xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tả tơi lễ hội

Yến Anh

Tình trạng lạm dụng lễ hội đã trở nên đáng báo động, biểu hiện ở nhiều mặt khác nhau với cả người tổ chức, chủ thể lễ hội lẫn khách tham dự. Điều đó khiến những ý nghĩa tích cực của lễ hội bị lu mờ và các hành vi tiêu cực bùng phát

Giáo sư (GS) Nguyễn Xuân Kính - Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - cho biết lễ hội ngày nay đều xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp.  Tuy nhiên, hiện lễ hội ngày càng mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

Lợi dụng lễ hội để... trả thù

Theo GS Kính, sau khi mùa màng bội thu, người dân tổ chức lễ hội như là dịp để tạ ơn thần linh, tiên tổ; tỏ lòng thành kính, biết ơn những người chiến đấu chống giặc ngoại xâm, những người gọi là phúc thần, thường cứu giúp dân vượt qua thiên tai, bệnh tật và cầu bình an cho một năm mới tốt lành.

 

Các liền chị nhận tiền du khách tại Hội Lim Ảnh: Nguyễn Hưởng
Các liền chị nhận tiền du khách tại Hội Lim Ảnh: Nguyễn Hưởng

 

“Thành ngữ có câu “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”, nghĩa là tham dự lễ hội thì không tránh khỏi cảnh chen nhau, xô đẩy. Tuy nhiên, những hình ảnh “hỗn chiến” như cướp lộc tại Hội Gióng (Hà Nội), tranh cướp bạo lực tại Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), tranh cướp lộc Đền Trần (Nam Định) hay dùng búa đập trâu tới chết ở lễ hội Cầu Trâu (Phú Thọ)... đã khiến các lễ hội này mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có” - ông Kính lo ngại.

GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - nhấn mạnh “cướp lộc” trong lễ hội xưa là một nét văn hóa. Ví dụ ở Hội Gióng, việc cướp hoa tre vốn là một nghi thức của lễ hội. Vì hoa tre (tượng trưng cho vũ khí của Thánh Gióng) thì ít mà người tham gia rất đông nên sau khi làm lễ, người ta sẽ tung hoa tre cho người dân, ai “cướp” được thì người ấy sẽ gặp nhiều may mắn. Đó là tranh cướp lành mạnh, điều này đã diễn ra hàng ngàn năm nay. Song, bạo lực thời gian gần đây giống như một cuộc chơi như không có luật, phá hoại toàn bộ hệ thống phong tục tốt đẹp vốn có của lễ hội này.

“Năm trước, người ta lợi dụng tục “cướp” hoa tre để trả thù cá nhân. Đến nay, tôi biết có một thanh niên vẫn còn ngớ ngẩn vì bị người cùng làng lợi dụng lễ hội để trả thù. Thậm chí, phi phong tục tới mức một nhóm thanh niên vô lễ lao vào cướp hoa tre khi chưa làm xong lễ khiến lực lượng bảo vệ phản ứng dẫn đến đánh nhau” - GS Thịnh bức xúc.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng tình trạng lạm dụng lễ hội đã trở nên đáng báo động, biểu hiện trên nhiều mặt khác nhau, cả phía người tổ chức, chủ thể lễ hội lẫn khách tham dự. Điều đó làm cho những ý nghĩa tích cực của lễ hội bị lu mờ và các hành vi tiêu cực bùng phát.

Sự thực dụng lên ngôi

Lý giải về những biến tướng, cách hành xử thiếu kiềm chế, hành vi bạo lực trong lễ hội ngày càng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng trong nhiều năm, sự hiểu biết về tín ngưỡng, lễ hội của người dân bị đứt đoạn do bị cấm đoán. Nhiều người đi lễ hội không hiểu, không có tri thức về đời sống tâm linh.

“Tôi mới xem một cuộc phỏng vấn 3 người, hỏi các anh đi lễ ở đâu thì câu trả lời đều là “tôi chưa kịp tìm hiểu đây là đền nào, thờ ai...”. Với tình trạng dân trí về đời sống tâm linh như vậy thì làm sao hành động không lệch chuẩn? Cứ thấy có bát hương là đến khấn vái mà không biết khấn vái cái gì! Không chỉ dân trí mà quan trí cũng kém về lễ hội. Tất cả những điều đó dẫn đến sự xô bồ của lễ hội. Điều này rất đáng buồn” - ông trăn trở.

GS Thịnh phân tích: Việc ban ấn ở lễ hội Đền Trần tại Nam Định ban đầu mang ý nghĩa “tích đức vô cương” (cầu mong cho sự phúc đức mãi mãi). “Sau này, khi tỉnh hóa, toàn quốc hóa lễ hội này thì người ta đã biến ý nghĩa của ấn thành phong quan tiến chức. Từ đó, người ta đi xin ấn để được thăng chức như một nhu cầu xã hội” - ông ưu tư.

