Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE, kể về sự ra đời của ý tưởng thúc đẩy “sống tử tế”: Nhiều người Việt Nam lo lắng và bực mình vì họ cảm thấy không được đối xử tử tế. Ra đường, sợ tài xế taxi đi gian đường - tính sai cước; mua thức ăn sợ phải đồ ngâm hóa chất hay phun thuốc trừ sâu; vào bệnh viện sợ bị kê đơn thuốc đắt tiền không cần thiết; đến cơ quan công quyền thì sợ bị sách nhiễu, vòi vĩnh... Tại sao người bán hàng bán đồ độc hại cho khách hàng - những người mang lại thu nhập cho họ? Tại sao công chức sẵn sàng hạch sách người dân, dù tiền lương họ hưởng, bổng lộc họ có đều do người dân đóng góp từ thuế?... Đây thực sự là những vấn đề nghiêm trọng vì qua đó chúng ta thấy những giá trị đúng - sai đang bị đảo lộn.
Một lần, nhóm lãnh đạo iSEE gặp đạo diễn Trần Văn Thủy và xem bộ phim “Chuyện tử tế” của ông. Cho dù bộ phim đã được sản xuất từ những năm 1980 nhưng vẫn còn nguyên giá trị về cách con người đối xử với nhau. Những câu chuyện và lời bình về cách đối xử của chính quyền với người dân, của bà sơ với bệnh nhân phong và của người mẹ có bệnh phong với đứa con nhỏ thực sự khiến người xem cảm động. Đây chính là lúc iSEE nảy ra ý tưởng vận động cho lối sống tử tế trong xã hội vì tin rằng khi người với người đối xử tử tế với nhau thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn.
Để lan tỏa thông điệp về “Sống tử tế”, iSEE và nhiều tổ chức khác đã phát động hoạt động đầu tiên đó là “Giải báo chí Đồng hành cùng phát triển” với chủ đề “Sống tử tế” nhằm tôn vinh những nhà báo viết về những con người tử tế, hành động tử tế, giá trị tử tế để truyền cảm hứng và lan tỏa cái tốt trong xã hội. iSEE còn hợp tác với Nhà hát Tuổi trẻ xây dựng một vở kịch nói về chủ đề “Sống tử tế”. Một chiến dịch có tên “Chiếc vòng tử tế” cũng đang được thành hình cùng nhóm A4F, sẽ truyền cảm hứng cho người dân đủ mọi thành phần thực hiện những hành động tử tế. Một trong những công việc quan trọng nữa của iSEE là chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số, người đồng tính song tính và chuyển giới...
Khi khởi động ý tưởng này, iSEE không đi tìm hay cổ vũ cho quan niệm chuẩn về sống tử tế mà cốt mong sao mỗi người suy nghĩ về nó, ý thức về nó để mình không vô tình hay cố ý gây hại cho người khác.
Có lẽ không ai dám nói mình là người tử tế hoàn toàn, quan trọng là mỗi người luôn ý thức được rằng phải sống tử tế với mình và với cộng đồng. Khi nhiều người có ý thức về sự tử tế thì chắc chắn xã hội sẽ tốt lên và mỗi chúng ta sẽ được đối xử tử tế hơn. Xã hội đang rất cần có thêm những hoạt động mang giá trị nhân văn sâu sắc như chiến dịch do iSEE đang phát động thực hiện!
Bình luận (0)