hoạch là công tác quản lý của nhà nước, hoạch định chiến lược phát triển, còn đất của người dân thì họ phải được toàn quyền sử dụng. Khi có nhà đầu tư vào, phải đền bù thỏa đáng như các khu dân cư hiện hữu, sao lại có chuyện sợ nhà đầu tư đền bù nhiều rồi hạn chế quyền lợi của người dân?
Trong tháng 7 tới, chúng tôi sẽ mở hội thảo chuyên đề để làm rõ một số khái niệm và cách ứng xử trong quy hoạch. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng thành lập phòng kiểm tra sau quy hoạch để giám sát quá trình thực hiện của các địa phương. TP HCM cũng chuẩn bị ban hành một số biện pháp giải quyết quyền lợi của người dân trong các khu vực quy hoạch. Tuy nhiên, giải pháp phải đồng bộ từ trung ương đến địa phương, thống nhất trong cả hệ thống pháp luật để giảm bớt độ vênh giữa quy hoạch và quyền lợi người dân thì mới hết cái nhìn không thiện cảm về quy hoạch.
Người dân và lãnh đạo các quận - huyện cho rằng ngành quy hoạch “bôi xanh, bôi đỏ” (CTCC) nhà dân nhiều quá. Điều này khiến quy hoạch thiếu tính khả thi, còn người dân thì không ổn định cuộc sống?
- Trước kia, đúng là có tình trạng cứng nhắc áp CTCC lên nhà dân. Nhưng vừa qua, chúng tôi đã rà soát và điều chỉnh quy hoạch một số đồ án bất hợp lý, chẳng hạn giảm quy mô khu công viên 250 ha phường Hiệp Thành, quận 12 còn 150 ha; bỏ lộ giới một số tuyến đường, hẻm…
Cũng phải thấy rằng tình trạng “bôi xanh, bôi đỏ” nhà dân còn có lỗi quản lý yếu kém của các địa phương. Việc quy hoạch giữ đất cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, phục vụ phát triển của TP và cải thiện đời sống người dân là cần thiết. Thế nhưng, rất nhiều đồ án khi quy hoạch CTCC là đất trống nhưng trong thời gian chưa thực hiện, người dân lấn chiếm, xây dựng tràn lan, giờ thì đồ án phải “điền” thêm nhà dân vào.
Quy hoạch khu đô thị Tây Bắc, khu Nam Sài Gòn có “tuổi đời” hơn 10 năm; khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa trên 20 năm… nhưng đều gặp khó khăn về vốn thực hiện. Phải chăng các nhà làm quy hoạch đang “vung tay quá trán”, có nên điều chỉnh lại cho phù hợp với túi tiền của TP HCM từng thời kỳ?
- Bản chất của quy hoạch là những kế hoạch lâu dài, việc thực hiện không thể trong nay mai và các chỉ tiêu trong đồ án quy hoạch đều phải tuân theo quy định, quy chuẩn đã ban hành. Tôi khẳng định 588 đồ án quy hoạch chi tiết hiện nay đều có chất lượng tốt. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn của TP HCM hiện nay, chúng tôi chấp nhận điều chỉnh giảm một số tiêu chí trong quy hoạch các khu dân cư chỉnh trang trên cơ sở hạ tầng hiện hữu. Nhưng các khu đô thị mới thì phải thực hiện đúng quy chuẩn, không thể hạ rồi dần dần tăng, như thế sẽ tạo ra các khu ổ chuột mới.
Hiện nay, đã có giải pháp chấn chỉnh tình hình này, thay vì đầu tư dàn trải, TP HCM sẽ phân kỳ, phân vùng thực hiện quy hoạch các khu đô thị mới theo Nghị định 11 của Chính phủ về đầu tư phát triển đô thị vừa có hiệu lực. Riêng khu đô thị Tây Bắc, chúng tôi cũng tham mưu cho ban quản lý bóp lại ranh quy hoạch, chừa các trục đường lớn như Quốc lộ 22, Tỉnh lộ 8 để sau này có điều kiện sẽ tính tiếp.
Bình luận (0)