Nói thêm về những biến tướng của lễ hội, PGS Lê Trung Vũ, Viện Văn hóa dân gian, cho rằng người ta cướp lộc, cướp ấn vì niềm tin vào hạnh phúc “ảo” nhưng lại tạo ra hành động thật - đó là tranh giành, giẫm đạp lên nhau. Cùng với niềm tin là thói a dua, hùa theo tâm lý đám đông. Người ta có lộc thì mình cũng phải có, không có thì kém may...

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), thừa nhận những tập tục của ông cha hướng đến sự chân thiện mỹ thì lại được nhiều người hiểu là về sự giàu có hay may mắn, từ đó dẫn đến những hành vi không hay của họ trong lễ hội. GS Nguyễn Xuân Kính cho rằng đây là là dấu hiệu của sự thực dụng hay mặt trái của kinh tế thị trường. Nói rộng ra, đó là dấu hiệu suy thoái đạo đức của một bộ phận người dân.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, vì cầu may cho mình mà chen chúc, giẫm đạp lên đám đông để giành bằng được một mảnh ấn Đền Trần tức là do lòng tham mà quên mạng sống của người khác. “Bán ấn lấy tiền mà không tính đến sinh mạng người dân là vì lòng tham mà quên lẽ hiếu sinh của con người. Đặt lòng tham lên đầu thì sao mà có được một xã hội văn minh, hạnh phúc?” - ông đặt vấn đề.

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng vấn đề gây ra nhiều hệ lụy là hiện nay, một số cơ sở tín ngưỡng, người dân và cả người quản lý bị trục lợi hóa. “Trục lợi với đời sống thường nhật đã nguy hiểm nhưng đồng tiền thâm nhập đến đời sống tín ngưỡng thì sẽ phá hoại hết nền nếp” - ông lo ngại.

 

“Theo tôi được biết thì chỉ riêng lễ hội Đền Trần năm 2012, TP Nam Định đã nộp vào ngân sách 12 tỉ đồng. Một lễ hội mà thu từng đó lợi lộc thì người ta có bỏ hay không?”

GS Ngô Đức Thịnh

 

Ngộ nhận

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền cho rằng so với những gì mà học giả Phan Kế Bính mô tả về đời sống tâm linh Việt Nam trong cuốn Việt Nam phong tục, có thể nói xã hội ta đang quay ngược trở lại đời sống tâm linh cách đây 1 thế kỷ và mang đậm nét dấu ấn đời sống tâm linh thời Trung cổ. Rõ ràng trong một thời đại xã hội phát triển, đó là điều mâu thuẫn.

“Chúng ta cứ ngộ nhận tất cả những giá trị truyền thống đều tốt đẹp, đều là tinh hoa. Điều đó là sai! Mỗi thời đại có một giá trị tồn tại phù hợp với thời đại đấy. Những cổ tục hiến sinh, đâm chém, máu me bê bết đối với ngày nay rõ ràng không còn phù hợp, mặc dù ngày xưa nó là giá trị phù hợp với thời Trung cổ” - ông phân tích.

 

Loại bỏ lễ hội không phù hợp

Cả nước hiện có 7.966 lễ hội với 6 loại hình, trong đó 80% là lễ hội dân gian. Trước những biến tướng của lễ hội thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VH-TT-DL phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có lễ hội tổng kết, rà soát thực trạng.

Trao đổi về việc sẽ xem xét, loại bỏ những lễ hội không phù hợp nào trong thời gian tới, ông Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ

VH-TT-DL - cho hay bộ đang giao các cơ quan chức năng là Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản thanh tra, rà soát, đánh giá lại lễ hội. Trong năm nay, bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ để chỉ đạo lễ hội nào phản văn hóa, ảnh hưởng hình ảnh quốc gia thì phải cấm. Công đoạn nào của lễ hội cần khu biệt lại cũng sẽ được bộ đề xuất. Hiện Bộ VH-TT-DL đang soạn công văn gửi các tỉnh, thành để chấn chỉnh lễ hội.

 

Người tham dự lễ hội Đền Trần chen nhau cướp cả bảo kiếm Ảnh: Tuấn Minh
Người tham dự lễ hội Đền Trần chen nhau cướp cả bảo kiếm Ảnh: Tuấn Minh

 

Ông Tân cho biết đề án quy hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 đã trình Chính phủ trong năm 2014. Tuy nhiên, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ VH-TT-DL tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo