xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Thanh Thảo

Tôi mượn câu thơ trên trong bài “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh để viết về dòng sông Trà Bồng quê hương ông.

Trước khi viết bài, lòng tự nhiên phấp phỏng không yên, tôi gọi điện cho một người bạn, nguyên Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, hồi hộp hỏi anh: “Con sông Trà Bồng, “con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh bây giờ có còn sạch không? Có bị dự án, nhà máy nào “bám” bên bờ không?”. Anh bạn trả lời như đinh đóng cột: “Không! Chưa có nhà máy nào dọc hai bờ sông Trà Bồng. Anh yên tâm!

Dù vậy, tôi vẫn bỏ hẳn nửa ngày, kêu thêm vài đứa em làm báo mang máy ảnh đi dọc sông Trà Bồng, đoạn từ phía trên cầu Châu Ổ xuống tới tận làng Đông Yên quê Tế Hanh, nơi con sông sắp nhập vào biển. Chúng tôi ngồi trên ô tô, vừa nhìn dòng sông vừa nhìn hai bên bờ, không phải tìm những “bờ tre ríu rít tiếng chim kêu” mà nhìn xem có... nhà máy nào chăng? May quá, hai bờ sông, nhất là đoạn Đông Yên - Bình Dương, còn yên lành; có các bác nông dân đang tỉa đậu mùa mới trên những khoảnh ruộng nâu thẫm màu đất phù sa. Đã cuối mùa mưa, họ tỉa đậu chuẩn bị cho tháng giêng thu hoạch. Thỉnh thoảng, bắt gặp trên dòng sông vài chiếc thuyền đánh cá, chúng tôi chợt nhớ hai câu thơ mộc mạc của Tế Hanh:

“Kẻ sớm khuya chài lưới trên sông

Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng”.

Nhịp sống hai bên bờ và trên dòng Trà Bồng vẫn còn là nhịp sống lao động truyền thống, chỉ trừ một đoạn cuối làng Đông Yên, sát bờ sông có mấy quán nhậu. Mấy quán này chắc có xả thải nhưng khả năng gây ô nhiễm không cao nên chưa phải lo lắm. Mùa mưa, nước sông Trà Bồng không được trong xanh, mùa đẹp nhất của sông này là mùa hè, đó là khi “mặt nước chập chờn con cá nhảy”.

img

Nhớ mùa hè năm 1997, tôi và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đưa nhà thơ Tế Hanh về làng Đông Yên quê ông để thực hiện một bộ phim tài liệu theo đơn đặt hàng của Hội Nhà văn Việt Nam. Hồi đó, đoạn sông Trà Bồng chảy qua làng Đông Yên còn đẹp lắm vì còn nguyên những rặng tre “soi tóc” xuống dòng nước trong xanh. Về với dòng sông quê nhà, Tế Hanh đột nhiên tươi vui hẳn, khỏe mạnh hẳn, dù năm đó mắt ông đã yếu lắm. Chúng tôi tổ chức một chuyến đò dọc đưa Tế Hanh ngao du trên dòng sông thương yêu của ông. Dạo đó, phía bên kia bờ sông vẫn đầy lau lách hoang dại, đò chúng tôi thong thả chạy dọc sông, đúng là có cảm giác “Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy/ Hình ảnh con sông quê mát rượi/ Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới”. Tế Hanh lúc ấy tuy không còn nhìn rõ nữa nhưng ông cảm nhận rất đầy, rất sâu hình ảnh và thân thể dòng sông quê hương như cảm nhận người mình yêu:

“Tôi giơ tay ôm nước vào lòng

Sông mở nước ôm tôi vào dạ”.

