“Ngành chức năng cần xem lại tình trạng khai thác cát tràn lan hiện nay, cân nhắc vấn đề xuất khẩu cát gây hệ lụy lâu dài” - ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, khuyến nghị như vậy khi bàn biện pháp ngăn chặn sạt lở ở các tỉnh, thành ĐBSCL.
Phù sa, trầm tích mất dần
Dựa trên các nghiên cứu của mình, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng vùng ĐBSCL được hình thành khoảng 6.000 năm và nhờ phù sa bồi đắp. Nhưng lượng phù sa trên hệ thống sông rạch giảm dần, dẫn đến nguy cơ sạt lở tăng cao. Các tỉnh duyên hải miền Tây cũng bị tác động trực tiếp từ sự biến đổi này bởi phù sa từ cửa sông đổ ra biển có tác dụng bảo vệ bờ biển, giảm tác động do sóng đánh, khi thiếu phù sa thì nước biển tấn công sẽ gây xói lở bờ biển. Sạt lở hiện nay tại Trà Vinh, Bạc Liêu là vì lý do này. Do vậy, theo ông Thiện, bằng mọi cách phải chấn chỉnh lại việc khai thác cát, không thể để mất đi nguồn tài nguyên vô giá này.
Các nghiên cứu liên quan cũng chỉ rõ những mối họa lớn mà ĐBSCL đang đối mặt. Nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cho biết từ năm 1992-2014, lượng trầm tích lơ lửng ở lưu vực sông Mê Kông đã giảm từ 160 triệu tấn/năm còn 75 triệu tấn/năm. Theo đánh giá của ông Marc Goichot, chuyên gia về năng lượng và thủy điện của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), việc suy giảm trầm tích liên quan đến khai thác cát và xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông. Cụ thể, 3 hồ chứa tại thượng nguồn ở Trung Quốc có khả năng giữ lại khoảng 32-41 triệu tấn trầm tích/năm. Nếu toàn bộ bậc thang 8 đập nước ở thượng nguồn được xây dựng thì mỗi năm, hơn 50% tổng tải trầm tích của lưu vực sông Mê Kông sẽ bị chặn lại, tương đương khoảng 140 triệu tấn. Trong khi đó, các đập hiện có ở thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông giữ lại từ 35-45 triệu tấn/năm. Khi tất cả các đập ở thượng nguồn được xây dựng, lượng trầm tích bị giữ lại sẽ vào khoảng 100 triệu tấn/năm. Hiện tại mỗi năm, các con sông ở ĐBSCL đã bị lấy đi 34 triệu m3 trầm tích, tương đương 55 triệu tấn, trong đó 90% là cát.
Còn theo Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM), hằng năm, tổng lượng bùn cát đọng lại trên sông Mê Kông từ trạm Kratie (Campuchia) về ĐBSCL rồi ra biển chỉ khoảng 12-18 triệu m3. Tuy nhiên, khai thác cát trên sông Cửu Long mỗi năm lại cướp đi khoảng 28 triệu m3 cát, so với lượng cát đổ về là quá nhiều.
Hết sức nguy hiểm!
TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường ĐH Cần Thơ, cũng đưa ra những đánh giá đáng chú ý về những hậu quả do sông ngòi ĐBSCL đang từng ngày bị “rút ruột”. “Cát ở ĐBSCL được lắng đọng lâu dài, từ vài chục năm đến cả trăm năm trước, mới tạo ra nền của đáy sông, cù lao và các tầng lưu trữ nước ngọt trong đất. Nhưng mấy năm nay, lượng cát về đồng bằng bị giảm trầm trọng, đặc biệt là cát thô. Cát thô bồi thềm cho đồng bằng, thềm của đồng bằng làm bệ đỡ cho lớp đất mặt bên trên, nếu không có thềm thì lớp đất mặt bị tuột ra biển hết. Hiện nay, lượng cát về không đủ và lượng cát hằng năm bị biển kéo đi quá nhiều nên thềm của đồng bằng đang xói lở. Thềm lở thì sẽ sụp xuống. Bờ biển lở kinh khủng do phần bù cát ít hơn phần biển lấy đi. Tình trạng này hết sức nguy hiểm” - ông Ni cảnh báo.
Hầu hết các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về ĐBSCL có chung nhận định những hậu quả nhãn tiền gây ra ở ĐBSCL chính là do nạn khai thác cát bừa bãi và việc này không có dấu hiệu chững lại khi địa phương nào cũng thi nhau cấp phép nạo vét, hút cát, làm lượng phù sa, trầm tích lơ lửng và cát cạn kiện dần.
“Các địa phương cấp phép khai thác cát nhiều là nguyên nhân gia tăng sạt lở bờ sông. Ví dụ ở TP Cần Thơ, cát thô có tại đây thì mấy chục năm sau mới di chuyển tới bờ biển. Nếu khai thác tại Cần Thơ thì cát đã hết, không xuống bờ biển gây sạt lở bờ biển. Campuchia khai thác cát rất nhiều để bán, trong đó có bán cho Việt Nam. Theo khảo sát của WWF, Campuchia khai thác hết cát từ phía thượng nguồn sông Mê Kông đổ về thì còn lấy đâu ra cát cho ĐBSCL” - ông Ni phân tích.
Kỳ tới: Tính sinh kế cho dân
Nơi sông phân nhánh, nhập lưu dễ bị sạt lở
Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp nhận định nguyên nhân chủ yếu gây sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh này là do tác động lực dòng chảy kết hợp với cấu tạo nền địa chất mềm yếu của lòng dẫn và do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát vào bờ. Xói lở thường xuyên diễn ra ở những khu vực cát cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định. Ngoài ra, do các hoạt động của con người như việc khai thác cát không đúng quy trình, nuôi trồng thủy sản dọc theo bãi bồi ven sông và xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất - kinh doanh lấn chiếm mặt sông làm thu hẹp mặt cắt ướt lòng dẫn và sóng gió do các phương tiện thủy gây ra tình trạng sạt lở cục bộ. Các vụ sạt lở vừa qua trên địa bàn tỉnh An Giang cũng do những yếu tố tương tự.
Các nhà khoa học dự báo trong mùa khô năm 2017, do chế độ thủy văn bất thường làm mực nước trên các sông, kênh, rạch chính tăng giảm không theo quy luật, cùng với diễn biến thời tiết có mưa trái mùa phức tạp có nguy cơ tác động đường bờ gây sạt lở cao. Do đó, chính quyền địa phương cần thường xuyên theo dõi và kịp thời báo cáo các diễn biến bất thường có thể dẫn đến sạt lở. T.Nốt
Bình luận (0)