Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia công bố tại hội nghị tổng kết công tác ATGT năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014, tổ chức ngày 31-12, cho biết tính từ ngày 16-12-2012 tới 15-12-2013, cả nước xảy ra 29.385 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. So với năm 2012 đã giảm 1.610 vụ, 55 người chết và 3.045 người bị thương. Mặc dù có 37 địa phương giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số bị thương nhưng lại có tới 19 địa phương có số người chết vì TNGT tăng cao (Khánh Hòa, Hà Giang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…).
Kỷ luật hàng loạt cán bộ
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết năm qua đã tập trung chỉ đạo, đi vào “gốc” của nguyên nhân gây ra TNGT là hoạt động vận tải, việc siết chặt các điều kiện kinh doanh vận tải; điều tra, truy tận gốc các trung tâm đăng kiểm, trung tâm đào tạo sát hạch lái xe có nhiều lái xe gây ra tai nạn nghiêm trọng và kết quả đã giảm rõ rệt các vụ TNGT nghiêm trọng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nhận thức trách nhiệm của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương còn chưa đầy đủ.
“Có hiện tượng chủ quan, lơ là, thậm chí buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT và thông tin, báo cáo các vụ tai nạn nghiêm trọng chưa kịp thời”- Bộ trưởng Đinh La Thăng nói. Ông cho biết năm 2013, thanh tra sở GTVT các địa phương đã kỷ luật 12 cán bộ, đình chỉ 21 đăng kiểm viên vi phạm quy trình kiểm định xe cơ giới; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật 23 cán bộ vi phạm quy định về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, trong đó có việc đình chỉ một hội đồng sát hạch thuộc Sở GTVT TP HCM.
Ủy ban ATGT quốc gia cho biết vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ; đăng kiểm viên, công tác đăng kiểm và quản lý phương tiện thủy nội địa chưa được quan tâm đúng mức.
Lắp camera thông minh
Ông Nguyễn Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, chia sẻ hàng loạt kinh nghiệm để kéo giảm cả 3 tiêu chí về TNGT ở địa phương này. Trong đó có việc nghiêm cấm cán bộ công chức, viên chức uống bia trong giờ làm việc và buổi trưa.
Trong năm 2013, tỉnh Tây Ninh tổ chức 675 lượt kiểm tra cán bộ CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường và qua đó phát hiện, xử lý 25 CSGT vi phạm.
Biểu dương thành tích của tỉnh Tây Ninh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt lại việc phát động phong trào cán bộ không uống rượu bia vào buổi trưa.
Công bố TNGT trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí, số điểm ùn tắc giảm 66%, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết năm 2014, TP sẽ tập trung phân lại làn, tuyến đường, lắp đặt dải phân cách và hướng dẫn điều hòa giao thông cho hợp lý. Hiện TP đang làm điểm đầu tư lắp đặt camera với độ phân giải cao, có thể ghi hình, ghi tốc độ và lỗi vi phạm để trên cơ sở đó mà xử phạt. Việc này sẽ được bố trí di động để tránh tình trạng người điều khiển tìm cách đối phó.
Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết địa phương này cũng lắp đặt camera thông minh để kiểm soát và có bằng chứng xử lý vi phạm ATGT tại TP Long Xuyên và TP Châu Đốc.
“Uống rượu bia thì làm sao làm được việc. Tỉnh nhỏ như Tây Ninh mà một năm phạt được 80 tỉ đồng, tai nạn giảm mạnh, trong khi các tỉnh thành lớn, dân số đông, phương tiện nhiều lại phạt được ít tiền hơn là điều các địa phương cần phải suy nghĩ!”- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Ủng hộ nêu tên người vi phạm giao thông trên báo
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 31-12-2013, Bộ Tư pháp khẳng định việc nêu tên người vi phạm an toàn giao thông (ATGT) trên báo chí đang được Bộ Tư pháp và Bộ Công an nghiên cứu, cân nhắc để phù hợp với pháp luật hiện hành.
Trả lời câu hỏi xung quanh đề xuất của Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) về việc tiếp tục cho phép nêu tên người vi phạm một số lỗi ATGT lên báo chí để bảo đảm tính răn đe liệu có phù hợp với các quy định hiện hành, ông Đặng Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, tổ trưởng Tổ Triển khai đề án về xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp) - cho biết các quy định này vẫn đang trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan cũng như người dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết việc nêu tên cá nhân, tổ chức vi phạm ATGT nghiêm trọng lên báo chí là hình thức tốt và có tác dụng răn đe nhất định, cần thiết phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Th.Kha
Bình luận (0)