Theo số liệu quan trắc mới đây của Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất lượng nước trên các sông nội đô TP như: Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ... đều trong tình trạng ô nhiễm đáng báo động; hàm lượng amoni, coliform, phốt phát đều vượt quy chuẩn.
Sống chung với mùi hôi thối
Sông Tô Lịch là một trong những dòng sông lớn nhất thủ đô, dài khoảng 14 km, chảy qua địa phận 6 quận - huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Không chỉ là hệ thống tiêu thoát nước chính, sông Tô Lịch còn góp phần tạo cảnh quan, sinh thái đô thị cho TP Hà Nội.
Tuy nhiên, mỗi ngày sông Tô Lịch hứng hàng ngàn mét khối nước thải sinh hoạt khiến mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Từ nhiều năm qua, dù TP triển khai nhiều biện pháp khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua, nước sông Tô Lịch xuống thấp, màu đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Trên mặt sông, rác thải kết thành mảng nổi lềnh bềnh. Ven bờ, các ống cống từ khu dân cư thải nước đen ngòm ra sông.
Bà Nguyễn Thu Hà, trú quận Hoàng Mai, cho biết mỗi sáng, bà đều thấy công nhân môi trường đi thuyền ra vớt rác thải nhưng đến tối, rác lại nổi đầy mặt sông Tô Lịch. “Thời gian gần đây, trời ít mưa, mực nước xuống thấp, mùi hôi thối càng trở nên trầm trọng. Nhiều người già sinh sống ở dọc bờ sông than phiền nhức đầu vì mùi hôi thối. Các nhà hàng, quán ăn mất khách bởi có mở cửa cũng không mấy người vào ăn” - bà Hà nêu thực trạng.
Không chỉ sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ cùng nhiều con sông khác tại Hà Nội cũng đang “chết dần” bởi chính sự tác động của con người.
Kỳ vọng vào nhà máy Yên Xá
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cho hay tình trạng các dòng sông ở Hà Nội ô nhiễm nặng đã tác động xấu tới cảnh quan, môi trường, sinh hoạt của người dân. “Sông bị ô nhiễm như hiện nay là do tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư dày đặc khiến việc xử lý nước thải trở nên quá tải. Ngoài ra, ý thức của một số người dân còn hạn chế, chưa bỏ được thói quen xả rác, nước thải ra môi trường” - vị này nhận định.
Theo UBND TP Hà Nội, không thể kéo dài mãi tình trạng ô nhiễm mà phải có biện pháp quyết liệt để hồi sinh những con sông. Nằm trong chương trình cải tạo chất lượng sông hồ tại Hà Nội, mới đây, UBND TP đã khởi công xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì). Nhà máy này được lãnh đạo TP và người dân kỳ vọng khi kết hợp với Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở (quận Hoàng Mai, đưa vào sử dụng năm 2013) sẽ làm “sống lại” nhiều sông, hồ tại thủ đô.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết từ trước đến nay, nước thải của TP được thu gom bởi hệ thống cống, kênh mương rồi xả ra các hồ và 4 con sông thoát nước chính là Kim Ngưu, Sét, Tô Lịch, Lừ. Do đó, Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc cải tạo môi trường, giúp hồi sinh các con sông.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội còn giao các quận - huyện tổ chức quản lý, thu gom rác thải để chấm dứt tình trạng đổ rác bừa bãi xuống sông. TP cũng sẽ lập quy hoạch toàn tuyến sông Tô Lịch để tách nguồn nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp vào sông đưa về các nhà máy xử lý.
Bao cao su đầy hồ Linh Đàm
Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Trưởng Công an quận Hoàng Mai, cho biết đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương làm rõ tình trạng bao cao su nổi trắng hồ Linh Đàm. Trước đó, rạng sáng 22-11, người dân đi bộ quanh bờ hồ Linh Đàm đã phát hiện rất nhiều bao cao su, băng vệ sinh… đã qua sử dụng nổi lềnh bềnh trên hồ này. Sau đó, Xí nghiệp Thoát nước số 4 (đơn vị quản lý hồ Linh Đàm) đã cử công nhân xuống dọn dẹp.
Ông Âu Văn Thân, cán bộ Ban Quản lý hồ Linh Đàm, cho rằng có thể lợi dụng đêm tối, ai đó đã vứt bao cao su, băng vệ sinh xuống hồ. Tuy nhiên, với số lượng nhiều như vậy, không thể nào do một người vứt. Ngoài ra, đi kèm với những phế phẩm này có rất nhiều vỏ dầu gội, lược, bàn chải đánh răng…
Đáng chú ý, trước đó khoảng gần 1 tháng, cá tại hồ Linh Đàm đã chết hàng loạt. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết số lượng cá chết khoảng 400 kg và nguyên nhân là do thời tiết.
Bình luận (0)