Ngày 9-11, Chính phủ đã quyết định đặt Ban Chỉ đạo Tiền phương đối phó với bão số 14 (Haiyan) tại Quân khu V (TP Đà Nẵng). Chiều cùng ngày, đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Phó Thủ tướng biểu dương cấp ủy, chính quyền, Bộ Quốc Phòng, công an, Quân khu 5, hệ thống chính trị tại các địa phương... đã chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo theo tinh thần của Thủ tướng tại cuộc họp ngày 8-11. Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm trước dân của chính quyền địa phương, của các bộ, ngành liên quan là rất cao.
Phó Thủ tướng nêu rõ bão số 14 có cấp độ rất mạnh, hoàn lưu rất lớn, di chuyển nhanh nên không được chủ quan; các địa phương, bộ, ngành nào chủ quan để xảy ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm.
Đến 15 giờ cùng ngày, các địa phương đã sơ tán được 69.166 hộ với 268.039 người. 13/44 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn ở các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, 6/15 hồ lớn ở khu vực Tây Nguyên đã đầy nước và qua tràn.
Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã thiết lập 4 sở chỉ huy sẵn sàng cơ động do các phó tư lệnh chỉ huy với 22.521 người và 56 ô tô các loại, 24 xe đặc chủng, 88 canô, tàu xuồng. Trong ngày, các đơn vị quân đội đã giúp dân chằng chống 28.705 nhà, 90 trường học, trạm y tế; di dời 36.352 hộ với 136.783 người.
Tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết hồi 16 giờ ngày 9-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,8 độ vĩ Bắc, 114,1 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (từ 150 đến 183 km/giờ), giật cấp 16-17.
Dự báo trong vòng 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30-35 km. Đến 16 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17 độ vĩ Bắc, 107,5 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166 km/giờ), giật cấp 15-16.
Chủ động cấm biển Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1850/CĐ-TTg gửi UBND các tỉnh, thành từ Bình Thuận đến Quảng Ninh và các bộ, ngành liên quan, yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về bờ hoặc đến nơi trú tránh an toàn; chủ động thực hiện cấm biển và kiểm soát chặt chẽ tàu, thuyền hoạt động ven biển, cửa sông, các tàu du lịch, vận tải; tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, bến bãi; có phương án cụ thể để sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, nhà ở không đảm bảo an toàn; chủ động cho học sinh nghỉ học, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng chống bão lũ… Công điện cũng yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai và rà soát ngay các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán, di dời dân. |
Đóng cửa sân bay Huế, Vinh, Đà Nẵng
Hôm nay (10-11), các hãng hàng không nội địa thông báo hủy tất cả các chuyến bay đến/đi Huế, Vinh, Đà Nẵng do cả 3 sân bay này được lệnh tạm đóng cửa để hạn chế ảnh hưởng của bão Haiyan.
Hãng Hàng không Việt Nam (VNA) hủy tổng cộng 62 chuyến bay đến/đi từ các sân bay Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Quy Nhơn, Tuy Hòa. Đối với 2 sân bay Đà Nẵng và Huế, dự kiến các chuyến bay sẽ được nối lại từ sau 18 giờ cùng ngày. Trước đó, từ chiều tối 9-11, VNA tăng thêm 3 chuyến và điều chỉnh giờ khai thác sớm hơn từ 1-3 giờ so với lịch trình đối với 7 chuyến bay giữa Hà Nội - TP HCM và Đà Nẵng, tăng thêm 2 chuyến và điều chỉnh giờ khai thác sớm hơn 2-3 giờ so lịch trình trên đường bay từ Hà Nội và TP HCM đi Huế.
Hãng hàng không VietJetAir thông báo hoãn 4 chuyến bay đến và đi từ Đà Nẵng tối 9-11 và tất cả các chuyến bay đến và đi Đà Nẵng, Huế ngày 10-11. Hành khách trên các chuyến bay này sẽ được hãng bố trí các chuyến bay bù, chuyển sang các chuyến kế tiếp nếu thời tiết cho phép hoặc có thể hoàn vé, hủy vé, bảo lưu vé theo nhu cầu.
T.Hà |
Hỗ trợ nạn nhân sang chấn tâm lý Bộ Y tế đã có công điện gửi sở y tế các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Cà Mau và Tây Nguyên, yêu cầu huy động toàn bộ lực lượng phối hợp với quân y trên địa bàn chủ động đối phó với bão Haiyan; sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất và tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa, bão, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống. Các đội cấp cứu cơ động trực 24/24 giờ, luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh; chuẩn bị nhóm nhân viên y tế hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân gặp sang chấn tâm lý sau bão...
N.Dung |
Bình luận (0)