Khó có cảm giác nào da thịt hơn thế! Tế Hanh là nhà thơ của những cảm giác dịu dàng. Những cung bậc tinh tế của thiên nhiên khi vào thơ ông đã hiện lên cuốn hút như thân thể một người con gái đẹp. Dòng sông Trà Bồng, khi vào thơ Tế Hanh, đã thành “tòa thiên nhiên” cho người đọc chiêm ngưỡng. Cảm giác da thịt với dòng sông bắt đầu từ đó. Một dòng sông đẹp mướt mát, đẹp lung linh như thế không thể là một dòng sông bị ô nhiễm!

Sông Trà Bồng quanh năm đầy nước, nếu được những cánh đồng nông nghiệp sạch hai bờ tô điểm, nó sẽ là “dòng sông du lịch” tuyệt vời của Quảng Ngãi. Một dòng sông đã sở hữu một bài thơ bất tử như bài “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh thì dứt khoát phải là dòng sông sạch.

“Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng

Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc

Tôi nhớ cả những người không quen biết

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây

Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy

Hình ảnh con sông quê mát rượi

Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới”.

Từ nỗi nhớ cồn cào trong ký ức tới những hình ảnh dự phóng cho tương lai, đoạn thơ như phập phồng, ẩn chứa những khắc khoải. Thơ đích thực là như vậy, nó dự cảm, tiên tri và cảnh báo. Ngày còn chiến tranh, có thời gian khá dài tôi ở bên sông Vàm Cỏ Đông. Dòng sông thuở ấy cũng trong xanh, cũng đầy nước hệt như sông Trà Bồng. Sông Vàm Cỏ Đông cũng trở nên bất tử với ca khúc “Vàm Cỏ Đông” của Trương Quang Lục (nhạc) - Hoài Vũ (thơ). Hai nghệ sĩ này cùng quê Quảng Ngãi, đồng hương với Tế Hanh.

Thời Tế Hanh sống, chúng ta hoàn toàn không biết, không được cảnh báo về những dòng sông bị ô nhiễm, về những thảm họa môi trường, vậy mà trong bài thơ “Nhớ con sông quê hương”, ông vẫn thắc thỏm một điều gì. Đó là dự cảm của một thi sĩ làm thơ hoàn toàn bằng cảm xúc và cảm giác. Dự cảm thì không rõ ràng nhưng nó khiến ta không thể bình thản khi đọc.

Cho tới bây giờ thì sông Trà Bồng vẫn còn là dòng sông sạch nhưng nếu không quyết liệt bảo vệ sự trong lành của nó thì tương lai, con sông sẽ ra sao? Sông chảy từ nguồn tới biển, như bài thơ về dòng sông chảy từ ký ức tới tương lai. Đó phải là một hành trình sạch.

Chỉ có 70 km, sông Trà Bồng không dài, không lớn lắm nhưng phải nói thật, đó là dòng sông đẹp từ nguồn ra tới biển. Cũng như thế, bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh không phải là bài thơ dài, cũng không phải bài thơ chở nặng tư tưởng triết học, không phải bài thơ cách tân hay phức hợp lộng lẫy nhưng đó là bài thơ hay từ câu đầu tới câu cuối. Ra đi từ dòng sông và trở về với dòng sông, thơ Tế Hanh là cuộc chuyện trò thầm thĩ không dứt với con sông thân yêu của đời mình. Và chính Tế Hanh cũng là một dòng sông, một dòng sông bình dị và đầy xúc cảm, một dòng sông biết chắt chiu từng gàu nước ngọt cho những người dân Việt thực thà, đôn hậu và không thể sống thiếu một dòng sông.

Dòng sông Trà Bồng đã chở bài thơ Tế Hanh; và ngược lại, bài thơ “Nhớ con sông quê hương” cũng chở sông Trà Bồng suốt 61 năm qua. Bao nhiêu thế hệ người Việt không phải quê Quảng Ngãi nhưng biết và yêu sông Trà Bồng nhờ đọc và thuộc thi phẩm của Tế Hanh.

Thơ và dòng sông cứ chia hai rồi nhập một, quấn quýt như thế mãi mãi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo